Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khiến những chiếc ôtô đời mới ngày càng an toàn và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, một số trang bị trên ôtô ngày nay đã từng xuất hiện trong quá khứ rồi lặng lẽ biến mất trước khi quay trở lại và lợi hại hơn xưa. Có những tính năng chúng ta tưởng là hoàn toàn mới nhưng trên thực tế đã được thử nghiệm hoặc đưa vào sử dụng cách đây vài chục năm. Những tính năng này có thể thất bại trong quá khứ vì công nghệ vào thời điểm đó chưa đủ để giúp chúng hoạt động hiệu quả hoặc đáng tin cậy.
|
Có những tính năng của xe ôtô chúng ta tưởng là hoàn toàn mới nhưng trên thực tế đã từng được thử nghiệm hoặc đã sử dụng trong quá khứ. |
Sau đây, xin mời các bạn khám phá 10 công nghệ trên ôtô từng "chết đi" rồi "sống lại" của ngành xe hơi thế giới.
1. Tăng áp
Công nghệ tăng áp trên ôtô hiện đã được phần lớn các hãng xe áp dụng cho động cơ. Chẳng những tăng sức mạnh cho động cơ mà không cần tới dung tích xi-lanh lớn, công nghệ tăng áp còn giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Được biết, công nghệ tăng áp đã ra đời từ đầu thập niên '60 khi tập đoàn General Motors (GM) tìm cách tăng công suất cho 2 mẫu xe Oldmsobile F-85 Jetfire và Chevrolet Corvair Monza. Tuy nhiên, sau đó, tập đoàn GM đã từ bỏ công nghệ này.
Đến thập niên '70, công nghệ tăng áp mới quay trở lại thị trường khi được dùng cho những mẫu xe hiệu suất cao như BMW 2002 Turbo 1974 và Porsche 911 Turbo 1975. Sau đó, công nghệ tăng áp tiếp tục được áp dụng cho xe máy dầu như Mercedes-Benz 300SD 1978.
Tuy nhiên, việc dùng công nghệ hút khí cưỡng bức cho xe máy xăng thông thường chưa thực sự được "phổ cập hóa" trên toàn cầu cho đến khi tập đoàn Volkswagen tung ra động cơ 1.8L của mình vào thập niên '90. Sang đến những năm 2010, tăng áp đã trở thành công nghệ không thể thiếu của động cơ.
|
Động cơ tăng áp của Volkswagen.
|
2. Đèn pha tự động
Để có được công nghệ đèn pha tự động trên phần lớn các mẫu ô tô ngày nay, chúng ta có lẽ phải cảm ơn Cadillac. Vào năm 1952, Cadillac đã tung ra công nghệ Autronic Eye hay chính là phiên bản đời đầu của đèn pha tự động. Tuy nhiên, công nghệ này vào thời điểm đó bị đánh giá là rất tệ. Autronic Eye tiếp tục được sử dụng cho đến đầu thập niên '80 dưới cái tên khác là Guide-Matic.
Phần lớn ô tô hiện đại đều có đèn pha tự động bật lên khi trời tối và tiếp tục chiếu sáng để dẫn đường cho người lái dù động cơ đã tắt. Đây là 2 công nghệ đã được hứa hẹn là sẽ có trong hệ thống Twilight Sentinel của tập đoàn GM vào thập niên '60.
Ngoài ra, đèn pha thích ứng hiện nay còn được cho là lấy cảm hứng từ những mẫu xe cũ như Citroën DS, Citroen SM và Tucker 48. Trong khi đó, đèn pha chiếu sáng theo góc đánh lái trên thực tế đã từng được trang bị cho ô tô từ thập niên '20 của thế kỷ trước.
|
Citroen SM 1972
|
3. Công nghệ ngắt xi-lanh
Để tiết kiệm xăng, một số hãng ôtô đã trang bị công nghệ ngắt xi-lanh cho động cơ khi xe không cần quá nhiều sức mạnh. Có một số mẫu xe hiện đang dùng công nghệ này như Audi, Ford Fiesta ST, Dodge hay Jeep.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng công nghệ này từng được trang bị cho Cadillac V8-6-4 vào năm 1981. Đây là ý tưởng được ra đời nhằm đối phó với khủng hoảng xăng dầu vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các hệ thống điện tử của xe lúc ấy lại chưa đủ để công nghệ ngắt xi-lanh hoạt động hiệu quả. Do đó, công nghệ này nhanh chóng bị bỏ rơi, mãi cho đến 2 thập kỷ sau mới quay trở lại và làm nên chuyện.
