Nổi đóa vì chuyện “cháu nội, cháu ngoại“

Google News

Tự cho là mình yêu các con, các cháu như nhau nhưng cách cư xử thiên lệch của nhiều bậc cha mẹ gây mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình.

Ông bà là của cháu nội
Lấy lý do đường xa, gần đây chị Hoài ít khi đưa con về ngoại, mặc dù cũng quãng đường 200 km đó, trước đây cứ vài tháng chị lại về một lần. Lý do thật lại không liên quan đến tàu xe hay xa cách. Chị tâm sự: "Về, xem cái cách bố tôi đối xử cháu nội với cháu ngoại khác nhau, tôi bức xúc lắm. Nói ra thì lại cãi nhau như mấy lần trước, mà không nói thì ấm ức và cũng thấy tội cho con mình".
Bố mẹ chị Hoài có 5 đứa cháu. Hiện ông bà trực tiếp chăm sóc 2 đứa cháu nội. Khi các cháu ngoại về chơi, ông bà rất vui, hồ hởi, chăm sóc tận tình. Thế nhưng, hai đứa con gái của họ vẫn cảm giác con mình được đối xử khác với con anh trai.
"Khi bọn trẻ cãi nhau hay tranh giành nhau, bố tôi ra vẻ phân xử công bằng, không bênh đứa nào, nhưng sau đó thì ôm lấy thằng cháu đích tôn vuốt ve, an ủi, nựng nịu nó, còn con tôi hay con chị gái thì ông chẳng để ý đến. Nó giống như tôi mang con đến nhà người quen chơi, con tôi với con nhà ấy đánh nhau, chủ nhà tuy phân xử công bằng nhưng trong bụng dĩ nhiên chỉ lo cho con mình có bị đau không, có ấm ức không", chị Hoài nói.
Hoài ấm ức kể tiếp: "Hai thằng bé con anh tôi muốn làm gì ông bà cũng được. Chúng có thể có những hành vi rất suồng sã, những câu nói hỗn, nhưng bố tôi nghe thì cười khanh khách, xoa đầu chúng, coi đó là sự thân mật, đáng yêu giữa cháu với ông. Nhưng những hành vi, lời nói vô tình của con tôi lại dễ khiến ông nổi giận vì ông cứ nghĩ là nó hỗn, nó không chân tình với ông. Vì thế, con tôi rất sợ ông ngoại".
Theo chị Hoài, chính vì bố chị coi cháu ngoại như người ngoài nên mới có cách cư xử nghi kỵ và xa lạ như vậy. Mấy đứa cháu ngoại cảm nhận rất rõ sự khác biệt. Thằng cháu, con chị gái Hoài, có lần thắc mắc với mẹ nó: "Mẹ ơi, ông bà ngoại là của anh Cún, còn ông bà nội mới là của con hả mẹ?". Mẹ nó bảo, sao con hỏi thế. Nó nói: "Con thích bộ lego của anh Cún, con xin, anh không cho, con bảo mượn, anh cũng không cho, rồi ông ngoại bảo cháu về bảo ông bà cháu mua cho, ông bà nội ý".
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Có lần, Hoài đưa con về chơi, bố cô có hỏi thằng bé chuyện học hành, bạn bè, rồi trêu đùa nó. Thằng bé không thích bị trêu, nhưng ông cứ trêu già, đến lúc nó cáu thì ông mắng nó hỗn, mắng rất nặng lời khiến thằng bé khóc ầm lên. Hoài xót con, gọi con lại ôm ấp, mặt chị không giấu được sự bực tức. Bố chị thấy thế mắng chị là tỏ thái độ vớ vẩn, tao chỉ đùa thôi mà mày làm thế khác nào chia rẽ ông cháu.
"Lúc đó tôi tức quá, nói thẳng những điều tôi nghĩ về sự thiên vị của bố với các cháu, rằng chỉ cháu nội mới được coi là cháu, ông quát lên bảo tôi nói bậy. Hai bố con cãi nhau, rồi ông đuổi tôi ra khỏi nhà", Hoài kể. Dĩ nhiên bố con thì không giận nhau lâu, nhưng Hoài cũng ít đưa con về vì bố chị vẫn không thay đổi cách đối xử với các cháu.
Thiên vị - bệnh của ông bà?
