Nhọc nhằn cởi bỏ chính mình vì chồng

Google News

Anh vẽ sẵn đời con như đặt để một con búp bê - một con “búp bê con”. Còn người phụ nữ đang nằm bên anh, là “búp bê vợ”.

Loay hoay mãi chị cũng nấu xong bữa cơm. Vừa ngồi xuống thở phào, trút cái mệt mỏi sau một buổi chiều dằng dặc với công việc, chợ búa, kẹt xe, bếp núc; chị nhận được điện thoại. Anh gọi, báo “cắt cơm”.
Ngay lúc ấy, bao nhiêu vất vả suốt buổi chiều tái diễn lại hết trong đầu chị, rồi “bung” ra không kịp kìm nén. Sao giờ anh mới nói? Nhà có hai người, anh không ăn thì em đâu nấu làm gì? Anh nói thích cơm nhà mà cứ dăm bữa lại cắt cơm là sao? Mà… anh đi đâu? Anh nghiêm giọng, chậm rãi: “Anh đi tiếp khách, em cứ ăn phần em, còn bao nhiêu tối về anh sẽ ăn bằng hết. Từ mai, em không cần nấu nữa!”. Cúp máy. Anh chẳng cho chị thêm một giây nào để… chữa cháy.
Mâm cơm đã nguội ngắt chị vẫn còn ngồi ngẩn ngơ. Cũng một lần tương tự, anh đã gia ơn: “Thêm một lần nữa, anh sẽ không bỏ qua!”. Lần này chắc anh sẽ giận cả tuần, có khi cả tháng, mà cũng có khi anh đòi ly hôn luôn cũng nên.
 Ảnh minh họa.
Anh về nhà sau 22h, chị kỳ kèo mãi, rốt cuộc anh cũng chịu “đối thoại”. Mà thực ra là anh độc thoại, còn kẻ sai là chị chỉ lẳng lặng mà nghe. Anh bảo, vì chị vẫn chưa hiểu hạnh phúc của người nội trợ, xem nấu ăn như một sự hy sinh nặng nề; vì chị chưa đủ chững chạc để làm vợ… nên mới phản ứng thế. Anh “khai sáng” tiếp: “Em không biết đó thôi, phụ nữ nào mà tới bữa chẳng phải nấu cơm? Dù chồng không ăn, thì ngày mai, ngày mốt họ vẫn tiếp tục nấu, em thử nhìn qua những nhà khác mà xem…”. Chị thầm đổ lỗi cho tuổi trẻ phóng khoáng, ham chơi của mình nên hình mẫu gia đình anh hay đề cập thật xa lạ, khiến chị ép mình hoài mà vẫn thấy “lệch”, vẫn bị anh chê trách.
Trước khi lấy anh, chị chỉ biết học và làm, ngoài chuyện học giỏi và làm tốt, mọi thứ khác đều là “sở đoản” của chị. Chị không thích mà cũng không biết nấu ăn, những cuộc hội họp bạn bè ở những cửa hàng thức ăn nhanh luôn hấp dẫn chị. Những hôm không tụ tập bạn bè, chị đã có cơm nhà do cô giúp việc nấu sẵn. Anh là người miền Trung, hơn chị mười tuổi, giỏi kiếm tiền và… “bị ám ảnh bởi những bữa cơm nhà” - đó là lời chị trêu anh lúc còn yêu nhau. Cưới về, chị hào hứng đi học nấu ăn, rồi cũng biết làm những bữa cơm vừa ý chồng. Nhiều sở đoản đã trở thành sở trường, những niềm vui mà anh cho là trẻ con, vô bổ, chị dần từ bỏ hết. Ra đường, chị chẳng chịu thua ai, ngay cả với sếp, chị cũng cãi cho ra ngọn ra ngành, nhưng về nhà, chị lại nhường nhịn anh hết mức. Bạn bè nói chị “lụy” chồng, chị cười, sống với nhau cả đời, lụy một chút cũng chẳng sao. Thế mà, “bản chất” của chị, những “lệch lạc vô thức” của chị cứ làm anh thất vọng, rồi cãi vã, giận hờn.
