Su-22 là loại máy bay cường kích mạnh mẽ do Liên Xô thiết kế dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển. Cuối năm 1979, Không quân Nhân dân Việt Nam đã được tiếp nhận những chiếc Su-22 đầu tiên, và trang bị cho Trung đoàn 923 Yên Thế (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Có thể nói, vào thời điểm đó, Su-22 là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân ta với tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn.
Hiện nay, dù đã qua thời gian dài sử dụng, máy bay cường kích Su-22 vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong Không quân Nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển. Ở miền Bắc, Su-22 được biên chế trong Trung đoàn 921 làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không bảo vệ không phận. Ở miền Trung, miền Nam, Su-22 đảm nhiệm vai trò bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
|
Biên đội Su-22 cất cánh. |
Trong quá trình hoạt động, việc xảy ra tai nạn hàng không là điều không thể tránh khỏi. Các máy bay cường kích Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Vụ tai nạn đầu tiên của máy bay Su-22 là vào ngày 9/8/2006, một chiếc Su-22 xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đã gặp sự cố và đâm thẳng vào chân núi Hòn Khô, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Vụ việc đã khiến cho phi công hi sinh.
Ba năm sau, ngày 9/6/2009, máy bay cường kích Su-22M4 của Trung đoàn 923 Yên Thế khi đang bay trên địa phận xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) thì bất ngờ lao xuống khu vực đồi bãi Chiêng, trong cánh đồng trồng ngô của nhà ông Lê Xuân Thế, ở thôn Lạc Long 2, xã Cẩm Phú (huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa) và bốc cháy nghi ngút.
Vụ tai nạn khiến cho phi công Đại úy Trần Thanh Nghị tử nạn. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh, thời điểm xảy ra vụ việc, phi công đang thực hiện bài bay khoan, lộn theo dòng xoáy rất phức tạp. Đại úy Nghị từng thực hiện bài bay này nhiều lần trước đó.
Khi hi sinh, Đại úy Trần Thanh Nghị là Biên đội trưởng, phi công cấp 3 và có nhiều kinh nghiệm với trên 500 giờ bay. Gia đình và đồng đội đều khẳng định anh là một phi công máy bay phản lực xuất sắc. Cùng tuổi với anh, ít người được thăng quân hàm Đại úy, có “vốn” 500 giờ bay và đã là phi công cấp 3.
|
Những gì còn lại của chiếc Su-22 rơi ở Thanh Hóa năm 2009. |
Và vụ tai nạn mới đây nhất là vào trưa ngày hôm qua (16/4), biên đội 2 máy bay Su-22 (Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý huấn luyện ném bom đã bị mất liên lạc lúc 11h35 phút (khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20km).
Hai phi công gặp nạn gồm Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370; Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Trung tá Lê Văn Nghĩa, quê ở Huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nôi, hiện đang sinh sống tại quận 7, TP.HCM; còn Đại uý Nguyễn Anh Tú, quê ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm cứu nạn 2 phi công, đồng thời xác định khu vực máy bay rơi.
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực hoạt động tại hiện trường nhưng mới phát hiện và vớt được 3 thùng dầu phụ; chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.