Chị luôn nhớ những gì lần đầu tiên xảy đến với mình. Những chuyện bình thường và xa xưa như lần đầu đi gặp nha sĩ, dự sinh nhật bạn, bị “chào cờ” trước lớp, bị mẹ mắng… Mỗi lần hồi tưởng, cảm giác hồi hộp, xúc động, lo lắng… ban sơ ấy vẫn rõ mồn một trong chị. Đó cũng là lý do chị gật đầu nhanh chóng khi anh ngỏ lời hỏi cưới sau chưa đầy một năm quen biết. Anh là người khác phái đầu tiên chị chấp nhận đưa đón, đi cà phê và nắm khẽ bàn tay, sau đó là hôn nhẹ lên môi và siết lấy nhau trong vòng tay ấm nóng. Chị sợ, nếu anh chị không thành đôi, nỗi ám ảnh “đầu tiên” sẽ đeo đẳng chị suốt đời.
Đêm tân hôn, anh nồng nặc mùi bia rượu, hùng hục biến chị thành người đàn bà của anh rồi nhanh chóng lăn kềnh ra ngủ, để mặc những giọt nước mắt hụt hẫng của chị rơi vào thanh vắng. Đêm đầu tiên ấy đã đóng đinh chị vào nỗi ngại gối chăn, mỗi ngày qua đi lại bị thái độ thờ ơ, qua quýt trong mọi việc của anh làm chai mòn tình cảm.
Anh hiếm khi tặng quà cho vợ, không thích đi ăn ngoài, ít tụ tập bạn bè. Những kỷ niệm giữa hai vợ chồng vì thế mà ngày càng ít. Thật may, khi vừa nhận ra điều đó thì chị mang thai. Suốt thời gian thai nghén, khó ở trong người hay thèm ăn giữa đêm, chị đều âm thầm chịu đựng vì lần đầu tiên chị than thở mà chưa kịp mè nheo, anh đã nhíu mày gắt: “Làm như thế gian có mỗi mình em mang bầu”.
|
Ảnh minh họa. |
Hôm bụng quặn lên cơn đau đầu tiên, chị vẫn im lặng nhìn anh đi làm như thường lệ. Chị một mình đón taxi vào bệnh viện, rồi gọi cho mẹ chị. Nằm trên giường đợi, chị cắn răng mà nước mắt vẫn trào ra, nghe mẹ chia sẻ với sản phụ giường kế bên mà như vỗ về mình: “Con so thì đau vậy chứ con rạ không đến nỗi”.
Cảm xúc lần đầu được làm mẹ đã xoa dịu tất cả. Chị mãn nguyện với bản sao thu nhỏ của mình, khóc, cười, xót xa, vỡ òa hạnh phúc theo từng cái đầu tiên của đứa trẻ như mọc răng sữa, sụt sịt cảm sốt hay bi bô gọi mẹ… Chị rộng lượng hơn trước những vụng về, thô lỗ của chồng, rưng rưng hạnh phúc trước từng cử chỉ nô đùa của hai cha con.
Lần đầu tiên anh làm chị tổn thương là vào giữa đêm khuya, chị dỗ cả tiếng đồng hồ mà con vẫn ngằn ngặt khóc. Trong lúc bế con với nào chăn quấn, nào tã, nào khăn, lỉnh kỉnh bình sữa, lọ nước, chị vuột tay để con bé tuột xuống nệm. Con bé không sao, chỉ khóc nấc lên vì sợ, nhưng chị lại khóc theo nó vì câu nói vô tình của anh: “Đàn bà gì mà mỗi việc bế con cũng không nên thân”. Trước giờ, chị chăm con đêm hôm, anh vẫn ngủ vô tư, có phụ giúp gì chị đâu.
Lần đầu tiên anh gọi chị bằng “mày” là ở giữa chốn đông người, sau khi anh nhận được điện thoại phàn nàn từ phía công ty đối tác, cúp máy rồi mà anh vẫn không giấu được bực tức, chửi đổng. Lúc đó chị đang tay xách nách mang theo đúng kiểu bà mẹ cả lo lần đầu đưa con đi công viên, vừa lên tiếng nhờ anh một tay, anh dấm dẳng: “Đi có một chút mà dọn cả cái nhà theo”. Chị thấy vẻ mặt anh căng thẳng nên tỏ ra quan tâm: “Có chuyện gì vậy anh?”, không ngờ anh gầm gừ: “Mày lo cho con đi, không lo xong thì đừng có nói”.
Dù sau đó về nhà, anh đã nhũn nhặn giải thích lý do chữ “mày” nhưng cảm giác bị mắng oan vẫn quanh quẩn theo chị cả khi lên giường ngủ. Giá mà anh vừa ghì lấy chị vừa thì thầm vài câu dịu ngọt, có thể chị đã quên, sẽ không khổ sở tưởng tượng những điều tệ hại tiếp theo. Cô bạn thân sau khi biết chuyện đã tỉnh bơ cười: “Nhiều cặp vợ chồng “mày, tao” bùm chéo suốt ngày nhưng ra đường vẫn cứ ngời ngời. Lần đầu nên vậy, lần sau là quen thôi, cũng bình thường”, nghe mà não lòng.
