Vụ Tiên Lãng: Mẹ và vợ Phó Chủ tịch huyện cùng kêu oan

Google News

Mẹ và vợ ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cùng gửi đơn kêu oan cho con trai và chồng.

Liên quan đến vụ án hủy hoại tài sản tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, bà Phạm Thị Hà (SN 1966, vợ ông Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) đã gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hô%3ḅi và các cơ quan chức năng của Trung ương và TP Hải Phòng kêu cứu và đề nghị xem xét, minh oan cho chồng bà.
 
 Mẹ và vợ ông Nguyễn Văn Khanh cùng gửi đơn kêu oan cho con trai và chồng

Trước đó, ông Nguyễn Văn Khanh đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đề nghị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản công dân” trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ngày 5/1/2012.
 
Trong đơn kêu cứu, bà Hà cho rằng đã có một chủ trương chỉ đạo tiến hành điều tra vụ án hủy hoại tài sản không khách quan, hoạt động điều tra đầu tiên của cơ quan điều tra không vô tư, khách quan. Trong 4 bị can bị khởi tố thì chỉ ông Nguyễn Văn Khanh bị bắt tạm giam.
 
Bà Hà còn chỉ rõ bản kết luận điều tra có nhiều điểm mâu thuẫn, như trang 4 bản kết luận điều tra đề cập tới việc khoảng 15 giờ 30 phút ngày 5/1, khi tháo dỡ nhà trông đầm, đốt lều của ông Vươn xong thì tổ tháo dỡ về khu nhà trông đầm 2 tầng của ông Quý. Tại đây, ông Khanh bảo Phạm Đăng Hoan (khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) gọi điện thoại cho Vũ Văn Kết thuê máy xúc. Vậy mà 12 giờ 30 cùng ngày 5/1, Kết đã đến nhà Tổng đội Thanh niên xung phong gặp ông Khanh?
 
Chiều ngày 5/1, ông Lê Văn Hiền (khi đó là Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) chủ trì 2 cuộc họp tổng kết buổi cưỡng chế, nhưng lại được cho là không được nghe ai báo cáo, không biết gì về những sự việc xảy ra vào chiều ngày 5/1 tại khu vực cưỡng chế, do đó ông Hiền không biết gì về việc lực lượng cưỡng chế đã và đang phá nhà ông Vươn, ông Quý?
 
Bà Hà khẳng định, về chủ trương, quyết định thu hồi đầm trái pháp luật, quyết định cưỡng chế là của ông Hiền, ông Bùi Thế Nghĩa (nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Tiên Lãng). Trong thời gian chuẩn bị cưỡng chế, UBND huyện Tiên Lãng cũng như Ban chỉ đạo cưỡng chế đã họp nhiều lần và hầu hết đều do ông Hiền chủ trì và kết luận để bàn bạc kế hoạch cưỡng chế, phê duyệt thông báo 225.
 
Cụ thể, ông Hiền đã ký Quyết định số 4322/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 Trưng dụng 102 cán bộ tham gia thực hiện cưỡng chế, ở Điều 2 Quyết định này có viện dẫn Thông báo số 225/TB-UBND ngày 28-12-2011 của Ban chỉ đạo cưỡng chế. Như vậy, rõ ràng ông Hiền đã biết quá rõ có Thông báo số 225.
 
Tuy nhiên, trong các lời khai ông Hiền lại phủ nhận, cho rằng mình không biết thông báo đó, không biết thông báo có phần phá dỡ lều trông đầm…
 
“Với niềm tin tuyệt đối vào sự công bằng của pháp luật, tôi tin tưởng vào sự sáng suốt của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền cũng như niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, tôi khẩn thiết kêu cứu các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại tội danh cho chồng tôi” - bà Hà đề nghị trong đơn.  
 
Cùng với bà Hà, cụ Phạm Thị Bánh (76 tuổi, là mẹ của ông Khanh) cũng có đơn tới các cơ quan chức năng của Trung ương và TP Hải Phòng kêu cứu và đề nghị xem xét, minh oan cho con mình.
 
Theo đơn kêu cứu, cụ Bánh cho rằng việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đầm vùng của gia đình ông Vươn là do chủ trương của Huyện ủy và UBND huyện Tiên lãng, đồng thời đã được cấp trên đồng ý cho cưỡng chế. Vì thế, cụ cho rằng tội danh ông Khanh phải chịu là oan uổng.
 
Cụ Bánh bày tỏ, cả đời chỉ biết tin vào Đảng vào Nhà nước, vào công bằng của xã hội vậy  mà phải chứng kiến cảnh con trai mình đang phải chịu đựng thì thật quá xót xa.

TIN BÀI LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo NLĐ

Bình luận(0)