Nhà chồng chị rất nghèo, gọi là nhà nhưng chỉ là một túp lều, diện tích đủ kê một cái giường đơn cho người cha phải nằm một chỗ sau tai biến, và một cái giường đôi cho hai anh em ngủ chung. Trường học cách nhà chục cây số, hai anh em sáng sớm nhịn đói chở nhau trên chiếc xe đạp đi học, trưa về vội cất sách vở chạy từ đầu làng đến cuối xóm tìm việc xin làm thuê.
Chồng chị không được thông minh như em trai nên học xong chương trình phổ thông ở mức trung bình thì anh đi làm thuê, tự nguyện gánh vác việc kiếm tiền và chăm sóc cha cho em trai học hành. Chị quen anh trong một mùa thu hoạch cà phê, khi hai người cùng hái thuê cho một chủ rẫy. Nghe anh tâm sự chuyện nhà và ước mong kiếm tiền thay túp lều 20m2 bằng tường gạch để trời mưa bão không sợ bị gió thổi bay, chị thương.
20m2 tường gạch mọc lên trước ngày cưới gần như hoàn toàn là công sức của chị, vì tiền anh làm ra phải chi tiêu cho bệnh tật của cha.
|
Ảnh minh họa. |
Hai đứa con lần lượt ra đời, làm thuê theo ngày chẳng dành dụm được gì, anh theo bạn bè đi làm thợ công trình, cơm chủ nuôi, lương cuối tháng lãnh một cục. Anh tính toán, cuối năm dư được chừng này, chịu khó vài ba năm thì được chừng này... Cũng đáng với cái giá phải xa vợ con. Chỉ tội cho chị phải gồng gánh mọi chi tiêu hàng ngày và cũng vì vậy mà em trai dở dang giấc mộng giảng đường, phải ở nhà chăm sóc cha.
Nhưng, cuộc sống xa nhà còn có những cái giá khác mà chỉ người trong cuộc mới thấm. Tiền lương của anh tan biến dần theo những cuộc vui quán xá mà những lúc tỉnh ra, sự nuối tiếc đã khiến anh lao vào cờ bạc để gỡ gạc. Càng gỡ càng thua, càng thua càng sinh đủ chuyện…
Vợ chồng đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng thì tin đứa em trai sau ba năm nghỉ học vì cảnh nhà nay đã thi đậu trường y như một cơn gió mát lành. Cần có người chăm sóc cha cho em đi học, một lý do quá chính đáng để chị kéo anh về.
Anh từ bỏ cuộc sống công trình nay đây mai đó, bắt đầu lại như xưa là đi làm thuê theo thời vụ, chị thì vẫn tận dụng đất trống quanh túp lều để trồng rau, nuôi gà, mua bán lặt vặt quanh xóm. Chị tằn tiện, chắt bóp… Rồi, chị khóc ngất khi cái lon đựng tiền chỉ hai vợ chồng biết chỗ cất giấu không cánh mà bay. Anh lại lao vào cờ bạc để mau có tiền, hậu quả là thua sạch.
Giữa lúc thấy đời mình thật mịt mù thì thư em chồng gửi về một lần nữa lại như làn gió mát lành. Em chồng được cấp học bổng, sau đó còn có thêm tài trợ của một doanh nghiệp, em tính toán: tiết kiệm mỗi tháng được 500.000đ gửi về phụ chị chăm sóc cha. Em chồng biết anh mình hư nên cẩn thận dặn dò số tiền đó chị đừng nói cho anh biết.