Rồi cũng tới lần đầu tiên chị bị ăn cái tát của anh. Trước giờ biết tính chồng thô bạo và nóng nảy, chị luôn dặn mình nín nhịn. Chỉ vì tính toán tiền nong, xài nhiều xài ít, gửi biếu nội, ngoại chút quà... mà cả hai lôi ra trăm chuyện tủn mủn từ thời vợ chồng son, dây mơ rễ má cả những chuyện chẳng liên quan. Trong phút chốc, chị quên mất… câu thần chú: “Nín nhịn, nín nhịn” của mình... Tát vợ xong, anh hậm hực bỏ đi, để chị ngồi nhìn theo, bẽ bàng với cảm giác năm ngón tay thô bạo còn rát trên mặt. Chị nhớ thời con gái, các chị em trong nhà vẫn thường bảo nhau: “Sau này đừng bao giờ để chồng đánh. Đánh được cái đầu tiên sẽ đánh cái thứ hai, thứ ba”. Giờ chị đang trải nghiệm cái tát đầu tiên, bất lực và sợ hãi nghĩ chồng mình rồi sẽ “quen tay” mỗi khi anh tranh cãi mà đuối lý…
Chị chở con đi, như mọi cuối tuần, hai mẹ con vẫn quanh quẩn với nhau ở nhà bà ngoại, nhưng mẹ chị nhận ra ngay nỗi u uất trong lòng cô con gái út… Mẹ chị thở dài kể, ngày xưa ba từng đánh mẹ vài lần, có lần còn ra tay ngay giữa chợ, nhưng chẳng lẽ vì thế mà bỏ nhau. Ngay cả chồng chị hai, người đàn ông mẫu mực và thành đạt nhất trong mấy người anh rể, người mà chị luôn ngưỡng mộ, cũng từng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, đến nỗi chị hai phải nhập viện, nhưng anh chị đã vượt qua giai đoạn tăm tối đó để êm ấm đến giờ. Quan trọng là sau chuyện không hay đó ta rút ra được điều gì. Để xảy ra xô xát lần đầu giữa hai vợ chồng không hoàn toàn là lỗi của đàn ông. Để xảy ra lần tiếp theo, tiếp nữa thì càng xét đến lỗi của người đàn bà… Nghe mẹ phân tích mà chị buồn rũ người.
Rồi thì lần đầu tiên anh đi suốt đêm không về, lần đầu tiên chị bắt gặp anh thậm thụt nhắn tin cho một nữ đồng nghiệp, lần đầu tiên chị phát hiện anh có quỹ đen…
Họp lớp sau 15 năm ra trường, chưa tới mười người mà đến bốn người đã ly hôn. Duy trì mỗi tháng gặp nhau và hàng ngày cập nhật thông tin trên Facebook, dần dần thân tình hơn, mỗi người biết được hoàn cảnh thật của nhau. Năm người phụ nữ còn lại, trong đó có chị, thì hết ba người tâm sự đã từng ngoại tình. Người thứ tư thú nhận đang có những phút xao lòng. Chị ngần ngừ mãi mới kể thật, tám năm gắn bó với người mà chị không yêu, chị chỉ ước gì mình trở nên vô cảm. Nhưng, ngoài chồng ngoài vợ thì chị không dám. Cô bạn có “thâm niên” ngoại tình nghe vậy, cười chua chát: “Lần đầu thì tớ run lắm chứ, nhưng mãi rồi quen. Mấy ổng cũng ăn vụng lung tung, dại gì mình chung thủy”. Cô bạn khác có vẻ nghiêm túc: “Không giữ được chồng thì… giữ được mình cũng tốt. Chứ lỡ một lần, khó dừng lại được…”.
Cũng từ những buổi họp lớp đó, chị gặp lại anh bạn học năm nào. Chị bối rối trước ánh mắt đăm đắm, không dám nghe trọn câu tán tỉnh của anh. Biết đàn ông nhiều khi quen thói trêu hoa ghẹo nguyệt, chị cũng cố cười theo câu đưa đẩy, để rồi về nhà đối diện với người chồng vô tâm, gia trưởng, chị bỗng bâng quơ tiếc cho mình. Anh sẽ để chị phải chịu đựng những lần đầu tiên nào nữa? Trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ, phải chăng bất kỳ chuyện gì, chỉ cần vượt qua được lần đầu tiên thì sau đó mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn?
Lần đầu tiên chị nằm bên chồng, giật mình khi thấy mình đang nghĩ về người nào khác... Và, cũng là lần đầu tiên chị khổ sở nhận ra mình cứ mãi vấn vít những “lần đầu tiên”, mà không hề chuẩn bị tâm thế hay tìm cách gia giảm, tránh né những lần sau đó…