Lăn lộn thương trường để... dạy con

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng vợ chồng ông Thụ vẫn lăn lộn buôn bán trước sự nể phục của nhiều người...

Vợ chồng già rủ nhau buôn bán

Khi gặp ông Thang Văn Thụ và bà Liêu Thị Vần ở thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước đôi tay thoăn thoắt đan khăn, áo để bán cho bà con quanh vùng.

Gặp khách lạ, bà Vần lập cập vơ mấy cuộn chỉ len đang đan dở thu vào một góc, miệng nhoẻn cười bảo: "Vợ chồng tôi hơn người khác ở chỗ hơn 80 tuổi rồi nhưng đôi mắt vẫn sáng như thời còn trẻ, thành thử vợ chồng bảo nhau buôn vải từ các nơi về đây để bán cho người dân trong và ngoài huyện Quảng Uyên, lúc rảnh thì đan áo len, mũ và khăn len để bán, có làm thì tư tưởng mới thoải mái, con cháu mới yên tâm làm việc".

 

Nói rồi bà Vần kể về cái nghề buôn bán như là món nợ của cuộc đời. Bà vào ngành thương nghiệp từ hồi còn trẻ, lúc đó là nhân viên của Xí nghiệp bán lẻ Quảng Hòa. Có lẽ công việc này rất hợp với bà nên học việc rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn mà bà đã tìm được nhiều đối tác làm ăn về cho xí nghiệp, đồng thời đề xuất nhiều hướng phát triển mới dẫn dắt ngành thương nghiệp Quảng Hòa đi lên.

 

Thấy bà Vần có năng lực quản lý, kinh doanh tốt, anh chị em công nhân đã bầu bà lên làm phó giám đốc rồi đến giám đốc xí nghiệp từ năm 1967. Bà đảm nhiệm công việc này suốt mấy chục năm ròng cho đến hết thời kỳ bao cấp. Sau khi Xí nghiệp bán lẻ Quảng Hòa giải thể, bà Vần mở một cửa hàng bán lẻ của riêng mình để bán hàng cho Nhà nước ăn hoa hồng... 

 

Năm 1992, khi ông Thụ vừa về hưu đã được bà Vần dẫn dắt vào con đường buôn bán, ban đầu ông chỉ đảm nhận công việc vận chuyển mấy thứ hàng gia dụng trong nhà, về sau ông tiếp tục mở rộng các đầu mối buôn bán đi các huyện như Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên... để bán các mặt hàng quần áo dân tộc cho bà con Tày, Nùng... Không ngờ công việc vất vả này lại có sức mê hoặc ghê gớm với ông Thụ, ông hòa mình vào công việc buôn bán như một cỗ máy còn hơn cả mấy tay buôn sành nghề ở đất Quảng Uyên.

 

Khi sức khoẻ của ông bà không còn đủ để ôm những bảo tải nặng trăm cân trên lưng nữa thì lại chuyển sang buôn bán những loại hàng hóa rất nhẹ nhàng như áo, quần, cái kim sợi chỉ...

 

 

Vợ chồng ông Thụ, bà Vần quan niệm buôn bán là để làm gương cho con cháu. 
Làm gương cho con cháu Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, có người bạn già của bà Vần bảo: "Già rồi thì ngồi yên một chỗ chứ còn buôn bán làm gì nữa cho nó mệt, với lại gia đình có thiếu thốn gì mà ông bà vẫn phải cóp nhặt từng đồng". Nghe xong bà Vần cười lớn khoe: "Hằng ngày tôi vẫn buôn bán không phải vì gia đình thiếu thốn, mà vì đam mê và quan trọng hơn nữa là phải biết làm gương cho con cháu".
 

 

Theo lời bà Vần thì gia đình có 5 người con dâu, phần lớn các con khi mới cưới còn chưa biết việc mà làm, có người còn không biết thổi cơm. Thế nhưng, bà Vần không bao giờ trách mắng con cái, bà ân cần dạy con nấu cơm, đan len, khâu áo và buôn bán... dần dần các con của bà không những thành thạo may vá, nấu nướng mà còn buôn bán rất giỏi.
 

 

Nói về gia đình mình, ông Thụ, bà Vần tự hào: "Cả năm người con trai của chúng tôi đều đã thành đạt và có địa vị cao trong xã hội, còn năm người con dâu thì đảm đang, khéo léo. Thế nhưng, các con, cháu không ai phản đối gì công việc của ông bà vì đó là việc làm tốt, cộng thêm đó là chúng tôi luôn làm gương cho các con trong cách sống và hành xử đối với gia đình và công việc buôn bán. Hạnh phúc với chúng tôi không phải là ngồi một chỗ để hưởng thụ mà đó chính là những cống hiến dù nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa cho gia đình, cuộc sống đó chính là công việc buôn bán".

 

A Dương

Bình luận(0)