Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải, nội dung truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu, xử lý và trả lời vấn đề được báo chí nêu về tình trạng "loạn" thị trường xe máy điện và nỗi lo an toàn giao thông, trong đó có nội dung về việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện, xe máy điện chưa được coi trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thậm chí là gây cháy nổ, mất an toàn khi tham gia giao thông.
Mới đây, một cơ quan báo chí dẫn số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, năm 2019 có khoảng 700.000 xe điện được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường và lưu thông, hầu hết được sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên thực tế trên thị trường, lượng xe đạp điện bán ra lớn hơn nhiều lần, do vẫn đang tồn tại hoạt động sản xuất, lắp ráp chui hoặc nhập lậu…
|
Vụ xe đạp điện bất ngờ phát cháy trên đường phố Hà Nội. |
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ “tuồn” xe đạp điện, xe máy điện từ nước ngoài vào Việt Nam và gắn nhãn mác “made in Việt Nam”. Số liệu thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, cả nước hiện có hàng triệu xe máy điện, xe đạp điện, tuy nhiên, mới quản lý được 10%, số còn lại bị “thả nổi”.
Đại diện Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết, các đối tượng buôn lậu thường nhập lậu xe đạp điện từ Trung Quốc về sau đó được phù phép bằng việc làm giả các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ.
“Đa số các vụ việc bị phát giác và bắt giữ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chủ hàng chỉ xuất trình được hóa đơn mua bán hàng. Ngoài ra, không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng, hiện nay trên thị trường, giá cả của xe đạp điện, xe máy điện không hề rẻ, bởi vậy khi “phù phép”, hợp thức hóa được những sản phẩm này các đối tượng thu lợi nhuận rất cao”, vị đại diện này cho biết thêm.
|
Xe máy điện phát cháy khi đang lưu thông trên cầu Thanh Trì (Hà Nội). |
Trước đó, Báo Giao thông từng có bài phản ánh về số lượng xe máy điện chưa qua đăng kiểm chiếm tỷ lệ không nhỏ. Điều này khá phù hợp với nhận định của Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, rằng: "Đang có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng xe máy điện trên thị trường với số xe đã qua đăng kiểm và được cấp giấy chứng nhận”.
Trong khi đó, ranh giới phân biệt giữa xe đạp điện với xe máy điện chỉ là chiếc bàn đạp và dây xích líp (với xe đạp điện), nên việc cố tình tạo ra sự nhập nhằng về kiểu loại xe để trục lợi phi pháp không phải là không có cơ sở, từ đó dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Theo ông Phương, việc nhập nhằng chủng loại xe là có thể nhưng không dễ thực hiện, bởi xe đủ tiêu chuẩn đăng kiểm đều phải trải qua các khâu thử nghiệm nghiêm ngặt và được phân định rõ bằng tem kiểm định chất lượng cho xe đạp điện và giấy chứng nhận đăng kiểm đối với xe máy điện.
|
Thị trường xe điện hiện nay phát triển mạnh trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻo. |
Do vậy, hầu hết xe “lách luật" và không đầy đủ giấy tờ đều có vấn đề và đều là xe trôi nổi nên chất lượng rất khó được đảm bảo. Cùng với đó, việc tráo đổi linh kiện giữa xe máy điện và xe đạp điện không chỉ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn mà còn có thể khiến xe nhanh hỏng, nhất là bộ pin năng lượng.
Xe điện nói chung, vốn dĩ đã tiềm ẩn nguy hiểm do không phát tiếng động trong quá trình vận hành, cộng thêm yếu tố kết cấu xe không được chứng nhận chất lượng, càng làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Riêng đối với xe đạp điện, do được thiết kế để vận hành với tốc độ thấp (không lớn hơn 25 km/h) nên thường có các đặc điểm chung như: hệ thống phanh có kết cấu đơn giản, có bánh nhỏ, không có giảm xóc, không có đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng cường độ yếu...nếu cố tình tăng công suất động cơ để tăng tốc độ xe thì nguy cơ mất an toàn là rất rõ ràng.
Trên thực tế, người sử dụng xe máy điện và xe đạp điện hiện nay phần lớn là học sinh, chưa đủ trưởng thành nên tâm lý rất dễ bị kích động khi gặp sự cố như va chạm hoặc bị xử phạt. Đây là điều phụ huynh học sinh cần lưu ý, tránh cho các em những ẩn họa khôn lường.
Bên cạnh đó, số vụ tai nạn liên quan xe đạp điện, xe máy điện đang diễn biến phức tạp, một phần do thị trường xe điện hiện nay phát triển mạnh trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻo, trong nhiều trường hợp thiết kế công suất động cơ bị can thiệp dẫn tới xe có thể vận hành ở tốc độ khá cao, tiềm ẩn rủi ro như xe cơ giới.