Từ ngày lấy chồng, chị tôi tàn tạ hẳn đi. Chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng trông chị như bà cụ hom hem. Ngược lại anh chồng chị cứ phơi phới trẻ trung, trông chẳng khác nào trai tân. Đó là cái giá của “công, dung, ngôn, hạnh” mà chị tôi phấn đấu từ khi bước chân về nhà chồng.
Mỗi lần nhà chồng có giỗ chạp hay ngày lễ Tết, chị tôi tức tốc về nhà. Chị xắn tay áo vào bếp làm thoăn thoắt như một cái máy. Từ 1 giờ sáng, chị đã thức dậy chuẩn bị thực đơn từng bàn. Đám giỗ gần 10 mâm, một tay chị đứng bếp nấu nướng. Bà con nhà chồng đến ăn cỗ, ai cũng tấm tắc khen ngợi chị tôi khéo léo, đảm đang. Họ bảo ba mẹ chồng chị thật có phước, vừa lấy được dâu hiền lại khéo léo nội trợ. Nghe những lời khen ngợi của mọi người, chị tôi càng tự hứa phải phấn đấu đảm đang hơn nữa để chồng và nhà chồng được nở mặt nở mày.
|
Ảnh minh họa. |
Vì nhà chị gần nhà cha mẹ chồng nên ngày hai bữa, tranh thủ giờ làm, chị lại chạy sang nhà chồng phụ cơm nước, chợ búa. Thời gian chị có bầu dù thai hành lên, hành xuống nhưng vẫn không quên nhiệm vụ cơm nước cho cha mẹ chồng. Dù tôi nhiều lần khuyên chị nên giữ gìn sức khỏe, bên nhà chồng đã có cô em gái lớn, học đến lớp 12. Nhưng chị bảo: “Con đó lười lắm. Việc gì cũng chờ đến tay chị”. Chị không biết rằng chính sự nhiệt tình quá mức của chị đã khiến cô em chồng và cả nhà chồng ỷ lại.
Nhớ ngày 30 Tết, tôi sang nhà chị mà tức cành hông. Trong khi anh chồng chị mải cụng li sang sảng với bạn bè, chị tôi ôm cái bụng bầu lớn hết chạy ra lại chạy vào chuẩn bị món nhậu cho chồng cùng các chiến hữu. “Sao không để anh vào bếp? Chị bụng mang dạ chửa thế kia mà còn phải phục dịch chồng à”, tôi gắt gỏng. Chị tôi cười xòa, vẻ nhẫn nhịn: “Em chưa có gia đình nên không hiểu. Đàn ông sĩ diện lắm. Trước mặt bạn bè, bao giờ họ cũng muốn vợ đảm đang, chiều chuộng chồng”. Tôi chỉ biết im lặng, thở dài.
Ngay khi sinh em bé được hai tháng, về nhà mẹ ruột chị cũng chẳng yên việc ở nhà chồng. Cuối tuần, chị lại chạy sang phụ mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lần mẹ tôi nhắc nhở: “Con mới sinh non ngày, không biết kiêng cữ sau này sẽ khổ đó. Cái gì thì cha mẹ mang vác thay chứ bệnh tật thì chỉ một mình con chịu”. Chị tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ. Chị lo em trai của chồng vừa cưới vợ mới. Nàng dâu lại ở chung với cha mẹ chồng nên chị sợ em dâu mới xì xào to nhỏ, nói xấu sau lưng chị. Tôi cười buồn: “Là chị sợ cái công lấy lòng ba mẹ chồng bấy lâu nay đổ sông đổ biển chứ gì. Sao chị phải khổ sở hành xác mình chỉ vì mấy lời khen vớ vẩn”, tôi tức giận nói thẳng. Chị tôi chỉ biết im lặng.
Từng ngày chứng kiến chị tôi hết tất bật công việc ở công ty, về nhà lại lao vào dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chồng con. Những khi rảnh rỗi chị cũng chẳng được nghỉ tấm thân lại sang nhà chồng giúp mẹ chồng làm những công việc nội trợ không tên. Tôi chẳng biết khuyên nhủ ra sao? Vì chị tôi luôn muốn là “số 1” trong mắt chồng và nhà chồng. Với chị những lời khen có cánh ấy chính là thước đo để đánh giá đức hạnh của người con dâu. Công, dung, ngôn, hạnh theo chị tôi là phải lọt qua đôi mắt “khó tính” của mẹ chồng và những cái gật gù hài lòng của cha chồng. Chỉ khổ cho chị mỗi ngày lại như con trâu “cày” cả thửa đất rộng lớn của giang sơn nhà chồng. Tôi chẳng biết chị còn đủ sức lực để kéo sợi dây đức hạnh, công dung ấy dài được suốt cuộc đời này không?