Sau tiệc cưới đầy ắp câu chúc “trăm năm hạnh phúc”, người đàn ông phải tá túc ở nhà vợ. Đêm “động phòng hoa chúc”, câu đầu tiên mà cô dâu thỏ thẻ với chú rể: “Anh đừng ngại, nhà em cũng như nhà anh”. Lúc ấy, cả 2 nhìn thấy cuộc đời chỉ rặt màu xanh của sự tin yêu và phơi phới hy vọng.
Thời gian đầu “xuôi chèo mát mái”, không có gì đáng phàn nàn nhưng sau đó, sự việc trở nên rối tung rối mù vì những lý do cỏn con, những va chạm vặt vãnh.
|
Ảnh minh họa
|
Do đang tìm việc làm nên sau ngày cưới, anh phải đôn đáo quảng giao đầu này, giao tế đầu kia. Tất nhiên những lúc ấy, cầu cạnh người ta nên không thể thiếu chút mời mọc bia bọt lai rai. Ai cũng khen anh có chí tiến thủ, không thèm “bám váy vợ”. Vợ cũng mừng. Thế nhưng mẹ vợ lại không mừng. Bà cau có ra mặt. Những lúc anh bước vào nhà, “tiếng bấc tiếng chì” cứ nặng nhẹ vu vơ: “Ăn với nhậu suốt ngày! Chỉ có vợ con là khổ. Sao nhà ta vô phúc thế cơ chứ?”. Bà mắng ai? Mắng chồng bà hay con trai bà đây? Chẳng biết nữa. Anh chạnh lòng lẳng lặng bước vào phòng riêng, ném cái thân hình mấy chục ký xuống giường và thở dài sườn sượt.
Nhiều chuyện oái oăm đã đẩy chàng rể vào tình huống dở khóc dở cười. Bấy lâu nay, anh phải chắt chiu vì muốn có đồng ra đồng vào lo vợ con, lo khi đau khi ốm, trái gió trở trời, không dám hoang phí một đồng. Ngày nọ đi làm về, anh thấy vợ và em gái “hổ hởi phấn khởi” với 2 cái váy mới trị giá bằng cả mấy tháng lương. Trời, anh choáng váng, chưa kịp nói gì đã nghe lời ỏn ẻn: “Đẹp không anh? Hàng hiệu đó”. Anh cố điềm tĩnh: “Ai mua tặng vậy em?”. Vợ trả lời “hồn nhiên như cô tiên”: “Ai vào đây nữa anh yêu?”. Thì ra, khoản tiền dành dụm lâu nay đã không cánh mà bay. Anh giận quá, những muốn mắng một câu cho đỡ tức nhưng đành nuốt cục tức ực xuống họng và quay mặt đi chỗ khác.
Có những người đàn ông vì ở rể mà dần dà trở nên nhu nhược. Chung sống với nhau, anh mới biết nàng quen thói bừa bãi, cẩu thả bởi cứ xem phòng ngủ, phòng khách như cái nhà kho! Anh vừa há mồm ra nhắc nhở, lập tức gia đình vợ đã lao vào xỉa xói ngay, bởi họ bị “chạm nọc”. Lâu nay nhà mình vẫn thế, có chết ai, tự nhiên “thẳng chả” ở tận đẩu tận đâu lại lên mặt “dạy đời”. Ai mà không tức? Nó muốn “gấu ó” với vợ thì mặc xác nếu là nhà riêng của nó, còn đây đừng hòng!
Đã thế, có bà mẹ vợ còn nanh nọc một câu mới nhẹ nhàng làm sao: “Ở rể còn không biết thân biết phận”. Ừ, đúng quá, mình là ai, là gì trong cái nhà này? Chẳng là gì cả. Người ta vẫn nói mình là “chó chui gầm chạn”, có khi cũng chẳng sai.
Ai đời, đứa em ở quê đi thi; ông chú lên thành phố khám bệnh; mẹ đẻ vào thăm cháu nội nhân tiện tránh bão lụt ngoài quê… muốn tá túc vài ngày, mà cứ thấy khó xử quá!
Rồi bạn bè chí thân, sống chết gắn bó như hình với bóng của thuở hàn vi có lúc muốn ghé thăm nhà. Chẳng lẽ chỉ ngồi nói chuyện với nhau bằng nước lã rồi chia tay? Thế thì bày biện ra đãi bạn có được không? Ừ được, nhưng lúc ấy cũng khó có thể “tự tung tự tác” cho đáng mặt chủ nhà.
Nói thì nói thế, vẫn có những người “chung sống hoà bình” với gia đình vợ. Nhưng cho dù có được như vậy đi nữa thì vẫn không thể kéo dài tình trạng “ăn đậu ở nhờ” mãi. Cứ ngồi mà suy luận, ta sẽ thấy còn có biết bao tình huống éo le khác. Nói gì thì nói, khi đàn ông đã lập gia đình, tất yếu phải ở riêng chứ không thế bấu víu mãi vào nhà vợ. Câu tục ngữ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” khi nghiền ngẫm, ta thấy lời khuyên ấy chí lý lắm. Rất chí lý bởi khi ở rể, người đàn ông khó có thể phát huy hết khả năng “xây nhà”, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng.
BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU: