Muôn ngàn lý do tuyển ôsin “ngoại"
Những gia đình thuê ôsin “ngoại” đều là các gia đình có thu nhập cao và sống tại khu cao cấp như khu Thảo Điền, quận 2 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM.
Chị Kiều X., nhân viên truyền thông cho biết: “Chồng mình là người Đan Mạch, nên trong gia đình chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh. Vì thế, mình tuyển ôsin người Singapore. Chị này làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu và nói tiếng Anh tốt nên các con của mình cũng có cơ hội trau dồi thêm tiếng Anh giao tiếp”.
Tình cờ, phóng viên làm quen với một em gái tên Wang L, người Malaysia. Nhìn em thật xinh tươi, ngày ngày bế chó đi dạo, cứ tưởng em là cư dân sống trong cùng khu nhà của bạn mình.
Trò chuyện thì được biết, em làm ôsin cho gia đình này từ khi họ sống và làm việc tại Malaysia. Khi họ về nước, cả gia chủ và ôsin đều quý mến nhau nên em theo họ sang Việt Nam tiếp tục làm ôsin. Và… bế chó đi dạo là một trong những công việc hằng ngày của em.
|
Ảnh minh họa. |
Một chị sống tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM chia sẻ: “Thật ra, mình cũng đã tuyển ôsin nội rồi nhưng họ làm việc không chuyên nghiệp bằng ôsin ngoại. Hơn nữa, họ mắc bệnh hay buôn chuyện làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình mình. Chính vì ôsin buôn chuyện mà bố mẹ chồng hiểu sai về mình, dẫn đến những việc rắc rối khác. Giờ thì ổn rồi, mình thuê ôsin ngoại nên việc giao tiếp giữa ôsin và ông bà hầu như không có, chỉ gói gọn trong những câu thông thường liên quan đến việc nhà”.
Mỹ H. là giám đốc khách hàng của một NH nước ngoài tại Việt Nam nên rất bận rộn với lịch làm việc trong Nam, ngoài Bắc và thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Trước đây, đã có thời điểm chị phải thuê tới 2 ôsin “nội” mà mọi việc vẫn không ổn.
Đã phân công mọi việc rõ ràng rồi, một cô phụ trách việc trông em bé, một cô phụ trách việc nấu ăn, dọn dẹp. Vậy mà đôi khi chị phải đứng ra hòa giải bất hòa của 2 cô ôsin này bắt nguồn từ việc tị nạnh nhau trong công việc.
Hôm thì “kiện cáo” về việc tưới cây cảnh, cắt cỏ trong sân chơi, hôm thì việc lau cầu thang chung, hôm thì không ai đưa chó đi dạo… Bây giờ, chỉ có một ôsin “ngoại” thôi mà giải quyết tất cả mọi công việc của 2 cô ôsin “nội” một cách nhanh gọn, nhẹ nhàng.
Sính ngoại hay “của nội” không tốt?
Ôsin “ngoại” làm việc có tính chuyên nghiệp cao, bạn không phải mất công hướng dẫn họ sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong nhà.
Họ bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống tại Việt Nam, tuy rất cởi mở nhưng họ ít khi “buôn đi bán lại” những câu chuyện trong gia đình bạn.
Họ thật sự xứng đáng với mức lương bình quân hiện nay là 10 – 12 triệu đồng một tháng. Thế nhưng bên cạnh đó, không phải không có những bất cập khi sử dụng lao động là người nước ngoài.
Bố mẹ chị Kiều X mỗi khi tới nhà chị chơi đều cảm thấy bất tiện trong môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Đến cả đứa cháu ngoại 3 tuổi cũng “xì xà xì xồ” tiếng Anh mỗi khi nói chuyện với ông bà. Sau khi được ông bà góp ý, bây giờ chị đã bớt thời gian để dạy con nói tiếng Việt mỗi tối.
Wang L tâm sự: “Em theo đạo Hồi nên giữa em và gia đình chủ nhà có những bất tiện trong việc chế biến món ăn và sinh hoạt cá nhân, nhưng cả đôi bên cùng cố gắng khắc phục. Em cũng chỉ làm khoảng 1 – 2 năm nữa rồi về nước lấy chồng”.
Gia đình chủ nhà của Wang L chia sẻ: “Đã có nhiều hôm gia đình phải cố ăn những món mà em đó cho quá tay bột cari và ớt theo thói quen dù đã được nhắc nhở”. Sau một thời gian “thở phào nhẹ nhõm”, hoàn toàn yên tâm giao phó việc nhà cho cô ôsin người Malaysia thì chị Mỹ H “tá hỏa” khi phát hiện ra con mình đang dùng một thứ tiếng Anh không chính thống.
