Nỗi niềm ăn Tết

Google News

Không thỏa thuận và lên kế hoạch trước, chuyện về ăn Tết ở quê nội hay ngoại, hoặc sẽ về quê nào trước đôi khi cũng khiến vợ chồng nảy sinh chuyện không vui, làm mất hòa khí gia đình trước thềm xuân.

Đối với những cặp vợ chồng sống xa quê, cụm từ “về quê ăn Tết” trở nên hết sức quan trọng và ý nghĩa. Đây là thời điểm lý tưởng để mọi thành viên trong gian đình sum họp, vui vầy sau một năm xa cách; là dịp để con cái thể hiện đạo lý, nghĩa vụ hay bày tỏ tình cảm với người thân. Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng còn bất đồng trong việc chọn đón xuân ở quê vợ hay quê chồng, thậm chí họ đã đẩy vấn đề trở nên nghiêm trọng, để rồi đón một cái Tết kém vui.

 

Bước ngoặt mới

Thường từ sau Tết trung thu, anh Hưng kỹ sư xây dựng, Q.5 đã “lên lịch” cho cả nhà về quê nội ở Nghệ An ăn Tết. Là con trai cả trong gia đình nên việc về quê sum họp cùng bố mẹ trở nên rất quan trọng với anh. Lập gia đình được 8 năm, nhưng anh chỉ dành một năm về quê vợ, vì điều này mà cứ “đến hẹn lại lên”, hai vợ chồng lại lục đục. Anh Hưng cho rằng, chỉ có dịp Tết là vợ mới thể hiện việc “làm dâu”. Vợ anh lại là dâu trưởng nên càng không thể vắng mặt. Vì thế, năm nào anh cũng thuyết phục vợ về Nghệ An quê chồng. Trong khi đó, vợ anh than thở chồng coi nhẹ gia đình nhà vợ, khi mà ba mẹ vợ cũng ngóng chờ con cái về quê dịp Tết, chưa kể đã nhiều năm chị không đón xuân cùng ba mẹ ruột, nên Tết năm rồi chị quyết “đường ai nấy đi”. Chị sẽ đưa các con về quê ngoại ở Quy Nhơn, còn anh về Nghệ An, coi như… huề!

Khi thấy con trai tay xách nách mang linh kỉnh quà Tết mà chẳng thấy dâu và cháu nội, bộ mẹ trách anh Hưng không biết “dạy vợ”, trách con dâu hờ hững với gia đình chồng, dù trước đó vợ anh Hưng đã gọi điện xin phép bố mẹ vì sự vắng mặt của mình. Đoán biết phản ứng của bố mẹ, nên suốt hành trình về quê, anh Hưng đã nghĩ ra nhiều cách để nói “đỡ” cho vợ, ràng đã lâu vợ con chưa được về quê ăn Tết cùng ba mẹ ruột, lẽ ra Tết này con cũng phải về quê thăm ba mẹ vợ vì nay ông bà hay đau ốm luôn… Thật ra, những lời trách móc của vợ không phải không có lý, vì đâu phải con trai mới bày tỏ trách nhiệm, hiếu thảo với ba mẹ. Nếu vợ có trách nhiệm “làm dâu”, thì anh cũng phải có nghĩa vụ “làm rể”. Nghĩ thế, anh không ngại nói lên quan điểm của mình với bố mẹ, đồng thời lên kế hoạch ăn sau sẽ ăn Tết ở quê vợ, và những năm tiếp theo cứ luân phiên thay đổi địa điểm, mới gọi là công bằng.

Ban đầu, mẹ anh Hưng có vẻ sốc với những lời tuyên bố của con trai, nhưng qua phần giãi bày nghe có vẻ hợp lý hợp tình, bà có phần nguôi ngoai, mới thôi trách con dâu. Lúc đó, anh Hưng cả thấy nhẹ nhõm trong lòng, anh liên tục gọi điện cho vợ con, thông báo “tin vui” về kế hoạch ăn tết cho những năm sau. Xem ra, cái Tết “chia cắt” của vợ chồng anh Hưng đã tạo ra một “bước ngoặt” mới: bố mẹ thông cảm cho con cái, vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn. Nhờ thế mà chuyện “về quê ăn Tết” của vợ chồng anh đã không còn là vấn đề nan giải nữa.