4. Cản va sơn cùng màu thân xe
Trừ khi muốn "gồng" để trông giống chiến binh off-road, ôtô hiện đại thường được trang bị cản trước/sau lắp mượt mà và sơn cùng màu thân xe. Đây là xu hướng thiết kế chung của ngành công nghiệp ôtô từ giữa thập niên '90 và lập tức khiến những mẫu xe sản xuất trước đó trông lạc hậu và lỗi thời.
|
Porsche 928
|
Hóa ra, thiết kế cản va như thế này đã từng được lắp cho Porsche 928 vào năm 1978, Chevrolet Corvette vào năm 1973 và Pontiac GTO Endura vào năm 1967. Thiết kế này đã phải mất vài chục năm mới quay trở lại và trở nên phổ biến trong làng xe thế giới.
5. Hệ thống đánh lái cầu sau
Hệ thống đánh lái 4 bánh đã không còn xa lạ với các hãng ôtô Nhật Bản chuộng công nghệ vào thập niên '80. Lúc đó, những mẫu xe như Honda Prelude và Mazda 626 đều được trang bị hệ thống đánh lái 4 bánh. Nissan Skyline GT-R lại dùng hệ thống đánh lái cầu sau khi quay lại thị trường vào năm 1989. Sau đó, các hãng ô tô dần trở nên ít mặn mà với công nghệ này.
Điều thú vị ở chỗ, hãng Nissan từng loại bỏ công nghệ đánh lái cầu sau trên mẫu xe GT-R của mình sau khi thế hệ R34 Skyline bị "khai tử". Ngay cả Nissan GT-R thế hệ R35, ra mắt vào năm 2007, cũng chỉ dùng hệ thống đánh lái cầu trước. Về sau, các hãng ô tô mới một lần nữa nhận ra lợi ích của công nghệ đánh lái cầu sau.
6. Hệ truyền động điện
Xe ôtô điện hiện chính là tương lai của ngành xe hơi thế giới. Đến năm 2030, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới sẽ bắt đầu "khai tử" xe dùng động cơ đốt trong để chuyển sang ô tô điện vốn sạch và yên tĩnh hơn. Trên thực tế, điều tương tự đã từng xảy ra trong giai đoạn cuối những năm 1890 và đầu những năm 1900. Vào thời điểm đó, các hãng ô tô từng bị ép phải dùng hệ truyền động điện cho xe.
Những mẫu xe động cơ xăng đời đầu vốn nổi tiếng là ồn, bốc mùi và nguy hiểm. Ngoài ra, chúng còn khởi động và lái phức tạp hơn đồng thời cần thường xuyên để mắt đến. Tuy nhiên, lúc đó, xe dùng động cơ xăng lại nhẹ hơn và rẻ hơn ô tô điện. Bản thân ô tô điện đời đầu vốn dùng ắc quy axit chì cũng vừa nặng vừa không thể dự trữ được nhiều năng lượng. Do đó, ô tô điện đời đầu chỉ đóng vai trò như cú hích cho xe dùng động cơ đốt trong. Phải 100 năm sau, ôtô điện mới có thể trở lại và trên đà lấn lướt xe động cơ đốt trong.
7. Bảng đồng hồ kỹ thuật số
Màn hình cỡ lớn đã thay đổi diện mạo của mặt táp-lô và cụm điều khiển trung tâm của xe trong 20 năm qua. Hiện nay, hầu hết mọi mẫu xe mới đều được trang bị màn hình kỹ thuật số để thay thế bảng đồng hồ analogue truyền thống. Thậm chí, một số mẫu xe như Mercedes EQS còn được trang bị màn hình bao phủ toàn bộ mặt táp-lô.