Ví dụ, “ok” bao giờ các con cũng dùng “ok la” đúng theo cách nói thông thường của người Malaysia. Chị đang loay hoay tìm cách khắc phục vì tiếng Việt thì còn dạy theo chuẩn được, chứ tiếng Anh cũng khó bởi các con thường tiếp xúc với cô ôsin kia suốt thời gian ở nhà.
Được biết hiện nay có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam, thậm chí cả những người đã tốt nghiệp ĐH ứng tuyển vào vị trí giúp việc nhà cho các gia đình người nước ngoài tại Việt Nam với mức lương trung bình từ 5 – 7 triệu đồng một tháng.
Họ phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn như sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng văn phòng... Công việc của họ không chỉ nấu ăn, dọn dẹp mà còn phải kiêm thêm việc nhận email, fax…
Thu A, một sinh viên ngoại ngữ tâm sự: “Tốt nghiệp xong, em xin việc khắp nơi không được. Tình cờ có chị bạn giới thiệu em vào làm thử công việc này. Bây giờ, em thấy công việc cũng phù hợp nên ngại tìm công việc khác. Sắp tới, em sẽ học lái xe để đưa đón con cho chủ nhà, kiếm thêm chút thu nhập ngoài lương”.
Chị L, ngoài 40 tuổi, hiện đang giúp việc nhà cho một gia đình người Anh tại Hà Nội chia sẻ: “Dù ngoại ngữ và kỹ năng văn phòng của chị chưa được tốt, nhưng chị được chủ nhà người Anh yêu mến vì những món ăn Hà Nội mà chị nấu rất ngon như nem, phở, bún chả, bún thang. Hơn nữa, mình chú tâm đến làm đúng giờ, sắp xếp việc nhà khoa học, cẩn thận thì họ cũng quý mến mình”.
Ngoài ra, hiện nay có những người đã từng xuất khẩu lao động đi các nước làm giúp việc trở về quê sau khi hết thời hạn hợp đồng. Họ thạo việc và việc sử dụng các trang thiết bị trong nhà họ đã được làm quen, nắm bắt khi ở nước ngoài.
Chị N, quê Hà Nam tâm sự: “Chị đã từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, ở bên đó chị làm giúp việc nhà và mức lương tính ra tiền Việt khoảng 10 - 12 triệu đồng một tháng.
Xa gia đình kiếm sống tuy có dễ dàng hơn ở Việt Nam, nhưng khi trở về thì gia đình không còn được như trước vì chồng chị đã có người khác và các con chị không cháu nào học hành đến nơi đến chốn.
Bây giờ, chị cũng muốn đi làm giúp việc nhà nhưng ở Việt Nam dù mình có làm việc tốt, lương chỉ khoảng 3 triệu đồng một tháng. Giá như có chỗ nào lương cao hơn một chút thì chị sẽ đi ngay”.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao người sử dụng lao động và người lao động Việt Nam không tìm được tiếng nói chung giữa cung và cầu? Phải chăng, những gia đình người Việt Nam có điều kiện đã quá “ngán” cách làm việc cũng như ứng xử không chuẩn mực của ôsin nội? Hoặc họ bị ảnh hưởng theo trào lưu sính ngoại?
Về phía người lao động, khi làm việc với chủ nhà là người nước ngoài thì luôn tự hoàn thiện mình để theo kịp những tiêu chí do họ đặt ra. Nhưng cứ hễ quay lại làm việc cho chủ nhà là người Việt thì lại sao nhãng và buông tuồng, làm được chăng hay chớ vì quan niệm chủ Việt dễ dãi hơn “chủ tây”. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả lao động trong nước, làm công việc phổ thông đều “chất lượng kém”.
Trong số những người lao động Việt Nam, cũng có những người làm việc với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. Một bạn nhận lương 2,5 triệu đồng một tháng với công việc tới trang điểm cho giám đốc của một bệnh viện tư nhân mỗi buổi sáng. Mức lương không phải là cao nhưng sáng nào cũng vậy, dù nắng nóng hay mưa dầm gió bấc bạn vẫn vượt quãng đường 10km tới làm công việc của mình đúng giờ, trừ khi chủ nhà đi công tác hoặc ngày nghỉ cuối tuần.
Sau đó, bạn lại tới cửa hàng làm tóc của mình với công việc thường nhật. Có những người ôsin “nội” gắn bó với gia đình chủ nhà tới lúc già, và họ trở thành một người thân không thể thiếu trong gia đình đó với sự tận tâm trong công việc.
Đã đến lúc người sử dụng lao động hãy đặt sang một bên những thành kiến với ôsin “nội” và chính những người lao động hãy tự hoàn thiện mình hơn nữa để chúng ta tìm được điểm chung: “Người Việt dùng ôsin Việt”.