Chuyện tình đẹp giữa nhà báo trẻ và cô gái 18 tuổi thẫm đấm nước mắt khi cô gái bị chôn vùi dưới cống Hiệp Hòa. Sau 35 năm trôi qua, nhà báo ấy vẫn nhớ những gì xảy ra như một thước phim quay chậm và dự định sẽ làm một bộ phim tài liệu về ngày bi hùng ấy...
Ông Trần Công Bình – Trưởng phòng Biên tập – Thông tin Điện tử - Đài phát thanh và Truyền hình Nghệ An ngày ấy hãy còn là một phóng viên trẻ của Đài phát thanh Nghệ Tĩnh được cử lên đặc trách viết bản tin cho công trường cống Hiệp Hòa. Bình phơi phới lên công trường, ngoài nhiệm vụ chung còn có niềm vui được gần người yêu.
Không hẹn mà gặp, người yêu Bình – cô gái Giản Thị Lam cùng làng ở xã Cát Văn cũng tình nguyện đến nơi này, y như lời bài hát: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh”. Tình yêu đôi trẻ ấy được nhen lên trong những đêm hẹn hò ở làng quê và lại càng nồng thắm hơn khi đến với công trường. Họ ngầm thi đua với nhau và cùng ước hẹn... Bình cứ 30 phút lại phát một bản tin trên đài phát thanh của công trường. Lam hăng say đào và gánh đất ở những nơi sâu nhất, khó khăn nhất. Gặp nhau lần nào cũng vội. Nhưng chỉ cần nhìn vào mắt nhau cũng đủ dịu lại một ngày vất vả và tiếp thêm năng lượng tình yêu” .
Thấy người yêu làm việc gian khổ quá, Bình thương, bảo: “Hay là em lên trạm xá công trường làm cho đỡ mệt?”. Lam cười: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng cả, phần gian khó dành cho ai? Với lại em làm cùng chúng bạn vui lắm”. Cứ thế, công trường rộn tiếng ca.
|
Nhà báo Trần Công Bình hồi tưởng lại chuyện tình bi tráng trên công trình thủy lợi cống Hiệp Hòa. |
Cho đến trưa ngày 3/1/1978 Bình đi thực tế, nhìn thấy lòng cống sao mong manh như vỏ trứng rỗng ruột. Bình linh tính có điều gì không hay sắp xảy ra, dù cứ 30 phút nhà báo trẻ này lại phát một bản tin về an toàn lao động. Bản tin do ban chỉ huy công trường chuyển những thông điệp khiến tất cả yên tâm làm việc. Nhưng cống của Pháp xây từ những năm 30 khi chắn nước lại để khô ráo bên trong, bỗng trở nên ọp ẹp…
“Tôi vừa ở dưới đáy cống sâu 80m lên, chưa kịp ăn cơm bỗng nghe tiếng “rầm”. Tiếng nổ to nhưng không giòn vì có cả tiếng nước trong đó. Tôi lao đến hiện trường thấy cả núi đất đá đổ ập xuống vùi lấp hàng trăm con người đang làm việc phía dưới. Trong đó có cả Lam người yêu tôi…”.
Người đàn ông tóc muối tiêu lặng đi trong giây lát. Hình như ký ức đau đớn ngày ấy lại ùa về. Trưa ấy, Bình đã lao đến, dùng đôi bàn tay mình cào đất đá để cứu Lam và những người khác. Tay vừa cào xuống đất được vài phân có khi đã gặp mái tóc của người xấu số. Nhiều người bị lấp chỉ bởi một lớp đất mỏng tang. Vì thế không ai dám dùng cào cuốc để đào xuống mà phải dùng tay để cứu hộ… Lam còn sống không? Bình gọi thầm và dùng tay cào đất đến tóe máu mà vẫn không tìm thấy người yêu.