Bảng đồng hồ kỹ thuật số có lịch sử khá lâu đời khi lần đầu tiên xuất hiện vào thập niên '80. Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ đó, trang bị này đã bị hầu hết các hãng xe, đặc biệt là những thương hiệu châu Âu, bỏ bê. Nhờ những lợi ích thiết thực so với bảng đồng hồ analogue như khả năng hiển thị bản đồ định vị, trang bị này mới có cơ hội tái xuất. Dự kiến, bảng đồng hồ kỹ thuật số sẽ còn tiếp tục thịnh hành trong tương lai, nhất là khi Apple CarPlay sẽ sớm được tích hợp vào đây.
|
Bảng đồng hồ kỹ thuật số đời đầu trên Audi Quattro 1990
|
8. Tính năng trợ lý ảo
Tương tự bảng đồng hồ kỹ thuật số, tính năng trợ lý ảo cũng ra đời vào đầu thập niên '80. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tính năng này chưa thực sự thông minh và bị gán cho cái mác là chiêu trò quảng cáo. Hiện nay, tính năng này đã được cải tiến mạnh, ví dụ như Google Assistant. Nhờ tính năng này, xe không chỉ "nói chuyện" với bạn mà còn lắng nghe. Tất nhiên, cũng đừng mong là xe sẽ thực sự hiểu được những gì bạn nói.
9. Cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô
Ô tô điện không chỉ thay đổi cách chúng ta "nạp nhiên liệu" cho xe mà còn thay đổi cả nơi chứa đồ. Thay vì mở cửa cốp sau, chúng ta có thể mở nắp ca-pô và để đồ vào đây. Sở dĩ chúng ta có thể làm như thế vì ô tô điện không có động cơ đốt trong nên giải phóng không gian bên dưới nắp ca-pô.
|
Cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô của xe bán tải điện Ford F-150 Lightning
|
Tất nhiên, cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô không phải là ý tưởng chưa từng được nghĩ đến. Nếu sở hữu một vài chiếc xe thể thao với động cơ đặt giữa như Toyota MR2 đời đầu hay Porsche 911 với động cơ đặt sau, bạn sẽ không còn lạ lẫm với cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô. Cách đây khoảng 50 năm, hàng triệu chiếc ôtô ở châu Âu như BMW, Fiat, Renault, Skoda và Volkswagen đã được trang bị động cơ đặt sau khiến cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, hệ thống treo tay đòn di động khá đáng sợ và hệ thống đánh lái khó kiểm soát trên đường trơn trượt của xe dùng động cơ đặt sau đã khiến cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô không còn thịnh hành. Trang bị này đã phải "ngủ đông" một thời gian dài và chỉ hồi sinh nhờ ôtô điện.
|
Cốp chứa đồ dưới nắp ca-pô của Fiat 126p 1974
|
10. Động cơ xoay
Trong giai đoạn cuối thập niên '60 và đầu thập niên '70, hầu hết các hãng xe, từ Citroen cho đến Mercedes-Benz, đều hào hứng với động cơ xoay siêu mượt của Felix Wankel. Mercedes-Benz chưa từng trang bị động cơ này cho bất kỳ mẫu xe thương mại nào của mình.
Trong khi đó, hãng NSU và Citroen thì có. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, những hãng này đã phải ước rằng mình chưa từng làm như thế. Hãng Citroen của Pháp thậm chí còn cố gắng mua lại toàn bộ những chiếc ô tô dùng động cơ xoay đã bán ra thị trường của mình để tiêu hủy.
|
Mazda đưa động cơ xoay trở lại dưới vai trò tăng phạm vi di chuyển cho mẫu ôtô điện MX-30,
|
Chỉ có Mazda là trụ lại cho đến năm 2010 khi RX-8 bị "khai tử" vì không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Vào lúc người ta tưởng rằng trang bị này sẽ không còn cơ hội quay lại thị trường nữa thì Audi giới thiệu mẫu xe concept A1 với động cơ xoay đóng vai trò tăng phạm vi hoạt động. Hãng xe Mazda cũng học theo Audi và cho ra đời MX-30 đồng thời chính thức mang động cơ xoay từ cõi chết trở về.