Vợ "từ chối" bình đẳng giới
Bình đẳng giới là mục tiêu phấn đấu của các nhà hoạt động nữ quyền, và cũng là cuộc đấu tranh ngầm trong nhiều gia đình Việt hiện nay. Chị em luôn ấm ức nghĩ đến tình trạng mất bình đẳng giới khi phải chịu thiệt trong mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng, thậm chí ngay cả với anh em ruột của mình, và than rằng không biết bao giờ đàn ông với phụ nữ mới bình đẳng thực sự.
Còn cánh đàn ông thường cảm thấy "trái tai" khi nghe chị em "to mồm" đòi bình đẳng, cho rằng như thế là quá khích, không biết điều, rằng bình đẳng thì cũng chỉ tương đối thôi chứ, trời sinh ra đàn ông đàn bà không giống nhau thì cái phận nó cũng phải khác nhau... Tóm lại, phụ nữ thì ra rả đòi bình đẳng, đàn ông thì bảo bình đẳng thế đủ lắm rồi.
Ấy vậy mà ở gia đình anh Hoàng (Tây Hồ, Hà Nội), chuyện ngược đời đã diễn ra: chồng để nghị nam nữ bình quyền, còn vợ nằng nặc "từ chối". Kể chuyện này, Hoàng cười toe toét: "Nàng khôn lắm, chồng gạ bình đẳng là từ chối ngay, bảo bình đẳng trên nguyên tắc thôi, anh là phái mạnh, em phái yếu, phái yếu phải được ưu tiên. Nàng bảo, phải bất bình đẳng để còn nhõng nhẽo với chồng, để chỉ làm những việc nhẹ của phụ nữ thôi, còn công to việc lớn phái mạnh đi mà giải quyết".
|
Ảnh minh họa. |
Còn Vân, vợ Hoàng, cười lém lỉnh: "Mình dại gì mắc bẫy chứ. Ý ông xã, bình đẳng là em nấu cơm, anh rửa bát, nhưng cũng đừng đùn cho anh những việc nặng như bê xe máy, sửa máy bơm, máy giặt, cũng đừng bắt anh làm trụ cột kinh tế gia đình. Dĩ nhiên mình biết chồng chỉ trêu mình thôi, chứ anh ấy sẵn sàng gánh lấy những việc nặng đó".
Vân bảo, chuyện bình đẳng giới ở nhà cô là dĩ nhiên, không cần phải nói, có điều với cô, bình đẳng giới không có nghĩa là đàn ông chia đôi việc nhà với vợ, hay phụ nữ phải mạnh mẽ, chia đôi vai trò trụ cột với chồng.
"Mình không chấp nhận cái lý sự của những ông chồng gia trưởng rằng trời sinh ra đàn ông với đàn bà khác nhau, phụ nữ luôn phải nằm dưới. Nhưng đúng là đàn ông và phụ nữ khác nhau, bình đẳng là tôn trọng sự khác nhau đó. Khác không có nghĩa là hơn hay kém, mà luôn nhận ra giá trị của nhau để mỗi người đóng góp cho tổ ấm phần việc phù hợp với mình", Vân nói.
Nhiều phụ nữ rất dị ứng khi chồng coi nấu cơm, rửa bát là việc của đàn bà. Với họ, đó là biểu hiện rõ rệt nhất của thói phong kiến, gia trưởng. Nhưng Vân không nghĩ vậy: "Những phụ nữ nổi giận khi nghe nói nội trợ là việc của đàn bà thường cũng phẫn nộ nếu quý ông nào yêu cầu chị em đi bưng bình nước. Họ bảo thế là không đáng mặt đàn ông, ai lại bắt phụ nữ làm việc nặng đó. Họ không thấy mình vô lý khi không chấp nhận cái gọi là 'việc của đàn bà' nhưng lại mặc nhiên coi nhiều việc khác là của đàn ông".
Vì thế, Vân vui vẻ rửa bát, quét nhà, cũng như chồng cô nghiễm nhiên lĩnh trách nhiệm về những công việc mà vợ chân yếu tay mềm không làm được. Có điều, không bao giờ vì thế mà Hoàng cho là vợ thấp kém hơn chồng, Vân càng chẳng bao giờ nghĩ thế.
Bình đẳng, không ai có thể "cho" ai
Những người như Vân, miệng nói không cần đâu nhưng bình đẳng lại là điều hiển nhiên trong quan hệ giữa vợ chồng họ, cho dù Vân chẳng phải là người phụ nữ ghê gớm sắc sảo quyết không chịu thua đàn ông ly nào, không phải người xông xáo hay "ngang cơ" với chồng về khả năng kiếm tiền. Được như vậy cũng chẳng phải do chồng cô tốt bụng hay độ lượng, vì vị thế của bất cứ ai không phải là thứ do người khác ban phát, mà là điều mặc nhiên do chính con người đó tạo ra.
