Vứt chiếc cặp xuống ghế, Quang vào nhà tắm, vặn nước ra thì thấy lạnh ngắt, lại càng bực thêm. Lúc tắm xong, nhìn vào chiếc ghế mọi khi vẫn để quần áo sạch mặc ở nhà hôm nay trống hoác, chẳng có đến cái quần lót thì cáu lắm.
Mọi khi, Quang về đến cửa là đã có vợ đón, cứ như Liên ngồi ở cửa để chờ mở cửa cho chồng. Anh đi tắm đã có vợ chuẩn bị sẵn quần áo sạch, bật sẵn nước nóng. Hôm nay chẳng biết đi đâu, chẳng biết đi từ lúc nào, nhà có cái điện thoại đấy mà chẳng thèm gọi, thèm báo. Quang gầm ghì mắng vợ mải chơi, anh thầm nghĩ: “Cô về đây rồi tôi bảo”.
Chưa kịp nghĩ xong “bài trừng trị” vợ thế nào cho đích đáng thì nghe tiếng bác hàng xóm gọi. Bác mời anh sang ăn cơm vì vợ anh bị động thai phải vào viện rồi. Bác tấm tắc: Tội nghiệp vợ chú, cô ấy chu đáo quá, nằm trên giường cấp cứu, đau đến tái mét mặt mà còn nhờ tôi nấu cơm cho chú.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Quang chợt nhớ, tối qua vợ trằn trọc lăn qua lăn lại, khi anh gắt lên, em làm sao thế, chẳng để ai ngủ yên... thì Liên nằm yên một lúc rồi rón rén ôm gối ra nhà ngoài. Anh thoáng nghe tiếng xuýt xoa khe khẽ của vợ, nhưng sao lúc đó anh chẳng quan tâm, cứ yên trí đánh một giấc đến sáng. Sáng ra Liên vẫn làm điểm tâm cho anh, vẫn không quên nhét vào miệng anh miếng sâm ngậm cho khỏi nhiệt. Vậy nên anh quên khuấy sự trằn trọc và cái xuýt xoa đau đớn của vợ lúc đêm, cũng không để ý đến đôi mắt đờ dại, khuôn mặt hốc hác, nước da tái mét của vợ.
Quang chợt nhớ ra hôm trước Liên có kể cô thay cái bóng đèn ở nhà tắm, khi bước xuống trượt chân ngã, bụng cứ nhâm nhẩm đau. Lúc đó anh còn trách Liên làm ăn vụng về mà không nghĩ đến việc đưa vợ đi bệnh viện.
Quang chợt nhớ tuần trước thỉnh thoảng thấy Liên ôm đầu, mắt nhắm tịt, bảo chóng mặt quá, nhưng khi đó anh chỉ thờ ơ nói ốm nghén ấy mà. Anh đâu biết bác sĩ bảo Liên làm việc quá sức, cần được nghỉ ngơi.
Liên cũng muốn nghỉ ngơi nhưng nghỉ ngơi sao được khi chỉ nhãng đi một tí là “Em chưa đánh xi giầy cho anh à? Sao cái áo này nhăn thế? Em đừng mua đồ ăn sẵn nhé, bẩn lắm”. Cái cống tắc Quang cũng hỏi: “Sao em không gọi thợ”, cái bóng đèn cháy Quang cũng chẳng nghĩ mình phải thay.
Tính Liên có phần nệ cổ, coi việc nhà là của đàn bà nên không bao giờ tị nạnh, đòi hỏi chồng phải vào bếp, phải quét nhà, phải rửa bát nên Quang ngủ quên trong tình yêu của vợ, anh không hề nghĩ vợ cũng biết mệt mỏi, ốm đau. Anh điềm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc của vợ như một lẽ đương nhiên mà không hề nghĩ vợ cũng cần được quan tâm, chăm sóc, cần được chiều chuộng, nâng niu. Anh cũng không nghĩ vợ cũng biết tủi thân, cũng cần được an ủi, động viên.
Quang thầm thắc mắc: Sao cô ấy vào viện mà không gọi cho mình, lại nhờ bác hàng xóm. Anh chợt nhớ cái dáng lom khom cam chịu khi vợ ôm ối ra phòng ngoài để anh ngủ yên đêm qua, anh biết cô đã ôm theo cả buồn tủi, giận hờn.
Liên bị động thai phải nằm bệnh viện 3 ngày. Ba ngày ấy Quang mới thấm thía tình yêu của vợ đối với anh qua những chăm sóc hàng ngày. Anh thương vợ, anh ân hận, nhưng trên hết là anh đau khổ vì biết sự vô tâm đến vô cảm của mình đã làm vợ đau lòng, làm rạn nứt quan hệ vợ chồng khi Liên không hề hỏi thăm xem mấy hôm nay anh ăn gì.
Quang đâu biết, trong 3 ngày ấy Liên đã nghĩ lại. Liên nhớ trước kia Quang là người đàn ông chu đáo, tỉ mỉ với mọi người và cả với cô. Liên vẫn nhớ chính sự chu đáo ấy mà Liên yêu anh. Nhưng tình yêu của người vợ biến cô thành ôsin của chồng khi giành hết việc về mình. Liên nhận ra, chính cô đã tạo cho chồng thói quen ích kỷ, thói quen hưởng thụ và biến chồng thành kẻ vô tâm, vô cảm.
Suýt mất đứa con khiến Liên tỉnh ngộ, cô quyết tâm đưa anh trở về là anh của những ngày trước kia - người đàn ông chu đáo, tỉ mỉ, yêu thương chân thành và cuồng nhiệt. Còn cô, cô sẽ là vợ đảm nhưng không phải là ô-sin.