Chết cười chuyện bố đoảng “đánh rơi” con

Google News

Thi thoảng, khi được giao nhiệm vụ trông nom, đưa đón con, nhiều ông bố vô tâm để con bị lạc một cách vô cùng lãng xẹt và buồn cười.

Quên con - chuyện thật như bịa
Cách đây ít ngày, nhiều người cười đau bụng vì chuyện một ông bố ở Hải Phòng được đăng lên báo. Sáng 26/11, người đàn ông này chở con trai 5 tuổi đi học, chiều đến đón về thì cô giáo bảo cháu hôm nay không đến lớp. Lúc này, anh mới nhớ ra sáng nay đã bỏ quên thằng bé khi ghé đổ xăng dọc đường, vội đâm bổ đến trạm xăng để tìm, nhưng cũng không thấy. Hỏi ra mới biết cháu bé bị bỏ rơi khóc mếu khóc máo đã được đưa về đồn công an. Lúc ông bố vô tâm tìm đến, thằng bé vẫn đang khóc vì nhớ bố mẹ và vì sợ.
Câu chuyện được nhiều người quan tâm bởi tính hài hước đến từ sự khó tin, "thật như bịa" của nó. Nhưng những chuyện như vậy xảy ra trên thực tế khá nhiều, và người bỏ quên con hầu hết là các ông bố.
Anh Long, 38 tuổi, sống ở Hoài Đức, Hà Nội, thỉnh thoảng vẫn bị vợ trêu về vụ "đánh rơi" con gái dọc đường. Lần đó anh chở con đi ăn giỗ, qua hàng trái cây thì dừng lại để mua lễ thắp hương. Mua xong, anh treo túi trái cây vào xe, ngồi lên rồi bảo: "Lên đi con gái". Vừa đi, anh vừa nói chuyện với con, thao thao bất tuyệt mãi không thấy nó trả lời mới quay lại và hốt hoảng vì sau lưng không có ai cả.
"Con bé nhà tôi nó còi, người nhẹ bẫng, ngồi sau xe cũng cảm giác như không, nên tôi cứ tưởng nó lên rồi chứ ai mà biết nó chậm chạp vậy", anh Long thanh minh. Lần đó, anh hết hồn tưởng mình phóng nhanh quá khiến con văng ra, rơi học đường rồi. Lo ngay ngáy không biết con bé có bị gãy chân trợt da, hay nói dại, có bị xe nào đi qua tông phải không, anh hộc tốc quay lại tìm.
Đến chỗ mua trái cây lúc nãy, Long thấy con gái ngoan ngoãn ngồi cạnh bà bán hàng, đang ăn quả quýt bà ấy cho. Bà bán trái cây bảo làm bố kiểu gì mà con chưa lên xe đã phóng, bà đã cố gọi mà không được.
Ảnh minh họa. 
Còn anh Thịnh, 31 tuổi, Hà Nội, mỗi lần bị nhắc chuyện mải nhậu quên cả con thường cố "giảm nhẹ tội" cho mình bằng cách đổ tại con ngoan quá. Số là lần đó, giúp việc về quê mất, giờ tan sở của Thịnh sớm hơn vợ nên anh được giao nhiệm vụ đón con ở nhà trẻ. Hôm ấy lại đúng lịch nhậu của anh với mấy ông bạn nhân dịp một ông mới từ trên núi xuống, nên đón con xong anh đưa nó đi nhậu cùng.
Thằng con 3 tuổi của Thịnh ngoan ngoãn ngồi cạnh bố trong quán rượu, ăn khoai tây chiên. Lát sau, mấy ông bạn của anh đốt thuốc lá mù mịt. Sợ con hít phải nhiều nicontin độc hại, nhân thấy mấy cô nhân viên nhà hàng có vẻ thích thú với con mình, anh gửi luôn thằng bé cho các cô nhờ trông hộ. Thế là yên tâm, thoải mái, Thịnh nhắn một cái tin cho vợ khỏi lo rồi tha hồ chém gió, uống tràn cung mây.
