Thấy chồng cứ đi sớm về muộn, đêm đến chỉ ôm mình qua quýt, thỉnh thoảng
nén tiếng thở dài, Mai bù lu bù loa lên khóc lóc, cô định rằng
chồng cô đang có “người thứ 3”…
Mua sắm cho hả tức…
Thắng mặc kệ cho Mai khóc lóc chán chê, rồi anh lạnh lùng: “Cô cứ như thế này, tôi chẳng muốn cũng phải có “người thứ 3”. Tôi cho cô thời gian 5 ngày để ngẫm nghĩ những gì cô đã làm với chồng và gia đình chồng. Nếu cô không nhận ra cô đang ở đâu, làm gì, không thay đổi nhận thức của mình, chúng ta sẽ chia tay…”. Mai bàng hoàng trước lời lẽ của chồng. Đã lạnh lùng như vậy, cô cũng chẳng gì phải khóc lóc cho mệt, nghĩ thế Lan lại ráo hoảnh, mặc chồng lúi húi chuẩn bị đi làm.
Làm nghề hướng dẫn viên du lịch, mỗi chuyến đi, Thắng phải lo chu toàn cả việc ăn, ngủ, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng cho khách, nên áp lực công việc luôn đè nặng lên vai anh. Thắng đi liên miên hết Nam lại Bắc, lúc lên rừng, khi xuống biển. Áy náy về việc luôn phải để vợ trẻ còm cõi ở nhà chờ đợi, nên sau mỗi chuyến đi, Thắng dành hết thời gian, tình cảm để chăm sóc vợ. Nhưng dù Thắng có làm bao nhiêu điều cho Mai vui, cô thấy cũng chưa đủ để bù đắp những đêm hiu quạnh chờ chồng…
Mai nằng nặc đòi Thắng bỏ nghề hướng dẫn, chuyển sang nghề khác, nhưng Thắng không thể từ bỏ niềm đam mê được khám phá những vùng đất của Tổ quốc. Mai mặt nặng mày nhẹ bảo Thắng mê công việc hơn mê vợ, không hiểu được sự cô quạnh, tổn thương của cô…
Nhưng cho dù Mai có nói gì, cũng không thuyết phục được Thắng bỏ nghề. Giận chồng, Mai chơi trò “chiến tranh lạnh”. Lúc chồng vắng nhà, Mai trông ngóng chồng, mong chồng có mặt, nhưng lúc Thắng về, Mai làm bộ lạnh lùng, hỏi gì đáp nấy. Đêm đến thì phải để Thắng nài nỉ mãi Mai mới cho chồng ôm, rồi ra vẻ rất miễn cưỡng “làm chuyện đó” với chồng. Thắng vì quá mệt mỏi thiếp đi trước khi Mai ngủ, thế là Mai được dịp tủi thân, tủi phận khóc suốt đêm.
Tiền trang trải cho cuộc sống gia đình chủ yếu trông cậy vào Thắng. Tuy anh không kêu ca gì chuyện vợ chi tiêu, nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng dễ dàng. Ấy vậy mà Mai đem đi tiêu vô tội vạ, thức ăn Mai mua lúc nào cũng thừa mứa, bữa nào cũng phải ăn cố, lắm khi ngán quá lại đổ nước gạo. Nhiều lần Thắng góp ý chỉ mua thức ăn vừa phải, đừng để lãng phí như vậy, Mai lại vùng vằng nói: “Thời nay có như thời xưa đâu mà phải bóp mồm bóp miệng, làm ra cũng phải biết hưởng thụ chứ, mà tôi có ăn bám anh đâu, tôi cũng làm ra tiền đấy chứ…”. Vậy là Thắng đuối lý, vả lại cũng không muốn đôi co với vợ, để vợ chồng lại nặng nề, giận dỗi, anh đành im lặng.
Rồi đến chuyện ăn mặc, sau mỗi chuyến đi về, mở tủ quần áo, Thắng lại thấy xuất hiện vài bộ quần áo mới, váy, áo nhiều vô kể, đến nỗi có những bộ đồ Thắng chẳng thấy vợ mặc bao giờ. Có hỏi thì Mai bảo: “Phụ nữ ai chẳng thích mua sắm, quần quần, áo áo. Vả lại nhiều lúc vắng chồng em chẳng biết làm gì cho hết mấy ngày nghỉ nên rủ bạn bè đi mua sắm thôi…”. Mai bảo quần áo thì đáng gì, cả tủ quần áo có khi chỉ giá trị bằng một vài bữa Thắng nhậu với bạn bè…
Người phản đối cách sống của Mai nhiều nhất là mẹ chồng. Bà là người căn cơ, giản dị, nên thấy Mai mua sắm bừa bãi bà xót ruột lắm, thương con trai đi làm còm cõi suốt ngày, trong khi con dâu ở nhà chỉ lo mua sắm, ăn trắng mặc trơn, bà rất không bằng lòng.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng sợ nói ra thì bị con dâu cho rằng bà soi mói, thích gây gổ kiểu “mẹ chồng nàng dâu” nên bà chỉ nhỏ nhẹ: “Mẹ biết con làm ra tiền, con mua sắm là quyền của con, nhưng cũng phải nghĩ đến lúc ốm lúc đau, lúc công to việc lớn. Tiết kiệm là đáng quý, “chồng như cái giỏ vợ như cái hom” con ạ!”. Mai nghe mẹ chồng nói thế trong lòng ấm ức lắm, cô vâng dạ cho bà vui, nhưng cô vẫn mua sắm theo ý mình.
