Lặng người nghe kể cuộc tử chiến trên núi Đất với quân TQ

Google News

"...Tôi liền lệnh cho toàn trung đổi vị trí chiến đấu, Quân Trung Quốc bị đánh vỗ mặt bất ngờ, đổ như ngả rạ...".

Về cuộc chiến trên điểm cao 1509 (Núi Đất, Vị Xuyên, Hà Giang), có rất nhiều tài liệu không chính thống được tung lên trên mạng, gây dư luận đồn đoán, nhiều suy diễn.
Phóng viên đã tiến hành gặp gỡ những nhân chứng trực tiếp chiến đấu trên điểm cao 1509, ghi lại những ký ức suốt đời không bao giờ quên của họ qua loạt bài: Cuộc tử chiến bi hùng trên núi Đất.
Mới đây, tòa soạn nhận được hồi ký của cựu binh Đỗ Minh Sáng (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ông Sáng là người cuối cùng rút khỏi 1509, khi quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người tràn lên lấn chiếm. Đạn hết, thương vong quá lớn, các chiến sỹ buộc phải rút lui bảo toàn lực lượng, chờ dịp phản kích. Đến cuối năm 1989, quân Trung Quốc chính thức rút hết quân đội ra khỏi những cao điểm đã lấn chiếm trong cuộc chiến biên giới Vị Xuyên 1984-1989.
Chúng tôi xin được đăng lại hồi ký 1509 của cựu binh Đỗ Minh Sáng, để bạn đọc hiểu hơn về cuộc chiến bi hùng này:
Tôi là Đỗ Minh Sáng, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313. Tháng 7/1983 tôi được điều về nhận công tác tại đại đội 6, được giao nhiệm vụ chốt giữ trên đỉnh điểm cao 1509.
Nhớ lại những ngày đầu về đơn vị đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được cán bộ chiến sỹ yêu thương đùm bọc nhau như anh em một nhà. Cuộc sống của người lính trên chốt cực kì thiếu thốn , quần áo mỏng manh, cơm có bữa không no, đường dốc gập ghềnh lắm suối nhiều khe, đôi lúc xe hỏng hàng không tới được, gạo sấy khoai mì, “bát canh toàn quốc”, “nước chấm đại dương” đỡ lúc đói lòng, có bữa cơm toàn muối trắng, sinh hoạt tinh thần còn bao thiếu thốn, cả năm trời mới có 1 lần phim, báo Đảng ít có để xem, đại đội 1 tờ mấy khi đã tới.
Lang nguoi nghe ke cuoc tu chien tren nui Dat voi quan TQ
Cựu binh Đỗ Minh Sáng. 
Bẵng đi 1 thời gian có vẻ là yên bình, đúng vào ngày 2/4/1984 khoảng 8h00 phút, từ bên kia biên giới pháo cối các loại của Trung Quốc đồng loạt trút đạn xuống các điểm tựa phòng ngự của ta và bắn sâu vào tận KM 4 đường Hà Giang đi Thanh Thủy. Chúng mở màn chiến dịch lấn chiếm các điểm cao dọc tuyến biên giới Hà Tuyên giáp với Trung Quốc trong đó có điểm cao 1509.
Kể từ ngày 02/04 đến 28/4 năm 1984, ngày nào Trung Quốc cũng bắn hàng ngàn đạn pháo cối các loại, không hề có quy luật nào. Chúng nhằm tiêu hao sinh lực và phá hoại các công sự trận địa kiên cố của ta, phục vụ cho ý đồ tiền công bộ binh của chúng.
Những ngày này, tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ lên cao chất ngất, quyết tâm bám trụ 1 tấc không đi 1 ly không rời, chờ quân Trung Quốc xâm lược vào là nổ súng tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu.
Đêm 27/4/1984 một đêm có thể nói là yên bình không 1 tiếng pháo, trời quang mây, gió rít từng cơn.
Tự dưng tôi có một linh tính khác lạ, liền hội ý nhanh với các A trưởng (tiểu đội trưởng) nhận định tình hình có thể địch ém quân chuẩn bị cho đánh bộ binh và trực tiếp xuống báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đại đội trưởng.
Đúng như nhận định, lúc 05h00 phút ngày 28/4/1984, chúng đã đồng loạt bắn pháo sang các cao điểm 1509,772, 1545… mở màn cho chiến dịch tiến công bộ binh. 05h30 phút, theo chiến thuật, pháo địch chuyển làn cho bộ binh xung phong.
Lang nguoi nghe ke cuoc tu chien tren nui Dat voi quan TQ-Hinh-2
  Các chiến sỹ chốt giữ trên điểm cao 1509.
Tôi băng ra khỏi hầm vận động kiểm tra các vị trí chiến đấu của các tiểu đội 7,8,9 vẫn an toàn, duy nhất có khẩu đại liên đã bị DKZ82 của địch phá hỏng. Tiếng nổ chát chúa vẫn ở trên đầu. Thì ra quân Trung Quốc bắn pháo giấy. Quân địch thổi từng loạt còi chiến thuật, hò nhau xung phong. Đi đầu là lực lượng dân binh, mặc áo đen tiếp sau là lực lượng chủ lực đầu đội mũ có sao quần áo màu xanh lá cây. Cứ 1 thằng bắn có 3 thằng gùi đạn và sẵn sàng chuyển thương binh tử sỹ.