 

Hóa giải khó khăn

Đón cái Tết đầu tiên ở quê chồng, chị Vân (nhân viên một công ty truyền thông ở Q.3) không khỏi hồi hộp, lo lắng. Trước đó, chị đã lên mạng tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, các thức sinh hoạt của người miền Trung quê chồng để tránh sự bỡ ngỡ. Từ khi về nhà chồng ăn Tết, chị đã được mẹ chồng “huấn luyện” chuyện bếp núc, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm,… Dù bận bịu, nhưng chị cảm thấy rất vui, vì tuy còn vụng về, nhưng mẹ chồng không chê trách. Khi con dâu đã quen với công việc, mẹ chồng bằng đầu “khoán trắng” chuyện nhà. Sáng mùng một, mẹ chồng đi chùa cùng mấy người bạn, chị Vân ở nhà vừa tiếp khách, vừa lo dọn dẹp, chuẩn bị cơm trưa cúng tổ tiên, ông bà. Chị “xây xẩm mặt mày” vì nhà lúc nào cũng đông khác, nào là bạn bè của em chồng, nào là bà con họ hàng, hay đối tác làm ăn của ba chồng… Xót vợ, sáng mồng hai, chồng chị Vân lên kế hoạch mời cả nhà cùng đi ăn sáng, rồi chọn địa điểm vui chơi, sau đó đi thăm nhà bà con cô bác. Ba mẹ chồng ngạc nhiên vì sự “phá lệ” của con trai, nhưng bằng sự thuyết phục của các con, cuối cùng cả nhà cùng “xung trận”.

Để vợ thoải mái và có thời gian nghỉ ngơi, chồng chị Vân cũng lăng xăng vào bếp, anh còn ý tứ chia việc cho mẹ và em gái. Đến lúc này, mẹ đoán biết “ý đồ” của con trai nhưng thương con thì phải thương dâu, những ngày còn lại bà “bao sân” chuyện nhà, con dâu chỉ là “phụ tá”. Với chị Vân, những ngày đón Tết ở quê chồng, chị đã có thật nhiều kỉ niệm, học hỏi được nhiều điều, biết thêm được nhiều thứ và nhất là rất cảm ơn chồng, vì anh đã “cứu” chị những “bàn thua khó đỡ!”.

Khó ở lòng người

Ngày Tết là dịp sum họp gia đình một cách trọn vẹn nhất. Con cháu xa gần đề tề tự về nhà, có cơ hội gắn kết tình thân, cùng nhau thể hiện trách nhiệm, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng “hai, ba quê”, việc chọn nơi ăn Tết là một quyết định nhạy cảm, vì ai cũng muốn được vui xuân ngay tại quê hương mình. Không ít những bà mẹ chồng vốn nặng tư tưởng cũ, hay những người chồng có tính gia trưởng, sẽ gây áp lực cho con dâu, cho vợ trong việc chọn quê nào đón xuân.

Với họ, con dâu phải “trực chiến” 100% tại nhà chồng, mới gọi là tròn bổn phận. Vì thế, dù rất muốn thể hiện trách nhiệm làm dâu ngày Tết, muốn vợ chồng, con cái vui vầy bên ông bà, bố mẹ, nhưng không ít nàng dâu rất ngại đón Tết ở quê chồng. Họ cảm nhận một cái Tết không thoải mái, thiếu thời gian nghỉ ngơi, mà có khi chẳng được lòng mẹ chồng. Hay chỉ cần một năm vắng mặt, lập tức bị chỉ trích. Trong khi đó, bố mẹ vợ không đòi hỏi gì ở con rể, vì bản thân họ cũng ý thức chuyện con gái mình về làm dâu là phải “nhập gia tùy tục”, thậm chí là… con người ta. Từ suy nghĩ đó, cũng đã vô tình làm “lệch cán cân” sum vầy, hiếu đạo khi Tết đến, xuân về.

Theo Thế giới Gia đình

Bình luận(0)