Mùa hè là mùa cả nhà được đi chơi cùng nhau, với chị là đi chơi cùng cơ quan chồng, cũng là dịp chị “tuyên bố chủ quyền”, để các cô tre trẻ ở công ty biết vợ sếp là ai. Vậy nên, hè nào chị cũng sắm vài bộ cánh cho dịp này, chăm sóc bản thân kỹ lưỡng để màn trình diễn mùa hè đạt hiệu quả, ít ra thì cũng cho đến năm sau.
Năm này qua năm khác, các cô ở công ty anh không còn lạ chị nữa, câu chuyện trong kỳ nghỉ, bên những bàn ăn cũng thoải mái hơn nhiều. Chị phàn nàn với anh, các cô gái bây giờ ăn nói sao vô duyên quá, lại vô ý vô tứ, chẳng tinh tế chút nào. Vậy mà sao chả thấy ông nào khó chịu, vẫn nắm tay đỡ lên xe hay sẵn lòng ngồi nghe những chuyện ba hoa, màu mè, vớ vẩn; thấy chiếc váy nào phất phới đi qua vẫn liếc, vẫn cười! Hóa ra, chỉ vì các cô ấy trẻ. Trẻ thì được quyền ngốc, được quyền nói những câu vô duyên, được quyền nghe giải thích đi giải thích lại mãi mà vẫn không hiểu, được quyền mở to mắt chớp chớp. Thế đấy! Chỉ cần em trẻ và em lúng túng với cái va ly to cộ dưới chân, em mỏng manh chênh vênh trên đôi giày cao gót, thì có ngay một anh xách hộ cái va ly, chẳng hề nhăn nhó càu nhàu như khi vợ nhờ cầm giùm cái giỏ, đưa giùm cái chén...
Nhưng, có mà điên mới đi so bì với các cô ấy, bởi đó là tuổi trẻ mà! Tuổi trẻ, với phụ nữ, là thứ trang sức không gì mua nổi, không gì sánh nổi. Các cô ấy có tuổi trẻ nguyên sơ, thô ráp nhưng rực rỡ, còn chưa mài chuốt, chưa tinh tế thì cũng chẳng sao!
Chiều nay, chị gọi điện cho cô bạn, giọng buồn hiu: “Hình như tao “hết linh” rồi mày ơi! Tao đứng ở cổng ra sân bay, thấy ổng lo dòm thiên hạ, mình kêu ới ời mà hổng nghe gì ráo! Trời ơi, mà tao đâu có phải thứ dễ lẫn, thứ xà bần cát đá gì đâu”!
Mình hiểu lắm, chị vẫn giày cao gót bảy phân, váy áo điệu đà, vóc dáng thon thả, tuần nào cũng tập thể dục ba buổi, da dẻ có chăm sóc chớ không bỏ lơ bỏ lửng, mấy nếp nhăn mới hiện mờ mờ được giấu khéo dưới làn phấn nhẹ… Thuở còn con gái, chị xước cái móng tay cũng bao nhiêu người xót. Vậy mà bây giờ, anh nỡ để chị còng lưng khiêng vác bao nhiêu thùng hộp, va ly từ trong băng chuyền ra tới cửa. Đã vậy, nhìn thấy vợ là càu nhàu ngay: “Mua gì mà mua dữ vậy!”. Anh chẳng biết những khi không có anh, chị đã một mình tha lôi chừng ấy thứ - thực sự một mình, vì đàn ông trên khắp trái đất này đều có xu hướng giúp các cô gái trẻ, trẻ hơn chị. Hình như họ nghĩ, phụ nữ khi qua thời tuổi trẻ thì tự họ có thể làm được mọi việc, không cần ai giúp đỡ nữa.
Trong đời người phụ nữ, buồn nhất là những lúc như vậy. Khi nhận ra mình khó khăn lắm mới sai khiến được người ta cũng là khi bạn biết mình “hết linh” rồi, quyền lực, sức lay động của tuổi trẻ đã phai nhạt rồi. Đó cũng là khi bạn biết mình phải tìm một nguồn năng lượng khác, một cách sai khiến nhờ vả khác, thì mọi việc mới có thể trôi chảy, mới thấy mình không bất lực trong vũng nước đời tù đọng quẩn quanh, không bị coi như một món đồ đã gói lại, chỉ chờ ngày cất vô tủ, bóp khóa nữa là xong.
Vậy thì chị ơi, việc gì phải ngượng nghịu lúng túng với đống va ly hòm xiểng, việc gì phải đợi anh sau khi xách hộ cho cô em mắt chớp chớp rồi mới quay lại xách cho mình, việc gì phải giả dạng nai tơ che giấu tuổi tác, cứ hãy đường hoàng mà gọi, mà sai biểu: anh xách hộ em cái va ly! Nói bằng giọng của vợ, bằng quyền uy của người đàn bà hẳn hoi, có chút ngọt ngào nào thêm vào đấy thì càng tốt! Cứ vậy đi, lấy cái sức mạnh rõ ràng của lời của tiếng mà sánh với cái chơm chớp mắt không lời, thử xem anh ấy có hiểu?
Tạo hóa không lấy đi cái gì mà không cho mình lại một thứ khác để bù đắp, vấn đề là mình có nhận ra cái đó hay không thôi. Khi sự rực rỡ của tuổi trẻ, sức sai khiến tự nhiên của tuổi trẻ cạn dần, cũng là khi người đàn bà đã khôn ngoan hơn, đủ bản lĩnh để sai khiến đàn ông bằng cả cái đầu và trái tim, chứ không chỉ bằng vóc dáng, làn da và ánh mắt. Cái công bằng của tạo hóa là đây. Nếu như mình cứ hoài tiếc nuối, cứ mãi níu kéo những ngày xưa cũ, thì rồi đến lúc cái bản lĩnh, cái đằm thắm của thời này cũng sẽ trôi vụt qua mất. Chẳng lẽ, lúc ấy lại ngồi than vãn, rằng giờ má hết linh rồi con ơi!…