Để đối phó với kẻ thù mạnh chúng ta luôn phải tìm ra được lối đánh sở trường của mình, hiện nay kẻ thù tiềm tàng đã có sự phát triển vượt trội về năng lực tác chiến đường không, đường biển.Trong khi đó do tiềm lực kinh tế hạn chế, Việt Nam chưa thể đầu tư mạnh và đồng bộ cho quân đội. Mà rõ ràng dù có cố gắng đến đâu, thực lực của ta cũng không thể bằng được đối phương. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chỉ với khả năng của mình ta có thể tự vệ và chống trả hiệu quả với một cuộc chiến tranh không cân xứng trong tương lai?
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn phải đối phó với những kẻ thù cực mạnh. Vì thế đã đúc kết được những kinh nghiệm và lối đánh phù hợp,có thể nói là lão luyện trong chiến tranh tiêu hao.
Với loạt bài viết này, Kiến Thức xin đưa ra một số gợi ý nâng cao năng lực của lực lượng không quân và hải quân trong tình hình mới.
|
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất được coi là phù hợp để thay thế MiG-21. |
Trước hết, với việc những cánh én bạc MiG-21 được cho nghỉ hưu sau ngót nửa thế kỷ phục vụ vẻ vang, Không quân Nhân dân Việt Nam đang thiếu một lực lượng phòng thủ tầm gần trong không phận.
Trước nhu cầu cấp thiết này việc mua sắm một loại máy bay tiêm kích thay thế cho MiG-21 là việc khẩn trương cần làm. Gần đây đã có những đồn đoán về việc Việt Nam đàm phán với các nước phương tây để tìm kiếm các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu. Đây là việc làm đúng đắn để đa dạng nguồn cung vũ khí,tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một nhà cung cấp, “không nên để tất cả trứng vào cùng một giỏ”.
Hiện nay có hai loại máy bay tiêm kích nhẹ rất phù hợp để thay thế cho MiG-21, đó là F-16 của Mỹ và JAS 39 Griphen của Thụy điển.
|
Theo Reuters, Việt Nam đã có những mối quan tâm tới mẫu tiêm kích JAS 39 Gripen. |
Vậy Việt Nam nên chọn loại nào?
Trước hết. chúng ta có thể so sánh một số tính năng kỹ chiến thuật và những ưu,nhược điểm của hai ứng viên này.
Thứ nhất, hai loại máy bay này là những tiêm kích nhẹ hàng đầu của phương tây vì thế vũ khí trang bị, và các trang thiết bị điện tử có thể nói là gần như tương đương, và là những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Thứ hai, mặc dù F-16 mang được nhiều vũ khí hơn JAS 39 (7,7 tấn so với 6 tấn), nhưng JAS 39 nhỏ gọn hơn, sải cánh 8m so với 10m của F-16, thân ngắn gọn hơn (12m so với 14,8m). Điều đó khiến JAS 39 nhẹ hơn, có chi phí vận hành thấp hơn (4.700 USD/giờ so với 22.500 USD/giờ của F-16).
|
Chi phí sử dụng JAS 39 Gripen rẻ hơn rất nhiều so với F-16. |
Thứ ba, JAS 39 có tính năng tuỳ biến, nâng cấp rộng, phiên bản mới mang động cơ F414 loại dùng cho máy bay F/A-18 của Mỹ. Với động cơ mới, Gripen có thể tăng bán kính tác chiến lên 1.300km, tầm bay 2.500km, các thiết bị điện tử và vũ khí có khả năng nâng cấp đảm bảo không bị lạc hậu.
Thứ tư, máy bay JAS 39 có khả năng cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn (dưới 600m), trên đường quốc lộ, có thể tiếp vũ khí nhiên liệu trong vòng 10 phút và tiếp tục chiến đấu được, phù hợp với điều kiện khó khăn trong thời gian chiến tranh. Đặc biệt, khi bị đối phương áp chế mạnh trên không và cơ sở hạ tầng bị hủy hoại nghiêm trọng.
|
JAS-39 có khả năng tác chiến với mọi đối tượng trên không, trên bộ, trên biển. |
JAS 39 cũng phù hợp với lối đánh du kính,bất ngờ và nghệ thuật chiến tranh của Việt Nam. Nó phù hợp với chiến thuật phân tán binh lực khi bị địch tấn công ồ ạt bằng đường không.
JAS 39 Gripen loại máy bay chiến đấu mạnh mẽ được trang bị tên lửa không đối đất Taurus KEPD tầm bắn 350km, tên lửa chống hạm RBS-15F tầm bắn 250km được đánh giá tương đương Harpoon của Mỹ.
Về khả năng đảm bảo nguồn cung cấp, Việt Nam có thể học cách Brazil đã làm, mua trước một số lượng hạn chế và đàm phán để phía bạn chuyển giao công nghệ, từng bước lắp ráp trong nước. Kinh nghiệm và năng lực sẽ phát triển theo thời gian, đảm bảo nguồn cung khi xảy ra xung đột và đặc biệt là từng bước nâng cao được tiềm lực KHCN và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng.
Từ những lý do trên, Việt Nam có thể nên chọn tiêm kích đa năng JAS 39 của Thụy điển, nó đáp ứng được các yêu cầu mà chúng ta cần.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả