Theo nguồn tin từ tờ Hankook Ilbo (Hàn Quốc) và The Moscow News (Nga), Hàn Quốc sẽ đảm bảo đến năm 2015 hoàn thành đúng tiến độ dự án căn cứ hải quân Jeju. Khi đó, nước này sẽ triển khai hạm đội cơ động tại căn cứ này để đối phó với những tranh chấp biển với Trung Quốc và Nhật Bản. Báo chí Hàn Quốc phân tích, giả định đối phương chính của hạm đội cơ động đảo Jeju là Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc.
Tờ Hankook Ilbo cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2015 sau khi hoàn thành căn cứ trên đảo Jeju, sẽ thành lập căn cứ tiền đồn của Hải quân Hàn Quốc. Căn cứ này có cầu cảng lớn dài khoảng 2km, neo đậu đồng thời 20 tàu chiến bao gồm tàu sân bay loại lớn và 2 tàu vận tải loại 15.0000 tấn cùng 7.500 lính thủy đóng thường xuyên.
|
Hàn Quốc đang xây dựng căn cứ rất lớn ở đảo Jeju.
|
Còn The Moscow News cho rằng, với việc xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Jeju, Quân đội Hàn Quốc đưa ra 2 lý do gồm: thứ nhất là có thể giúp bảo đảm an ninh vận tải trên biển; thứ hai là có thể giúp đối phó với các mối đe dọa trên biển đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, tờ báo này bình luận, căn cứ trên đảo Jeju gần với Trung Quốc sẽ có thể giúp Hàn Quốc tăng cường kiểm soát đối với bãi đá ngầm Ieodo – khu vực tranh chấp giữa Hàn Quốc với Trung Quốc.
Theo Tạp chí MEDIA (Hàn Quốc), hải quân nước này còn đang tích cực xây dựng “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo”. Lưu ý rằng, đảo Dokdo là khu vực đang xảy ra các tranh chấp với Nhật Bản (gọi là Takeshima). Còn Ieodo là nơi đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc, nơi đây còn được gọi là đá ngầm Socotra.
Trong thực tế, trước đây Hàn Quốc đã tổ chức xây dựng hạm đội cơ động tương tự. Tuy nhiên hạm đội này lại được triển khai tại căn cứ Pusan, thời gian đến khu vực bãi đá ngầm Ieodo là lâu hơn so với Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc. Với kế hoạch “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo” triển khai tại căn cứ đảo Jeju, thời gian đến bãi đá ngầm Ieodo/Suyan Rock của nó khi cần thiết ngắn hơn nhiều so với Hạm đội Đông Hải.
Vì lý do này, Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân đảo Jeju hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2015, đây sẽ đóng vai trò như là căn cứ chính của “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo”.
|
Việc đặt căn cứ ở Jeju góp phần triển khai lực lượng chiến đấu tới khu vực tranh chấp Iedo một cách nhanh nhất.
|
Tờ Tiếng nói Jeju của Hàn Quốc cho rằng, trong tác chiến hải quân, lực lượng đầu tiên đến được khu vực biển mục tiêu và ngăn chặn quân đối phương có khả năng giành chiến thắng hơn cả.
Hạm đội Hàn Quốc xuất phát từ căn cứ Pusan, phải mất 21 giờ mới có thể đến được khu vực biển bãi đá ngầm Ieodo. Trong khi, Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc chỉ cần khoảng 14 giờ là có thể đến được khu vực này. Nhưng, tương lai với việc triển khai “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo” tại căn cứ Jeju, chỉ cần khoảng 8 giờ là có thể đến được khu vực bãi đá ngầm Ieodo.
Thời báo Hoàn Cầu cáo buộc, báo chí Hàn Quốc đang tăng cường sự cường điệu đối với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, lấy đó làm cái cớ để phát triển “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo”.
Nhật báo Đông Á viết, hiện nay Hàn Quốc cơ bản có thể kiểm soát vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý. Tại biển Hoàng Hải và một số khu vực ở Hoa Đông, Quân đội Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát biển. Theo một quan chức Hải quân Hàn Quốc cho biết, tổng trọng tải của đội tàu Hải quân Trung Quốc đã gấp 6 lần đội tàu Hải quân Hàn Quốc. Để kết thúc sự không tương xứng này, Hải quân Hàn Quốc cần phải xây dựng lực lượng tác chiến kiểu mới để đối phó với Trung Quốc.
|
Bên cạnh đối phó với Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển.
|
Tờ The Moscow News của Nga chỉ ra, Quân đội Mỹ đã quyết định bỏ phương trâm “đồng thời đánh thắng trên 2 cuộc chiến tranh”, Hàn Quốc cho rằng, sự hỗ trợ của Mỹ đối với đồng minh châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm.
Tháng 12/2015 Bộ tư lệnh liên quân Mỹ-Hàn sẽ giải thể, Mỹ sẽ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc. Trong khi đó, thực lực Quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, đến khoảng năm 2016, Trung Quốc có thể tìm cách để kiểm soát các đảo tranh chấp. Khi đó, lực lượng trên biển của Hàn Quốc khó có thể là đối thủ của Trung Quốc.
Tờ Hankook Ilbo của Hàn Quốc cho rằng, mục đích quan trọng của “hạm đội đảo Dokdo, Ieodo” mà Hàn Quốc xây dựng chính là hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc. Tàu khu trục Aegis có thể đối phó được với máy bay chiến đấu trên tàu được triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm có thể tạo thành mối đe doạ trực tiếp đối với tàu Liêu Ninh.
“Hạm đội đảo Dokdo, Ieodo” không chỉ có thể ngăn chặn và kiểm soát khu vực biển bãi đá ngầm Ieodo, mà còn có thể từ căn cứ Jeju trực tiếp tiến về phía Nam cắt cánh quân Hạm đội Trung Quốc đến bãi đá ngầm Ieodo.