Lúc chưa cưới, du lịch là niềm vui của chị. Cưới về, chị tập quen với suy nghĩ, du lịch là trò vô bổ nhất đời. Anh nói: “Em nhìn những tay phượt bạn em mà xem, rồi họ sẽ chẳng có gì, gia đình nào mà yên ấm nổi, sự nghiệp nào mà thăng tiến nổi khi người ta chẳng chịu ngồi yên một chỗ?”. Quả thật, bạn bè chị, những người cùng chị rong ruổi lên rừng xuống biển thời son trẻ, giờ chẳng ai giàu có, thành đạt như anh. Bị chồng thuyết phục, chị thôi mơ tưởng những chuyến đi xa. Cho tới một kỳ nghỉ dài ngày, chị nổi hứng, năn nỉ anh xuống Vũng Tàu đổi gió. Anh lại đem lý thuyết cũ ra, cộng thêm lý do “anh cần nghỉ ngơi”, chị lại thấy đòi hỏi của mình thật là trẻ con, vì “với một người đã lập gia đình, chẳng nơi đâu hấp dẫn bằng nhà mình”.
Những thứ từng được xem là “lẽ sống” chị đã dần “cai” được hết, vậy mà cái hình xăm ở thắt lưng, cứ xóa hoài xóa mãi vẫn chưa phai. Đêm khuya, hai vợ chồng vừa “hòa giải” ôm nhau bàn chuyện sinh con. Nhắc chuyện con cái, chị nóng lòng, anh thì điềm tĩnh. Anh nói, phải chờ chị xóa xong hình xăm thì mới có em bé được. Thứ nhất, vì việc xóa xăm sẽ có hại cho thai nhi. Thứ hai, hình xăm đó là dấu vết của một thời nông nổi, mà một người mẹ thì không được nông nổi, dù chỉ là "dư âm". Nhắc chuyện xóa xăm, chị bỗng rùng mình. Mỗi lần tới thẩm mỹ viện để xóa xăm theo đúng liệu trình, chị lại thấy lòng buồn man mác, phần vì đau đớn, phần vì xót thương khi phải cố xóa đi một thứ hữu hình mà chị đã từng nâng niu thời thiếu nữ. Chị vẫn còn nhớ hồi đó chị say mê những hình xăm ra sao, rồi khi xăm được hình xăm này, chị đã hạnh phúc thế nào. Anh vẫn đang miên man nói chuyện sinh con. Con anh sẽ phải mặc áo đầm, đi giày búp bê, hồi sinh viên anh mê tít mấy cô gái như thế, đâu như mấy cô ăn mặc bụi bặm, hippy.
Anh say sưa như đang sáng tạo ra một con người mà anh mơ ước. Mặc đầm công chúa, đi giày búp bê, học piano, theo nghề của bố - đứa con chị chưa kịp thai nghén đã có cuộc đời. Anh vẽ sẵn đời con như đặt để một con búp bê - một con “búp bê con”. Còn người phụ nữ đang nằm bên anh, là một con búp bê khác, “búp bê vợ”. Phải rồi, chị đâu khác gì con búp bê anh giữ trong tay, thêm cái này, bớt cái kia cho vừa ý. Anh nói, thích thức ăn nhanh, yêu du lịch, mê mẩn những hình xăm là những dẫn chứng cho một thời nông nổi của chị. Than thở sau những lần nấu nướng chẳng ai ăn, hay vòi vĩnh một lần đổi gió, là biểu hiện của “bản chất”, của những “lệch lạc vô thức” của chị. Nhưng, bản chất, vô thức, lại là những điều không thể chối bỏ của con người chị. Chị đã nhọc nhằn cởi bỏ chính mình để bước vào thế giới của anh, còn thế giới của chị, anh chẳng mảy may nhìn vào, chỉ muốn gạt bỏ. Nghĩ tới đó, chị lại rùng mình. Không biết ngày đó, anh vì yêu chị mà chọn chị làm vợ hay anh chọn chị, một dung nhan vừa phải, đủ trình độ và ngoan hiền, để dễ “đào tạo” trở thành một người vợ đúng như ý anh?
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)