Thức tỉnh kịp thời…
Tuy thoáng tay mua sắm, chi tiêu là thế nhưng lúc công to việc lớn của nhà chồng thì Mai chẳng bao giờ tự giác. Chồng Mai vốn người gốc quê, nên mỗi năm dù không ở nhà anh vẫn phải đóng mấy trăm tiền giỗ tổ, tiền góp họ,… mỗi lần đóng những khoản đó là Mai lại vùng vằng, “mình có ở quê đâu mà năm nào cũng đóng với góp, lúc nào giỗ chạp về mua quà là được rồi, cứ như bắt ép người ta ý..”. Chẳng biết làm thế nào mà bà mẹ chồng hiểu ý tứ con dâu nên khi con dâu góp tiền giỗ, họ, bà đều gạt đi bảo mọi người đã đóng góp đủ, hai vợ chồng mua quà góp là được. Thắng lấy làm xấu hổ, anh đành lấy khoản tiền thưởng đưa cả một cục cho mẹ nói là để “góp họ dần”, biết chuyện Mai tức lắm, cô giận dỗi chồng mất mấy ngày.
Rồi chuyện lễ, Tết, mỗi lần về, mẹ chồng Mai đều giục giã cô đi sắm mấy cái lễ để đi Tết đủ nào ông bà nội, ngoại, các cô, các bác nhà chồng. Mai ngại, cứ đưa cả một cục tiền nói mẹ chồng muốn mua gì thì mua, đưa ai bằng nào thì đưa. Mẹ chồng không nói ra nhưng lại phàn nàn với Thắng rằng Mai không biết ứng xử với gia đình chồng, có thái độ “trên tiền”…
Rồi chuyện con cái. Thắng là con trưởng, mẹ chồng Mai muốn cô có con. Mai thẳng thừng: “Con còn kế hoạch hai năm nữa, phấn đấu chức trưởng phòng đã rồi mới sinh đẻ…”. Vì câu nói ấy mà mẹ chồng Mai tự ái, quyết định không hỏi con dâu, khiến Thắng bị một phen hết hơi để giảng hòa…
Chuyện là như thế. Toàn những chuyện Mai cho là “lặt vặt” mà vợ chồng nặng nhẹ, xích mích, mẹ chồng nàng dâu không vui vẻ với nhau… Ngẫm ra, Mai xinh xắn, có nghề nghiệp đàng hoàng, làm ra tiền, công việc cứ “đi ro ro”, có bao giờ sếp chê trách gì cô đâu. Vậy mà anh chồng “gia trưởng” và bà mẹ chồng “khốt- ta- bít” lại còn không vừa lòng với cô.
Đã hết “5 ngày quy định” của chồng, Mai vẫn chẳng thấy mình có lỗi nặng nề gì khiến chồng phải dọa bỏ. Cô khăng khăng rằng Thắng kiếm cớ như thế để bỏ cô vì anh đã có người thứ 3, đến nước này thì Thắng thẳng toẹt, không né tránh: “Em tưởng em sống thế là đúng sao? Em chỉ yêu bản thân mình chứ yêu gì chồng và người thân? Em không tiếc tiền bỏ ra phung phí mua sắm, chi tiêu cho bản thân, nhưng thử hỏi em tự nguyện cho họ hàng người thân được bao nhiêu khi họ đau ốm? Tôi đi làm mệt mỏi, chỉ muốn về nhà là nhìn thấy nụ cười của em, nhưng em như băng giá, em lạnh lùng, hờn trách. Nhiều lúc xong việc tôi cũng chẳng muốn về, vì lại sợ gặp khuôn mặt lạnh băng của vợ. Em cũng chẳng muốn có con để vui cửa vui nhà, em còn bận phấn đấu với chức tước địa vị của em… Em tưởng em là người vợ tốt à? Em tưởng tôi rất hạnh phúc khi bên cạnh em sao?”.
Mai cứng họng với những lý lẽ của chồng, cô chỉ biết phản ứng yếu ớt: “Không hạnh phúc với tôi, nên anh cho mình cái quyền có người thứ 3 chứ gì? Vậy mà anh nói anh yêu tôi suốt đời…!?”.
“Đúng, tôi không phủ nhận mình yêu em, rất yêu, nhưng tôi đang dần không chịu đựng được em. Em có biết “người thứ 3” xen vào hạnh phúc của vợ chồng mình là ai không? Là sự ích kỉ, nông nổi, lạnh lùng trong chính con người của em đấy...!”.
Thắng nói thế, rồi anh bỏ đi, để mặc Mai ngồi đó ngẫm ngợi một mình. Chẳng biết Mai có rút ra được điều gì sau khi nghe những lời của chồng? Chỉ thấy cô lặng lẽ khóc, khóc rất nhiều, sau đó, Mai đứng dậy, cô lao vào chiến dịch dọn dẹp, làm mới chính căn nhà của mình.
Mai vừa làm vừa khe khẽ hát, trên môi cô nụ cười hé mở như đóa hàm tiếu. Có lẽ sau chiến dịch làm mới nhà cửa, Mai sẽ tiếp tục chiến dịch “làm mới chính mình”, đánh đuổi “người thứ 3” ra khỏi căn nhà hạnh phúc của vợ chồng Mai.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: