Việc tôi và anh chung sống, rồi sinh con, không được người ta xem là một cuộc hôn nhân. Anh ly hôn vợ đã lâu, có ba con và hai cháu nội. Tôi là cô gái 26 tuổi, cảm kích trước sự quan tâm chân thành và sự từng trải của anh. Một thân một mình ở Sài Gòn, tôi tự do đến với anh những đêm anh ốm đau, buồn bã. Dần dà, không cần xe hoa, nhẫn cưới, tôi trở thành nhân tình, rồi thành vợ, thành mẹ của con trai anh.
Nhưng, niềm vui có con chỉ kéo dài được bốn tháng thì anh đột ngột ra đi. Lặn lội bồng con về chịu tang anh, tôi bẽ bàng trước những ánh mắt hoài nghi, ghẻ lạnh của nhà chồng. Họ không coi tôi là dâu, cũng chẳng buồn để mắt đến con trai tôi.
Ngày cãi lời cha mẹ dọn đến ở với anh, tôi đã hết đường trở về nhà. Giờ, biết tôi mất chồng, mẹ chỉ khóc thầm chứ không thể đón tôi về, vì không chịu được áp lực từ cha. Không còn nơi nương tựa, tôi đành quay lại Sài Gòn, thu xếp mọi thứ để trở lại với công việc. Vùi nỗi đau mất chồng vào những đêm thức trắng chăm con, ban ngày tôi lao vào công việc, quyết tâm làm lại cuộc đời.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng, mọi thành quả trong công việc vẫn không làm tôi thoát khỏi cảm giác bất hạnh. Tôi chẳng có gì để chứng minh cho cái gia đình đã từng tồn tại của mình, không giấy đăng ký kết hôn, không ảnh cưới, nhẫn cưới; họ hàng, người quen không ai ghi nhận. Chuyện con mình trở thành một đứa trẻ không cha, phải mang họ mẹ cứ dằn vặt tôi. Tôi lập bàn thờ trong nhà, giữ nguyên vị trí tất cả đồ đạc của anh, mong là những dấu ấn của anh sẽ nói với con trai tôi điều gì đó về cha nó.
Ngày làm tuần 100 ngày của anh, mặc kệ nỗi ám ảnh ruồng rẫy, khinh rẻ, tôi quyết bồng con về dự. Nhưng, mọi thứ đã rẽ sang một bước ngoặt không ngờ. Mấy người chị chồng bu lại cưng nựng thằng bé, đon đả chào đón tôi. Một cụ già ghé mắt nhìn rồi gật gù khen “con giống cha”, tôi vui mừng tưởng như quên hết mọi đắng cay. Các anh chồng còn bàn chuyện làm thủ tục nhận cháu, để con tôi được mang họ cha. Đang trong niềm vui bất ngờ nên khi chị chồng yêu cầu về quê sống cùng anh chị, tôi vui vẻ gật đầu. Nghĩ, chỉ cần con trai được họ hàng nhìn nhận, phải hy sinh bao nhiêu tôi cũng chấp nhận. Tôi bỏ công việc đang phát triển tốt đẹp, bán căn nhà nhỏ của hai vợ chồng, chuyển tất cả đồ đạc xuống vùng quê cách Sài Gòn 300 cây số, để… làm dâu.
Cuộc sống ở nhà chồng làm tôi vỡ mộng. Những háo hức ban đầu ngày một vơi đi, khi sự khách sáo dần được thay thế bằng sự suồng sã tới mức khiếm nhã của chị chồng. Suốt ngày chị vỗ vai tôi, xuề xòa: “Chị coi mày như em!”, rồi “thân mật” với tôi còn hơn cả chị gái. Lúc cần, chị chẳng ngại ngần lục lọi đồ đạc của tôi, tự ý lấy dùng. Có tôi về, chị đuổi người giúp việc. Cứ đến giờ phải cơm nước, quét dọn, chị lại giành bồng cháu, nhường tôi việc nhà. Nhiều đêm thức trắng vì con quấy khóc, sáng mai tôi vẫn phải dậy sớm để lo việc nhà. Mỗi lúc nghĩ về anh, về tương lai của con, tôi dặn mình ráng chịu chút thiệt thòi, để cho con được lớn lên giữa tình thương của họ hàng. Nhưng, mọi thứ vượt ra khỏi sức chịu đựng của tôi. Những lúc mệt mỏi, bực bội, chị lại trút hết lên đầu mẹ con tôi những lời miệt thị. Mẹ con tôi bị mặc định là kẻ ở nhờ thấp kém. Chiều chiều, tôi bỏ con vào chiếc xe đẩy, đẩy ra ngoài dạo chơi, chị dè bỉu: “Ai đời mới mất chồng mà… sang chảnh vầy!”, rồi cái xe đẩy cũng bị xếp xó.
Tôi thèm khát cuộc sống tự do trước kia, nhưng đường về mù mịt. Một lần tôi thử đề cập chuyện chuyển đi, anh chồng thẳng thừng tuyên bố, còn ở thì còn họ hàng, không thì là người dưng. Nghĩ cảnh con trai lớn lên không họ hàng, tôi đành cam chịu. Tôi bị mắc kẹt trong cuộc sống ngục tù này, giữa danh phận của con và cuộc sống tự chủ của mình.