Sự tin cậy của em chồng giúp chị vượt qua nỗi buồn tủi. Chị lau nước mắt, nhất định không phụ lòng tin của chú nó. Đến bữa, chị nấu riêng đĩa thức ăn ngon cho cha chồng, nhìn cháu thèm thuồng, ông nội chỉ khều khều vài miếng rồi bảo con dâu gắp hết vào chén của mấy đứa cháu. Thấy ông nhường cho cháu nội mà chị vui đến chảy nước mắt. Lại thấy cuộc đời không đến nỗi nào, lại thấy như được phục hồi sức lực để tiếp tục bươn chải. Tối, chồng nhậu say về lè nhè gây sự với vợ, hỗn láo với cha, chị thầm thì dạy con “mai mốt lớn lên đừng bắt chước cha, hãy noi gương chú”. Cha chồng bất lực chỉ biết ngồi lặng nghe con trai nhiếc móc mà chẳng thể làm được gì. Chị an ủi ông bằng cách biết tờ báo nào có bài viết khen ngợi em chồng hiếu học vượt khó là tìm mua đem về cho cha chồng đọc, rồi xếp lại thẳng thớm đặt dưới gối của ông. Những khi thấy chị cực quá, ông lại an ủi chị là trời có mắt, bây đừng buồn nhiều, khi nào em học thành tài, thế nào cũng bù đắp cho bây và mấy đứa nhỏ.
Chị kể cho các con nghe về chú như chuyện cổ tích về chàng trai nghèo ham học và hiếu thảo. Chị truyền cho hai đứa con niềm nể phục của mình đối với em chồng và cả niềm hy vọng thầm kín về tương lai con mình sẽ được người chú thành đạt dìu dắt.
Bảy năm trôi qua, em chồng tốt nghiệp loại giỏi, được một bệnh viện tư ở thành phố mời làm việc. Chàng trai nhà quê ngày nào đã trở thành người đàn ông chững chạc khác xa lời kể chuyện hàng đêm của mẹ, khiến hai đứa con của chị hít hà ngạc nhiên trước người chú thần tượng. Hàng xóm trầm trồ khen ngợi, chị thì rất tự hào được là chị dâu của một bác sĩ.
Em chồng nói sẽ cưới vợ ở thành phố, mua căn hộ chung cư trả góp để đón cha về. Làng xóm khen người cha có phước, bệnh tật mà được có con là bác sĩ chăm sóc thì còn gì bằng. Chị thì phập phồng chờ đợi em chồng bàn chuyện chia thừa kế sau khi đưa cha đi. Mảnh đất bèo bọt đã trở nên có giá nhờ con đường mới mở phóng ngang qua. Bảy năm làm dâu, ngày thì cơm bưng nước rót, lau rửa mọi điều; nửa đêm thức dậy bưng bô… Em chồng hiểu biết chắc sẽ ghi nhận công lao đó, phần chia cho vợ chồng chị nhỉnh hơn. Lần này chị sẽ quyết giữ, không để chồng nướng vào cờ bạc. Sẽ mua một cái rẫy để vợ chồng làm ăn căn cơ, còn lại thì gửi mấy đứa con ra phố trọ học…
Cuộc phân chia khác xa chị tưởng. Em chồng vừa xếp áo quần của cha vào va ly vừa nhỏ nhẹ đề nghị chia bốn - một cho anh, một cho em và hai phần cho cha vì tuổi càng cao thì càng tốn kém thuốc men.
Chị hụt hẫng nhận ra em chồng đã rất khác. Mà, chồng chị thì vẫn như xưa, chỉ biết nổi nóng mỗi khi không vừa lòng chứ không biết lý lẽ. Mà lý lẽ sao được, em nói vậy mà mình phản đối thì hóa ra mình tranh giành phần của cha sao? Chồng chị không nói thành lời được nên đá thúng đụng nia rồi bỏ đi uống rượu.
Chị buồn, rồi lại thấy thương cha chồng. Cái cách ông sai mấy đứa cháu lấy xấp báo cũ dưới gối vứt đi là cay đắng ghê lắm. Bệnh tật khiến ông không những chẳng có quyền lực của một người cha mà còn trở nên nhỏ bé trước con của mình. Đứa con thành đạt mà ông đặt biết bao kỳ vọng hóa ra chỉ là một kẻ tham lam khôn khéo, sự chăm sóc cha là một cái cớ đẹp đẽ.
- Cha coi như chẳng có đứa con trai nào - cha chồng chị nói, trong nước mắt - Nếu con không sợ khổ thì cha ở lại đây, con như là con gái của cha. Chia cho cha mấy phần thì cha cũng cho con hết.
Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình đó lại như một cơn gió mát lành. Chị lại thấy đời cũng không đến nỗi...