Bước ngoặt mới trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam - Nga

Google News

Liên bang Nga cần có những chính sách mới trong quan hệ hợp tác Quốc phòng với Việt Nam trong tình hình mới.

Hội thảo Việt Nam - Nga lần thứ nhất của Câu lạc bộ quốc tế Valdai diễn ra ngày 25/2 tại TP.HCM, với chủ đề "Hợp tác quốc tế trong thế giới đầy biến động". Một trong những vấn đề trọng tâm của nước Nga là "hướng Đông" và đây cũng là chủ đề chính của diễn đàn Valdai trong năm nay - Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga.
Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, địa phương; nhất trí phối hợp chặt chẽ để tăng cường quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước.
Buoc ngoat moi trong hop tac ky thuat quan su giua Viet Nam - Nga
 Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov tham dự Hội thảo Việt - Nga lần thứ nhất của Câu lạc bộ quốc tế Valdai. Ảnh: Valdai Club.
Theo ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga, mối quan hệ Moscow và Hà Nội đang ở tầm cao mới. Việt Nam - trong ý nghĩa quân sự, chính trị và kinh tế - là một trong những nhân vật chủ chốt ở Đông Nam Á và việc phát triển đối thoại, thúc đẩy sự tương tác toàn diện với Việt Nam là điều cần thiết cho nước Nga hiện đại.
Việt Nam và Liên Bang Nga vốn đã có một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và lâu dài. Kể từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam nhiều vũ khí, khí tài quân sự. Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, mối quan hệ quân sự giữa hai nước vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển. Các khí tài quân sự gần như được đáp ứng ngay sau những thỏa thuận được ký kết. Năm 1994, Việt Nam đặt mua những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới Su-27SK/UBK đầu tiên. Ngay sau đó năm 1995, một hợp đồng thứ hai mua mới các máy bay cùng loại này cũng được ký kết tạo cơ sở cho Không quân nhân dân Việt Nam tiến lên hiện đại với việc triển khai và biên chế các máy bay thế hệ thứ tư.
Trong khi các nước láng giềng của Việt Nam tăng cường phát triển tiềm lực quân sự, Việt Nam với sự tăng trưởng đều đặn và ổn định kinh tế trong suốt một thời gian dài tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển quân sự quốc phòng và Liên Bang Nga luôn là đối tác tin cậy. Năm 2003, Không quân Việt Nam tiếp tục mua mới bốn máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30MKV. Sau đó, nhiều hợp đồng trang bị thêm các máy bay chiến đấu loại này cùng các khí tài liên quan cũng được ký kết sau đó. Và chủng loại máy bay này sớm trở thành niềm tự hào của không quân Việt Nam với số lượng máy bay chiến đấu Su-30 lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, chỉ có Ấn Độ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia đang biên chế nhiều máy bay loại này nhất trên Thế giới.
Cũng trong năm 2003, Việt Nam đã đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300PMU-1. Việc mở rộng mua sắm trang thiết bị hải quân cũng được đẩy mạnh vào cuối những năm 2000, mà cụ thể là việc Hải quân nhân dân Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm diesel - điện lớp Kilo theo đề án 636 cùng với các hộ tống hạm lớp Grepard. Việc mua sắm những chiếc tàu ngầm này là một bước ngoặt lớn của Hải quân Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã nhận được đủ và biên chế 6 tàu ngầm này trong lực lượng hải quân của mình, tạo tiền đề cho Hải quân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng trang bị xe tăng tiên tiến T-90S mới cho lực lượng Lục quân và hiện đang nhận những chiếc xe tăng đầu tiên.
Mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực mà trong đó việc mua sắm các trang bị quân sự mới cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam là một ưu tiên quan trọng. Mặc dù, Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về năng lực kỹ thuật quân sự nhưng các thỏa thuận mua sắm vũ khí vẫn được tiến hành với nhiều đơn đặt hàng quy mô và giá trị ngày một tăng cao. Ban đầu Việt Nam chỉ đặt mua bốn máy bay Su-30MK2V, nhưng thực tế sau nhiều lần thay đổi và bổ sung, cuối cùng lực lượng không quân Việt Nam đã tiếp nhận 8 chiếc máy bay Su-30MK2V và sau đó là 12 chiếc khác trong một hợp đồng ký thêm. Giá trị của các thỏa thuận mua sắm vũ khí trung bình từ 100 triệu USD vào những năm đầu thế kỷ 21 đã tăng lên 300 triệu USD vào giữa những năm 2000 và cao điểm nhất là lên tới hơn 1 tỷ USD.
Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và LB Nga dựa trên mối quan hệ quận sự truyền thống và lâu đời gữa hai quốc gia và được thực hiện song song theo các chính sách đối ngoại và chính trị tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và LB Nga. Bên cạnh đó, còn có đặc điểm về mặt tâm lý giữa người dân hai nước với nhau, có thể là khả năng đồng cảm lẫn nhau này xuất hiện vào những năm 1960s và 1970s trong quá trìn hợp tác song phương với cuộc chiến chống ại Hoa Kỳ. Hoặc cả hai đất nước này có một số sự tương đồng về văn hóa nhất định.
Tuy nhiên mối quan hệ về quân sự không hẳn là không có những vấn đề tồn tại. Hiện nay, với tiềm lực kinh tế và tài chính ngày càng phát triển của mình cho phép Việt Nam tiếp cận đa dạng hóa các chủng loại vũ khí của các nước phương Tây. Hà Nội cũng đang nghiên cứu khả năng mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Và khi đó, Nga dần mất đi vị thế độc quyền trên thị trường vũ khí Việt Nam. Không những vậy trong thời điểm hiện tại, khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Việt Nam trong việc nhập khẩu vũ khí từ LB Nga theo Đạo luật Chống lại kẻ thù nước Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) tuy rất thấp nhưng vẫn sẽ là một mối lo ngại tiềm tàng.
LB Nga cần đưa ra chính sách linh hoạt hơn trong về vấn đề kỹ thuật quân sự với Việt Nam, nâng cao chất lượng bảo hành, bảo trì và triển khai các thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Đồng thời việc kết hợp song phương mở rộng các hoạt động chống khủng bố và phòng chống tội phạm, thực thi pháp luật và an ninh mạng cũng sẽ giúp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng thắt chặt và bền vững hơn. Nhìn chung, với mối quan hệ đối tác toàn diện truyền thống, bối cảnh chính trị tích cực và nhu cầu hiện đại hóa quân sự của Việt Nam là những điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển hơn nữa hợp tác kỹ thuật quân sự Việt - Nga.
Theo Quang Huy/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)