Xe bán tải ở Việt Nam ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi chúng sở hữu nhiều ưu điểm như khung gầm chắc chắn, khoảng gầm sáng cao, ngoại hình khỏe khoắn, nội thất cũng được nâng cấp hiện đại và lệ phí trước bạ rẻ hơn. Tuy nhiên, xe bán tải cũng đi kèm một vài quy định khác biệt mà nhiều người còn chưa nắm rõ.
Không được chở người trên thùng xe
Việc chở người trên thùng xe bán tải rất nguy hiểm vì thùng xe không được trang bị thiết bị chuyên dụng nào để chở người. Nếu xảy ra va chạm, tài xế phanh gấp hoặc bị xe phía sau đâm vào thì người ngồi hoặc đứng trong thùng xe bán tải sẽ gặp nguy hiểm do va đập, ngã văng ra khỏi thùng xe.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô vận chuyển hàng hóa nếu chở người trên thùng xe trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Không được lưu thông ở một số tuyến phố trong khung giờ cấm
Theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019, xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở trên 950 kg sẽ bị xếp vào dạng xe tải, buộc phải tuân thủ quy định về làn đường và khung giờ cấm hoạt động tại các khu vực đông dân cư, nội đô ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM.
Vì thế, xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở trên 950 kg sẽ không được lưu thông trên những tuyến đường nội đô có biển cấm xe tải. Xe bán tải cũng phải tuân thủ các quy định về khung giờ cấm hoạt động, phải đi vào làn đường cho xe tải khi di chuyển trên những tuyến đường có phân rõ làn đường.
|
Theo quy định về xe bán tải, những mẫu xe có khối lượng hàng chuyên chở trên 950 kg không được lưu thông trên một số tuyến đường cấm.
|
Nếu đi vào đường cấm theo giờ sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng (Điểm b Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100; Điểm d Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Niên hạn sử dụng của xe bán tải ngắn hơn
Theo Thông tư số 21/2010 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/8/2010, xe bán tải có niên hạn sử dụng tối đa là 25 năm, được tính từ năm sản xuất của mẫu xe. Trong khi đó, xe ôtô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ người lái) sẽ không bị áp dụng niên hạn sử dụng.
Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định hành vi điều khiển xe quá niên hạn sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Quy định về chiều cao xếp hàng hóa cho phép trên xe bán tải
Điều 18 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định chiều cao xếp hàng hóa đối với xe bán tải được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên và không vượt quá mức quy định dưới đây:
- Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường): không vượt quá 4,2 mét.
- Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn: không vượt quá 3,5 mét.
- Chiều cao xếp hàng hóa đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn: không vượt quá 2,8 mét.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu chở hàng quá chiều cao cho phép, người lái sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Quy định chiều dài xếp hàng hóa cho phép
Tại Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét.
Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.