Đến lúc đứng dậy chia tay "chiến hữu" thì anh Thịnh hoàn toàn không nhớ là mình có thằng con cần mang về cùng. Anh cứ thế phóng về nhà, ngật ngưỡng bước vào to tiếng nhờ vợ pha cho bát mỳ tôm. Khi vợ to tiếng hỏi lại: "Con đâu" thì anh mới giật mình tỉnh rượu, miệng kêu chết rồi chết rồi liên tục. Hai vợ chồng quay lại nhà hàng, mới biết thằng bé chơi chán, tìm bố không thấy thì khóc hết nước mắt, khóc mệt quá ngủ vùi trên ghế.
Chị Hoàng Anh, bà mẹ hai con sống ở Đào Tấn, Hà Nội, thì kể: "Thường thì tôi đón cả 2 con, đón đứa nhỏ là thằng Bi ở gần công ty trước rồi đi đón đứa lớn, là thằng Bin, trên đường về nhà. Nhưng hôm đó tôi không về sớm được nên nhờ chồng đón thằng lớn, còn tôi sẽ đưa thằng nhỏ về công ty làm việc thêm chút nữa".
"Cũng vì mải làm nên tôi đi đón Bi muộn hơn ngày thường 10 phút, nhưng đến nơi không thấy con đâu. Cô giáo ngơ ngơ ngác ngác, tìm gọi Bi không được, mãi sau một cô khác không biết đi đâu về, bảo lúc nãy bố đón rồi. Tôi hoảng vì sợ có ai giả danh bắt cóc con mình, một là vì tôi không nhờ chồng đón Bi, hai là cũng chưa giới thiệu anh với các cô bao giờ, sao các cô lại dám cho đón".
"Tôi gọi ngay cho chồng để hỏi, hóa ra anh đón Bi thật, hai bố con đang ăn gà rán trong hiệu KFC. Tôi lại hoảng thêm lần nữa, sao lại hai bố con, phải là ba chứ. Chồng nói, ba là thế nào, em bảo anh đón Bi thì anh đón Bi thôi chứ. Tôi bảo đâu có, em đã nói rõ là anh đón Bin, còn Bi ở gần công ty em, em đón mà. Rốt cục hôm đó, Bi thì hai vợ chồng tranh nhau đón, đến nỗi tưởng con bị bắt cóc mất rồi, còn Bin thì đứng chờ dài cổ ở trường trong khi bạn bè đã về hết".
Hôm đó về, hai vợ chồng cãi vã rồi đổ lỗi cho nhau. "Bin với chả Bi, loạn hết cả lên, ai mà phân biệt được. từ giờ tên khai sinh của chúng nó thế nào thì gọi đúng thế đấy, không Bin Bi gì hết".
Lạc mất con ngay trong... nhà
Chuyện lạc con của vợ chồng nhà Hưng (Đống Đa, Hà Nội) càng buồn cười hơn. Hôm ấy con trai học lớp 4 của họ được nghỉ học vì nhà trường đại hội công nhân viên chức, vợ Hưng phải đi công tác Hòa Bình từ sáng đến chiều nên Hưng có nhiệm vụ lo cho con. Hai bố con ở nhà xem ti vi, chơi điện tử, đến trưa thì kéo nhau đi ăn cơm bụi.
Trên đường về, qua góc công viên gần nhà, thấy mấy người quen đang túm tụm đánh cờ, anh Hưng ghé vào, dựng xe rồi lại chầu rìa. Thằng con ngồi chờ mãi sốt ruột quá, giục về thì bố rút ví đưa cho 10.000 đồng, bảo ra kia mua kem với bim bim mà ăn, rồi lại chúi mũi vào bàn chờ. Đến 5 giờ chiều, vợ gọi điện hỏi hai bố con đang làm gì, anh mới giật mình nhìn quanh, chẳng thấy con trai đâu cả, hỏi những người xunh quanh cũng không biết.
