Vớt mớ củ kiệu ra khỏi nước tro, chiều nay lột nữa là xong. Nhà đã dọn dẹp, cửa kính sáng bong. Mấy ngày cuối năm nắng lớn, quá phù hợp để phơi tôm làm tôm khô, phơi rau củ làm dưa món.
Mình thích ngồi ngắm căn nhà sạch bóng thế này, cảm giác thật dễ chịu, còn hơn cả lúc nằm trong spa, được những ngón tay điêu luyện bấm huyệt và nghe hương thơm tinh dầu lan tỏa. Giờ chỉ có gió xuân đang tràn về mơn man. Ngồi mà ngẫm, năm trước nghe Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình công bố tỷ lệ sinh 100 gái trên 112 trai, biết đến bao giờ mới có con gái phụ làm bánh mứt. Thôi thì, đàn ông sạch nhà, đàn bà sạch bếp, không có con gái nội trợ thì có con trai dọn nhà.
Một năm trôi qua, cái được rõ ràng nhất là các con mỗi năm mỗi khôn lớn. Năm nay con trai lớn lên cấp II, vợ chồng mình đã đánh liều chấp nhận cho con qua lớp mới dù con thỏ thẻ: “Ba mẹ ơi, mấy bạn lớp này hay chửi thề!”. Quan điểm của mình là “Mẹ không thể bảo bọc con suốt cuộc đời, vào lớp quậy cũng như chích ngừa, sẽ tiêm một ít vi trùng vào cơ thể, cha mẹ sẽ bảo vệ và hướng dẫn con, để sau này ra xã hội, con biết cách tự bảo vệ mình”. Vợ chồng mình đã phân công cụ thể, chồng theo sát tâm sự với con lớn, vợ chăm lo cho các con nhỏ.
|
Ảnh minh họa. |
Phụ nữ ngày nay không phải là nữ cường nhân, không thể vừa cạnh tranh vươn lên vị trí đứng đầu ngoài xã hội lại toàn vẹn, hoàn hảo trong gia đình, nhưng điều gì quan trọng thì phải nâng niu. Mình đặt ra những giai đoạn của một năm để biết lúc nào thì nên nghiêng qua gia đình, lúc nào ưu tiên cho công việc. Nếu đã toàn vẹn cho gia đình và xã hội thì thế nào quan hệ với gia đình hai bên cũng thiếu hụt. Ngày trước lau bàn thờ chỉ có ông bà, giờ bắt đầu có thêm bố, nhìn bát nhang đầy hay vơi là biết một năm qua bao lần khấn nguyện cùng người đã khuất. Lòng chợt xót xa vì cha mẹ hai bên đã già, một người đã ra đi, thấy đau lòng vì bận rộn mà quên bẵng đấng sinh thành. Thỉnh thoảng mới tạt qua nhà, cười cười nói nói, gom thêm mớ thức ăn rồi ù về nhà mình. Về ăn trưa với cha mẹ được một bữa, cũng là cấu nhéo giờ của công việc!
Công việc! Công việc! Công việc! Lao động đem lại tiền và lấy đi nhiều thứ. Sức khỏe, thời gian và cả tình yêu. Nếu mình không biết cân bằng thì đồng tiền sẽ đem cả gia đình đi mất. Bình đẳng giới, không phải chỉ để đàn bà được quyền mặc quần như đàn ông mà để giải phóng phụ nữ khỏi gian bếp. Nhưng, sự giải phóng đó chưa chắc đã đem đến hạnh phúc cho người phụ nữ. Ra khỏi gian bếp, đàn bà chỉ còn là giới tính mà giới tính thì nhan nhản ngoài đường. Mình chợt nghĩ, bình đẳng giới để phụ nữ nắm quyền quyết định: quyết định nhà mình ăn gì? Đi du lịch ở đâu? Nên về nhà giặt đồ hay bỏ phứt đó đi spa? Năm nay mình sẽ chi bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiêu dùng và bao nhiêu để dành dụm?... Chợt bật cười vì nghĩ đến câu chuyện cười về vai trò quyết định những việc hệ trọng của đàn ông như: “Nên gọi Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm hay Mỹ Đình?”, “Gia đình mình nên bỏ phiếu cho ai?”… Gia đình hiện đại hôm nay là một sự hòa hợp, vợ nấu thức ăn thì chồng đặt nồi cơm, nếu có chuông cửa kêu thì ai ngồi gần người đó ra mở cửa.
Năm rồi thị trường bất động sản bình bình, nhiều nơi giá đứng hoặc giảm. Mình tranh thủ dành dụm mua thêm được một miếng đất nho nhỏ ở ngoại thành để trồng trọt. Niềm vui sở hữu và niềm vui sử dụng đều lâng lâng như nhau. Bây giờ, cuộc sống vội vã, bon chen, nhìn một mầm cây lớn lên cũng thấy lòng đằm lại. Vẫn hiểu biết đủ là đủ, nhưng tham vọng vươn lên và mục đích sống cao cả giúp cuộc sống này thêm ý nghĩa. Sau này, vợ chồng mình sẽ về miếng đất đó trồng cây, nuôi cá. Giờ thì mỗi cuối tuần về đó trồng trọt, dọn dẹp, cũng là một cách thư giãn và tiết kiệm chi phí đi du lịch.
Chỉ có một điều chưa làm được là dành nhiều thời gian hơn cho những người mình yêu thương. Nấu cơm cho con ăn nhưng không có thời gian ngồi bên cạnh vuốt tóc và nghe con tâm sự. Mua áo cho chồng nhưng chưa mua được cho anh ấy một ngày hai đứa ngồi riêng tư ôn kỷ niệm xưa. Gửi đồ ăn cho cha mẹ nhưng không ngồi ăn cùng cho hết bữa cơm. Ngồi với bạn nhưng lòng lo nghĩ việc cơ quan. Cần lắm một lần ngồi một mình lắng nghe khúc nhạc “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” để sống chậm lại thôi…