Bên cạnh những phụ nữ chạnh lòng vì sự thiên vị của bố mẹ đẻ với các cháu, nhiều người khác lại kêu ca vì sự "phân biệt đối xử" của bố mẹ chồng giữa con họ và con chị, em gái chồng. Chị Thu, 31 tuổi, Đống Đa, Hà Nội, cho rằng mẹ chồng chị chỉ yêu thương chăm sóc cháu ngoại mà bỏ bê cháu nội là con chị.
"Bà yêu con gái nên cũng thiên vị cháu ngoại hơn. Con tôi đẻ ra bà chẳng thèm bế, chẳng thèm chăm ngày nào, bảo bà già yếu rồi, nhưng con gái đẻ thì bà đón về nhà mấy tháng, ngày ngày bế ẵm thằng bé, thay rửa, ru ngủ, tóm lại là làm quần quật không thấy mệt", Thu "tố cáo".
Còn chị Vinh, nhà ở Từ Liêm, Hà Nội, nói: "Hai đứa con tôi ở với bà nội, bà chưa chăm chúng ngày nào, chưa bao giờ mua cho chúng cái gì. Nhưng mỗi lần chị chồng tôi đưa con đến chơi là bà mua cho con chị ấy bao nhiêu quà, có món gì ngon cũng bắt nhường. Đồ chơi bà mua cho cháu ngoại, cháu nội thèm quá sờ vào cũng bị mắng".
Mấy đứa nhỏ chơi với nhau, nếu có xích mích thì bà chẳng cần hỏi đầu đuôi, mắng ngay cháu nội và dỗ dành cháu ngoại. Chị Vinh cho rằng, cháu ngoại do con gái đẻ ra, cháu nội do con dâu đẻ ra, nên bà thiên vị cháu ngoại: "Tôi thấy ức vì mấy đứa trẻ nó không biết gì nhưng cảm nhận được sự chênh lệch đó, nó tủi".
Còn chị Hải My thì bất mãn bởi bố mẹ chồng đối xử không công bằng giữa mấy đứa con của... chính chị. Hải My sinh ba đứa con, đứa út là trai. Trong mắt ông bà nội, dường như chỉ có cậu con út của My mới là cháu. Nó là cục vàng của họ, không ai được nói nặng hay động đến cái lông chân, mọi thứ của ngon vật lạ đều dành cho nó. Đồ chơi của thắng bé, không ai được động vào, nhưng đồ chơi của hai chị thì nó tha hồ cướp nếu muốn.
Nhiều lần Hải My chứng kiến thằng con út đành hanh bắt nạt hai chị, nhưng bà nội lại mắng cháu gái. Góp ý với bà không được, chị vừa sợ con trai hư vừa sợ các con gái tủi thân. Bà nội thì bảo, cứ phải lo cho con gái làm gì, sau này chúng nó bay đi cả, chỉ có thằng "chó con" này mới ở với mình, lo cho mình, thờ cúng mình, thì thiên vị nó là đương nhiên.
Phải cưng "thằng chống gậy" hơn cũng là lý do mà ông bà Nghị (Quỳnh Mai, Hà Nội) dồn tất cả sự ưu tiên cho đứa cháu trai thứ hai của mình. Cháu đích tôn thực sự của ông bà, cu Tôn, hơi chậm phát triển trí tuệ. Vì thế, ông bà ép con dâu phải đẻ thêm, tính toán làm sao để có một con trai nữa làm nhiệm vụ nối dõi tông đường và thờ cúng sau này. Thằng bé Tiến ra đời khỏe mạnh, khiến ông bà mừng hết sức.
"Đành rằng mọi hy vọng của ông bà đặt vào thằng Tiến, nhưng thằng Tôn cũng là cháu ruột, lại đáng thương như vậy, lẽ ra phải ưu tiên nó, hoặc ít ra cũng phải công bằng, đằng này ông bà cái gì cũng Tiến, và lờ hẳn Tôn đi", bố của hai thằng bé, anh Chinh, nói. Nhiều lúc anh thấy tội con cả khi thằng bé bị ông mắng vì... không nhường em, trong khi thực tế là thằng Tiến bắt nạt anh.
"Có lẽ thiên vị là bệnh của các bậc làm cha làm mẹ chăng?", anh Chinh nói. Dĩ nhiên, người làm cha mẹ thì chẳng bao giờ chịu thừa nhận rằng mình yêu đứa con hay đứa cháu này nhiều hơn đứa kia, chẳng qua là cách đối xử với chúng khác nhau vì hoàn cảnh thôi. Có điều, các bậc cha mẹ ấy thường không nhận ra, sự kém khéo léo và tinh tế trong cách đối đãi của họ khiến con cái tủi thân, và niềm vui của những lần gặp gỡ, sum họp cũng giảm đi ít nhiều.
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)