Kinh hoàng, anh Hưng chạy khắp công viên và những hàng quán, gốc phố xung quanh tìm con nhưng bặt vô âm tín. Vợ anh cũng đến, hai người gặp ai cũng hỏi, chạy cả ra đồn công an và mấy bệnh viện gần đó cũng chẳng có thông tin gì, sợ quá khóc hu hu. Tối mịt, hết cách, họ bảo nhau về nhà suy nghĩ một chút, và còn nhắn tin tìm trẻ lạc trên mạng. Vợ Hưng mở cửa, thấy cậu quý tử đang ngồi cầm iPad chơi game. Nó ngẩng lên bảo: "Bố chơi gì lâu thế, con đói lắm rồi mà chẳng có gì ăn".
Hai vợ chồng mắt chữ O mồm chữ A hỏi con về lúc nào, làm sao vào nhà được, thằng bé đáp: "Thì con cầm chìa khóa, lúc trưa đi ăn cơm, bố bảo bố bận dắt xe thì con phải khóa cửa mà. Con về từ lúc 3 giờ, lúc đó con có nói với bố là con về nhà đây, bố không nhớ à?". Hưng nghệt mặt ra. Nào anh có nhớ hay có nghe con trai bảo là nó về trước bao giờ, bởi anh còn bận để hết tâm trí vào bàn cờ rồi.
Chuyện quên con của anh Tịch, nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội, cũng lãng xẹt không kém. Trường con nghỉ giữa tuần, anh phải mang con gái lên cơ quan vì công việc của vợ phải chạy thường xuyên, không mang con theo được. Ở cơ quan bố, các cô trẻ rất thích cô bé, hết cô này đến cô khác rủ qua bàn cô chơi, trưa cũng ăn với các cô nên bố khỏe re.
Đến chiều, anh Tịch có việc phải ra ngoài, bèn dặn con nếu chán trò chuyện với các cô thì dùng máy tính của bố mà chơi game hoặc xem xem clip ca nhạc. Anh đi gặp đối tác, làm mấy việc nữa, xong việc thì về nhà luôn không ghé cơ quan nữa. Thấy vợ nhắn về muộn vì phải qua thăm bà ngoại bị mệt, Tịch bèn lục tủ lấy mỳ tôm ra úp, ăn xong nằm rung đùi xem ti vi.
Khoảng 7 giờ rưỡi tối, bác bảo vệ công ty gọi điện cho Tịch, bảo: "Nhậu ở đâu mà giờ vẫn chưa đến đón con?", anh mới sự nhớ ra con bé, vội vàng lao đến công ty. Bác bảo vệ nói, mọi người lần lượt ra về hết, đến người cuối cùng thì giao con bé lại cho bác trông giúp, chờ bố nó đến đón. Chờ mãi không thấy đâu, thương con bé quá, bác bảo vệ đành gọi điện khắp nơi xin số của Tịch giục anh đón con.
Kiểu quên con của anh Phúc, sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, còn suýt gây nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ. Số là anh đón con ở nhà mẫu giáo về bằng xe hơi. Vì ghế trước đang để một đống đồ, anh lười dẹp nên cho con ngồi ghế sau, cài dây an toàn. Nhà Phúc ở sâu trong ngõ hẹp, nên xe phải gửi ở sân một nhà máy ngoài đường. Hôm ấy anh đưa xe vào chỗ gửi, rồi thản nhiên đi bộ về, quên khuấy đứa con đang ngủ trong xe.
Gần 2 tiếng đồng hồ sau, vợ về hỏi đến con, anh mới sực nhớ, hốt hoảng chạy ra xe vì sợ con chết ngạt. May mà kính xe không kín, bé con cũng ngủ mới dậy nên chưa đến nỗi khóc hết cả hơi.
Trước những tình huống như vậy, các ông bố thường chống chế rằng ai chả có lúc đãng trí. Quả có vậy, nhưng dù đãng trí thì cũng có những chuyện không thể quên được nếu như nó canh cánh bên lòng. Mà chuyện con cái với những ông chồng này lại không thuộc dạng "canh cánh", bởi lâu nay đã có vợ lo. Năm thì mười họa mới được nhờ đón con, trông con, họ dễ dàng quên khuấy, và cứ ung dung nghỉ ngơi, nhậu nhẹt, "đánh rơi" con đâu đó ngoài đường...
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)