“Lúc ấy nếu có truyền hình trực tiếp sẽ chấn động thế giới. Những người bị lấp ngang ngực, ngang cổ kêu la thảm thiết. Nhiều xác chết được đưa lên tím tái. Tôi quên cả cơn đói, cứ dùng tay trần bới đất cứu người, tìm Lam. Lúc ấy giữa cái chung và cái riêng lẫn lộn, không thể nào phân định được”, nhà báo Trần Công Bình nhớ lại.
Người yêu trong quan tài số 7
Đội cứu hộ tìm thấy Lam dưới lớp đất đá, mặt úp vào chiếc nón lá. Chiếc nón lá có quai màu đỏ - Bình không bao giờ quên. Nụ cười của Lam mới đó thôi, Bình còn thấy lấp loáng dưới chiếc nón lá quai màu đỏ ấy, vậy mà vụt tắt vĩnh viễn.
Ông Sửa – bố của Lam nghe tin cống Hiệp Hòa sập đã cầm bồ cào chạy từ xã Cát Văn sang. Biết con gái đã chết, trong cơn hoảng loạn ông đòi lao vào: “Cào mặt chỉ huy công trường”. Bình đến bên ông, can ngăn: “Bác cứ bình tĩnh để họ xử lý”. Ông Sửa trân trối, chết lặng.
Nén đau thương, phóng viên trẻ Trần Công Bình đã cùng với đại diện của huyện đội và 4 đại diện của xã Cát Văn xác định nhân thân, tên tuổi của những đoàn viên thanh niên trong xã để khâm liệm cho vào quan tài. Mỗi quan tài đều được đánh số. Lam số 7. Tay Bình run lên khi ghi con số đó.
|
Những cô gái ngày ấy đến với công trường thủy lợi theo tinh thần: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh”. Ảnh mang tính minh họa.
|
37 thi thể của những chàng trai cô gái xã Cát Văn nằm đó, hầu hết đều chưa có người yêu. Quang – cô gái đẹp nhất công trường nhưng lại có hoàn cảnh éo le: Bố mất sớm, em gái bị tật nguyền. Khi bỏ quần áo để tắm rửa khâm liệm, người con gái mười tám tuổi này đẹp như thiên thần. Đẹp đến nỗi người ta không nỡ mặc quần áo mới vào. Quang nằm đó, không hề bầm tím, xây xát, như đang ngủ say, vẻ đẹp không nhuốm màu tục lụy khiến ai nhìn cũng xót xa, rơi nước mắt. Thi thể của cô gái này được đưa vào quan tài cuối cùng.
Công trường không còn rộn tiếng ca. Loa phóng thanh loan báo chung chung có hàng trăm người thiệt mạng. Thông tin được công khai chứ không bị bưng bít như đồn thổi. Nhưng phóng viên Trần Công Bình đã về quê để vĩnh biệt người yêu.
37 chiếc quan tài được chở về kho đội xã Cát Văn lúc 3 giờ sáng. Rồi một đám tang tập thể dài cả cây số trên rú Đụn. Bình đứng ở bên này đường, nhìn sang rú Đụn, cách nhau có một đoạn mà chân không bước nổi. Hình như lúc đó anh mới có thể khóc.
Nhà báo Trần Công Bình tâm sự: “Cái chết của người yêu trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Nếu Lam không chết, chắc chắn chúng tôi sẽ làm đám cưới. Nhưng Lam mất đi, tôi đau buồn khôn nguôi, nhưng vẫn làm việc cho đến khi tòa án xử người chịu trách nhiệm về vụ sập cống Hiệp Hòa. Năm 1979 tôi đi học Đại học ở Hà Nội. Sau cái chết của Lam, gia đình Lam cũng suy sụp.