Tôi liền lệnh cho toàn trung đội đổi vị trí chiến đấu, chỉ huy cối 60, ĐKZ kiềm chế ngăn chặn địch, trung liên B40, B41 chờ địch vào tầm bắn hiệu quả đồng loạt nổ sung tiêu diệt. Quân Trung Quốc bị đánh vỗ mặt bất ngờ, đổ như ngả rạ. Tôi vận động hết tiểu đội này đến tiểu đội khác động viên bộ đội phối hợp nhịp nhàng, chủ động nổ súng. Quân Trung Quốc buộc phải dừng lại gọi pháo chi viện, rồi lại tiếp tục tiến công. Chúng chơi chiến thuật lấy thịt đè người, lớp này ngã xuống lớp khác lại ào lên thay (1 quả pháo hoặc 1 quả ĐKZ nổ trúng đội hình của địch khói chưa tan đã thấy quân địch lóp ngóp xông lên). Lúc này, ở một số vị trí đã bắt đầu có thương vong.
8h30 phút quan sát hướng Trung đội 1 (Đồi Cây Khô) địch đã chiếm được 1 phần trận địa, tôi chỉ huy đội đại liên bắn chi viện cho Đồi Cây Khô. Đang vận động từ khẩu đội đại liên về A7 thì bất ngờ 1 quả cối của địch nổ ngay sát mép hào, trúng hố bắn của đồng chí Hải khiến anh hy sinh tại chỗ. Tôi bị thương vào đầu. Nhận thấy lúc này không thể xa rời đồng đội, lại tiếp tục chiến đấu giữ vững trận địa.
Lang nguoi nghe ke cuoc tu chien tren nui Dat voi quan TQ-Hinh-3
Điểm cao 1509. 
Sau khi địch chiếm được đồi cây khô nơi trận địa phòng ngự của Trung đội 1, chúng lập tức củng cố đội hình, phối hợp với các lực lượng khác tổ chức nhiều đợt tấn công lên đỉnh cao điểm 1509. Sức ép lúc này quá lớn, tính ra là 1 chọi với 20. Chúng tôi bị thương vong đáng kể, một số đồng chí đã cơ động lên được đỉnh 1509 bổ sung cho đơn vị, quyết tâm giữ vững trận địa.
Đến 11 giờ, ở hướng Tiểu đội 7, địch đã áp sát vào chiến hào, tôi liền lệnh cho tiểu đội 7 điểm hóa mìn định hướng. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cây cối cùng xác địch bay xa hàng chục mét. Chúng khiếp hãi lùi ra xa đồng thời tiếp tục gọi pháo, cối bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự. Sau khi pháo chuyển làn quân Trung Quốc lại tiếp tục hò nhau xông lên.
Lúc này đạn cối 60 còn rất ít, tôi phải lệnh cho xạ thủ ĐKZ 82 Nguyễn Văn Hùng trực tiếp bắn tiêu diệt bộ binh địch. Mỗi một quả đạn ĐKZ nổ hàng chục tên địch tan xác, nhưng chúng quá đông, cộng với hoản lực chi viện của địch bắn như mưa, nên cứ lớp này ngã xuống lớp khác lại xông lên.
Đến 11h 30 phút, trận địa của Tiểu đội 8, Tiểu đội 9 vẫn giữ vững. Hướng Tiểu đội 7 địch đã bám được vào đường hào râu tôm. Tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng Tiểu đội 7 phản kích khôi phục lại trận địa. Cay cú không làm gì được, chúng dùng súng phun lửa bắn vào hào hòng hủy diệt các chiến sĩ.
Lang nguoi nghe ke cuoc tu chien tren nui Dat voi quan TQ-Hinh-4
Đài hương tưởng niệm các chiến sỹ Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468. 
Sau khi hầm chỉ huy đại đội bị địch chiếm, tôi động viên anh em tiếp tục chiến đấu. Quân số ở trên đỉnh lúc này bị thương vong rất nhiều. Đến 14h,một lần nữa chúng lại bắn pháo như vãi trấu. Lúc này, ĐKZ82 của xạ thủ Hùng hết đạn, chỉ còn số lượng ít đạn B41. Tình thế lúc này ngàn cân treo sợi tóc.
Lại một lần nữa chúng đột nhập được vào hào của Tiểu đội 7, bắn mạnh vào sườn phải của trung đội, đạn đã hết. Sau khi báo cáo lên cấp trên và nhận được chỉ thị, tôi lệnh cho trung đội tổ chức rút. Tôi và đồng chí A trưởng A7, đồng chí Tuấn tổ đài cối 120 lợi dụng địa hình địa vật nổ súng ngăn chặn không cho địch phát triển, số còn lại dìu thương binh rút dần theo hướng tiểu đoàn.
Tôi là người cuối cùng rút khỏi đỉnh 1509 vào lúc 15h15 phút ngày 28/4/1984. Trên đường rút xuống bình độ 1200 mới được anh em đồng chí, đồng đội băng bó vết thương ở vai phải. Tôi bất tỉnh không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm ở phẫu của trung đoàn tại làng Pình.
Đó là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của tôi. Lúc tỉnh dậy ở trạm phẫu, tôi đã khóc, đã xin phép cấp trên được quay trở lại chiến đấu, được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh 1509. Nhưng mọi người không cho phép khi thấy tôi thương tích khá nặng. Về sau, tôi được điều chuyển sang nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác.
Tôi đã nhiều lần trở lại với Vị Xuyên, nhưng không thể lên lại được 1509, nơi tôi cùng với đồng đội đã từng một thời vào sinh ra tử. Người dân bản địa ngăn lại, họ bảo rằng trên ấy nguy hiểm lắm, đầy rẫy bom mìn. Điều quan trọng nhất, 1509 vẫn thuộc về tổ quốc.
Với tôi, 1509 mãi mãi là quê hương thứ 2, là máu thịt của mình.
Theo VTC

Bình luận(0)