Nhiều người vợ quần quật làm việc nước, việc nhà, thậm chí phải nuôi cả chồng mà không được tôn trọng, cả đời cứ muốn đòi chồng mình phải cho bình đẳng. Nhưng một khi họ đi đòi, đi xin thì nghĩa là cái quyền ấy của họ đã mặc nhiên nằm trong tay người khác, có được hay không tùy thuộc vào người ta. Thế là cuộc đời họ sẽ chỉ có lao động khổ sai và than thân trách phận, oán trách xã hội sao mà quá phong kiến khiến phụ nữ thiệt thòi.
Không như những phụ nữ "dựa hơi" chồng, chị Minh trên thực tế là trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn các mặt khác. Kiếm tiền nuôi cả nhà là chị, tề gia nội trợ là chị, chăm sóc và dạy con học cũng là chị. Anh Thành chồng chị chỉ việc đi làm ở cơ quan rồi đi chơi, tiền làm ra bao nhiêu anh tiêu hết chứ chẳng đưa một đồng cho vợ. Ấy thế nhưng anh về nhà mà chưa có cơm ngon canh ngọt là hạch sách quát tháo, và chị Minh lại xin lỗi mong chồng thông cảm vì chị bận quá.
Anh Thi mỗi năm về thăm bố vợ vài lần dù nhà cách có vài chục cây số, anh đến buổi sáng thì trưa đã giục vợ về, dáng điệu cứ như khách quý. Còn vợ anh nếu chủ nhật nào mệt quá không sang vấn an bố mẹ chồng được thì bị anh trách là không trọn đạo làm vợ. Anh Thi đi chơi bỏ mặc vợ con không sao, nhưng nếu vợ đi công tác một ngày thì anh sẽ khiến cho chị cảm thấy tội lỗi vô biên vì để chồng phải ăn mỳ gói hay cơm bụi.
"Tóm lại, tôi đi làm vì gia đình nhưng lại vẫn là có tội vì không làm tròn trách nhiệm của người vợ là cơm nước hầu chồng", chị Minh than phiền. Chị luôn ao ước chồng mình bớt gia trưởng, bớt trọng nam khinh nữ, biết hiểu cho nỗi khổ của người phụ nữ, biết thương vợ, để giúp vợ một chút, thông cảm cho vợ một chút những khi quá mệt mà không kịp là áo cho anh, đánh giày cho anh.
"Đàn ông Việt Nam mình tệ quá. Đến tôi mà còn bị đối xử như vậy, thử hỏi những cô kiếm tiền ít, hay ở nhà chồng nuôi còn bị coi khinh thế nào. Bao giờ thì đàn ông Việt mới chịu công nhận quyền bình đẳng của phụ nữ?", chị Minh kêu. Cô em gái của Minh, Tuyết Lan, cử nhân mới ra trường, thì hay bảo bà chị mình là thân làm tội đời, khổ là phải.
Cô "tỉa" bà chị: "Chị có vẻ thích cơ chế xin cho nhỉ, cứ phải đàn ông Việt chịu công nhận thì phụ nữ Việt mới dám bình đẳng cơ. Em mà là đàn ông, em không cho. Tội gì, cứ để đàn bà làm osin, mình làm ông chủ cho sướng".
Theo Tuyết Lan, khi ước ao đàn ông chấp nhận quyền bình đẳng của phụ nữ, chị gái của cô đã tự phủ nhận địa vị ngang hàng của bản thân, coi mình dưới cơ các đấng mày râu: "Tự chị chấp nhận cảnh chồng chúa vợ tôi. Chính chị thấy mình có lỗi khi không kịp nấu ăn sớm cho chồng dù chị bận quần quật, còn anh ta chỉ chơi dài. Chị coi việc làm osin hầu hạ chồng là bổn phận".
Chị Minh lắc đầu bảo, cô chưa lấy chồng nên nói hay lắm, mà kể cả sau lấy chồng không phải khổ như tôi thì cũng chỉ vì số đỏ lấy được người chồng tử tế, chứ phận gái mười hai bến nước, may hơn khôn cô ơi. Có lẽ dù than phiền, chị Minh vẫn coi chuyện mình phải chịu thấp kém hơn chồng như một điều hợp quy luật và hy vọng rằng đến đời con gái mình, phụ nữ sẽ thực sự được giải phóng. Chị chẳng nghĩ rằng không bao giờ có tự do thực sự nếu như không phải chính mình làm ra cuộc giải phóng đó, và sự bình đẳng thì không ai "cho" ai được, mà phải bắt đầu trước hết từ việc chọn chỗ đứng cho chính mình.