Bố Lam vốn là bộ đội đặc công nhưng đã kiệt quệ cả sức khỏe và tinh thần vì sự ra đi đột ngột của con gái yêu. Ông vốn đã hơi lãng tai, nhưng sau cái chết Lam, ông điếc hẳn. Dường như tiếng nổ kinh hoàng khi cống Hiệp Hòa sập luôn dội vào tâm khảm ông, liền theo tin đau xót ấy, người chiến sỹ đặc công đã mất đi thính giác. Người con trai của ông là thương binh nhưng cũng chật vật làm chế độ, khiến hoàn cảnh gia đình càng thêm bi đát. Sau vụ sập cống ông Bình vẫn thường về thăm gia đình Lam, nhiều lúc đứng lặng nhìn ảnh người yêu trên bàn thờ. Lam mãi mãi tuổi 18.
Từ đó đến nay, ông Bình chưa một lần đủ can đảm quay lại nơi công trường ngày ấy. Đi rất nhiều, nhưng ông sợ chạm phải vùng đất ấy, bởi nó chạm phải nỗi đau không thể nguôi ngoai. Nhưng khi tuổi đã xế chiều và vụ thảm họa cống Hiệp Hòa đang dần chìm vào quên lãng, nhà báo Trần Công Bình đang dự định sẽ làm một phóng sự tài liệu về sự kiện lịch sử này. Tôi nghĩ chắc phóng sự tài liệu ấy sẽ có bài hát “Công trường rộn tiếng ca” và chi tiết chiếc nón lá quai đỏ.
Những người thoát chết hy hữu
Bên cạnh những người xấu số, còn đó những thanh niên may mắn thoát chết hy hữu trong tai nạn kinh hoàng này. Ông Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư thường trực huyện ủy huyện Thanh Chương nhớ lại: “Em gái tôi bị vùi cả tiếng đồng hồ. May mắn thay những người dân, chủ nhà trọ, khi nghe tin dữ, họ ra cứu hộ. Em tôi ngất lịm, sau đó được đưa về bệnh viện Đô Lương điều trị trong hai tuần, được bồi dưỡng một cân đường, hai hộp sữa. Bình phục, nó về học Cao đẳng Sư phạm… dăm năm nữa, nó nghỉ hưu. Tôi vẫn hay nói với nó: Em bây giờ sống một ngày là lãi một ngày”.
Thầy giáo Phạm Bá Tiến, hiệu trưởng trường PTTH Thanh Chương 3 : “Anh ruột tôi may mắn rời khỏi Hiệp Hòa hai ngày trước đó để về Buôn Ma Thuột học CĐSP, đang tá túc ở Vinh để chờ tàu. Trước đó, cha tôi nhận được giấy báo của anh tôi, đã tức tốc lên đường xin Ban chỉ huy công trường cho anh về đi học. Vui anh vui em, anh tôi định không đi. Lúc đó, cha tôi đã đạp xe trở về. Nhưng khi ông mới đi được vài trăm mét thì anh chạy theo bảo cho con về Buôn Ma Thuột với. Nếu ở lại chắc anh tôi chết, vì tổ của anh sau đó đã bị đất đá vùi lấp dưới cống. Lại có trường hợp, tôi có thằng bạn nối khố có cái mũ cối ông chú cho. Khi ngã, nó sấp mặt vào mũ cối. May còn khoảng không khí ít ỏi đó để thở mà thoát chết”.
Sau tai nạn, người Tổng chỉ huy công trình cống Hiệp Hòa đã bị tuyên án tù. 35 năm sau tôi tìm gặp lại ông và những câu hỏi nhức nhối về vụ sập cống cũng được sáng tỏ.
Gia đình không có một tấm ảnh của Lam để thờ. Nhưng Bình lại giữ được tấm ảnh chân dung mà người yêu tặng mình. Bình nhường lại tấm ảnh cho bố Lam để làm ảnh thờ. Nhưng hình ảnh người yêu của mối tình đầu ấy thì mãi vẫn tinh khôi trong ký ức của anh phóng viên trẻ ngày nào, giờ chỉ còn vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu.