Chị - một người đàn bà không có vẻ đẹp rạng ngời, vóc dáng nhỏ bé nhưng tấm bằng tiến sĩ ở nước ngoài cùng tài ứng xử, nói năng đầy sức thuyết phục, luôn khiến những người đối diện, nhất là đàn ông ngưỡng mộ. Vậy mà, chồng chị lại không như vậy. Anh luôn cố tìm mọi cách để “dìm hàng” chị…
Ra Tết, bạn bè cũ tụ tập ngoài quán để “hàn huyên”. Như thường lệ, chị nổi lên như một “ngôi sao sáng” với vai trò dẫn dắt câu chuyện, hướng mọi người vào những đề tài gai góc nhưng đầy thú vị. Anh lặng lẽ ngồi bên cạnh, vẻ mặt vô cảm giữa lúc mọi người đang hào hứng tranh luận về đề tài “làm ăn thế nào trong năm mới”. Chờ mọi người lắng xuống, anh buông một câu: “Bà có giỏi giang thì làm sao “chắp cánh” cho con bé nhà mình bay sang Mỹ để du học ấy, chứ đừng có ngồi đây mà nói phét!”.
|
Ảnh minh họa. |
Câu nói của anh như gáo nước lạnh dội vào mọi người, trong đó có lẽ chị là người cảm nhận rõ nhất sự lạnh lẽo và độc địa ẩn chứa trong đó. Bởi cô con gái duy nhất của anh chị dường như không được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của mẹ, mà lại có phần… giống bố: Ù lì, thiếu năng động nhưng lại hay đố kỵ. Kết quả học tập của nó chỉ luôn ở mức “học sinh tiên tiến”, mặc dù cô giáo đã cố gắng vớt vát để cứu vãn thành tích học tập của cả lớp.
Chị khéo léo chuyển đề tài, nhưng anh vẫn tỏ vẻ khó chịu. Lát sau, anh lẳng lặng bỏ ra một bàn khác ngồi một mình, mặc cho bạn bè xì xào, nhìn ngó. Thái độ của anh cũng khiến chị… mất hứng, và cuộc hàn huyên của đám bạn cũng “rã đám” sau đó ít lâu.
Về nhà, chị cố gắng giữ im lặng. Vì quá hiểu tính khí của chồng nên chị tìm cách tránh một cuộc cãi vã vô bổ. Về phần anh, sau vài câu châm chọc mang tính “gây sự” nhưng thấy “đối thủ” không có phản ứng, cũng lẳng lặng tìm một góc riêng để ôm lấy chiếc iPad chơi game đến khuya.
Ngày hôm sau, hết giờ làm việc chị mời một số đồng nghiệp về nhà chơi. Anh không ngồi cùng, chỉ thỉnh thoảng đi qua đi lại, nhưng vẫn cảm thấy khó chịu khi nghe mấy đồng nghiệp nam hết lời ngợi khen vợ mình, nào là đảm đang, nào là khéo thu xếp gia đình… Cho đến khi nghe một người nào đó “tung hô” vợ mình là “nữ tướng” thì anh… hết chịu nổi. Anh cố ghìm mình, nhưng trong đầu thì bao ý nghĩ quay cuồng: Phải chăng, họ bảo vợ mình là “nữ tướng” thì ám chỉ mình là… lính hầu? Họ nói thế liệu có phải chê mình là vô tích sự, chẳng làm được gì?...
Chờ mọi người ra về, anh gọi chị lại với giọng bực dọc: “Từ nay, tôi không muốn cô lôi mấy người đó về nhà nữa đâu. Chỉ toàn ăn nói lăng nhăng, chẳng coi ai ra gì!”. Chị tính “rút êm”, nhưng anh kiên quyết bắt chị phải giải thích về hai chữ “nữ tướng”, kèm theo hàng loạt “bình luận” do anh tự nghĩ ra. Chị cười: “Họ bảo em là “nữ tướng”, thì anh cũng là “nam tướng”, có ai làm gì hạ thấp giá trị của anh đâu”. Nhưng anh vẫn không chịu. Chẳng gì thì anh cũng là người đàn ông duy nhất của gia đình, nói theo các cụ ngày xưa thì chính anh mới là “trụ cột”, làm gì có chuyện “nữ tướng” với “nam tướng” ở đây! Chị gật đầu tỏ ý dàn hòa: “Thì thế cũng được!”.
Tình cờ, vài ngày sau gặp hai đồng nghiệp của vợ ngoài quán cà phê. Họ vờ không nhìn thấy anh, ngồi rì rầm nói chuyện với nhau, anh nghe loáng thoáng trong câu chuyện những lời nhận xét về vợ mình. Riêng câu “Tuy không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn” thì anh nghe rất rõ. Phải chăng, họ ví vợ anh là… chai bia Sài Gòn lùn – loại bia mà anh mê nhất?
Câu nói đụng chạm đến “triết lý rượu bia” ấy khiến anh giật mình. Phải chăng trong cuộc sống, anh chưa bao giờ biết “ngước nhìn” khi luôn để lòng đố kỵ, tính gia trưởng lấn át cả lý trí và tình cảm?...