Sự lựa chọn của một người vợ

Google News

Mẹ chồng tôi kể, ngày ấy thay vì ghen tuông, đau khổ, bà Hằng lại cảm thấy yên tâm vì cuộc sống của ông bớt thiệt thòi. 

Cả một thời tuổi trẻ vất vả lo kinh tế để chồng rảnh rang theo đuổi học hành, khi chồng công tác trên thành phố thì một tay chăm mẹ già, quán xuyến gia đình và nuôi dạy 2 con nhỏ...
Sự hi sinh của bà Hằng cho chồng, cho con biết bao nhiêu mà kể xiết. Ai cũng bảo chỉ thời gian ngắn nữa thôi bà sẽ tha hồ mà hưởng phúc bởi người tử tế như ông Lâm khi nghỉ hưu sẽ phải bù đắp cho vợ nhiều lắm. Vậy mà khi ông vừa trở về bên bà chưa được bao lâu thì ngã bệnh hiểm nghèo.
Những ngày cuối đời của ông, bà hết lòng chăm sóc. Vậy mà một hôm, ông Lâm nắm chặt tay vợ xin lỗi bà rồi thú nhận lâu nay mình đã có vợ bé con riêng bên ngoài. Bà Hằng choáng váng nhưng rồi cuối cùng cũng chấp nhận cho ông thỏa ước nguyện cuối đời là cho vợ bé, con riêng về nhận họ hàng.
 Ảnh minh họa.
Chứng kiến cảnh ấy, sự kính trọng đối với ông Lâm trong tôi sụp đổ. Thậm chí tôi có phần hoang mang khi chồng mình cũng là dân công trình và thường đi làm xa nhà, biết đâu một ngày anh cũng giống như ông Lâm thì sao. Là người cả nghĩ, tôi đã từng thử đặt mình vào vị trí của bà Hằng và càng thấy uất ức thay cho bà. Bà đã hi sinh cả một đời cho gia đình chồng và giờ cái bà được nhận lại là sự phản bội, rồi lại phải nhận họ nhận hàng người đã cướp hạnh phúc bấy lâu nay của mình. Ai cũng nghĩ, giá như ông Lâm cứ mang bí mật kia xuống mồ thì có lẽ sẽ tốt cho bà hơn, đằng này… Chuyện bà Hằng bị chồng phản bội “to tày trời” đối với anh em, họ hàng, làng xóm ấy vậy mà trong gia đình bà thì lại yên ả khác thường. Mọi người đoán già đoán non chắc vợ bé ông Lâm giàu có, đã mang nhiều tiền của về “mua chuộc” nên bà mới bỏ qua dễ dàng thế.

Tôi đem chuyện kể với mẹ chồng, cứ nghĩ bà cũng sẽ giống tôi oán trách ông Lâm và chỉ trích sự bao dung “dại dột” của bà Hằng. Không ngờ mẹ chồng tôi tiết lộ một bí mật khác: Chuyện chồng có vợ bé thực ra bà Hằng đã biết từ rất lâu. Cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của ông bà lâu nay gắn kết bằng cái nghĩa vợ chồng chứ không phải bằng tình yêu nữa. Chính vì bà Hằng là người vợ đảm đang hết lòng vì chồng con, là cô con dâu hiếu nghĩa với nhà chồng không có gì chê trách được mà ông Lâm không thể bội nghĩa, dứt tình với bà.
Trước đây, khi ổn định công việc trên thành phố, ông Lâm cũng đã về quê bàn với bà đưa con cái ra đó sống. Nhưng bà thấy trách nhiệm với cha mẹ hai bên còn nặng, bản thân cũng không thích hợp với cuộc sống phố xá nên đã kiên quyết ở lại quê. Vậy là ông Lâm đành sống cảnh gối chiếc chăn đơn một mình nơi thành phố. Một lần ông Lâm về quê thăm vợ con với dáng vẻ tươm tất khác thường, bà Hằng đã nhận ra sự thay đổi ở chồng. Rồi những lần về sau đó, con người ông toát lên niềm hạnh phúc viên mãn, bà lờ mờ đoán được sự việc.
Mẹ chồng tôi kể, ngày ấy thay vì ghen tuông, đau khổ, bà Hằng lại cảm thấy yên tâm vì cuộc sống của ông bớt thiệt thòi. Đối với bà, ông chẳng ngược đãi, ruồng bỏ, vẫn đối xử tốt, giữ cho bà một gia đình không xáo trộn, con cái được lớn lên trưởng thành trong gia đình bình yên, thế là đủ. Những ngày cuối đời, ông vẫn tìm về bên bà, vẫn xem gia đình này là bến bờ duy nhất. Người phụ nữ bên ngoài kia bao nhiêu năm nay đã thay bà chăm sóc ông mà không đòi hỏi danh phận, cũng chẳng lúc nào có suy nghĩ tìm về giành giật tài sản với mẹ con bà. Ước nguyện cuối đời của ông là để đứa con riêng biết được gốc gác, tổ tông họ hàng của mình. Đó cũng là quyền chính đáng của mỗi đứa trẻ, bà nỡ lòng nào từ chối.
Đó cũng là sự lựa chọn của bà bao năm nay cũng như việc đón nhận và tha thứ lỗi lầm của ông Lâm.
Theo Phụ Nữ Thủ Đô

Bình luận(0)