Những bộ phận ôtô đời cũ chưa hỏng cần chú ý, để xe không “ăn vạ”

Google News

Đối với những chiếc ôtô phổ thông có tuổi đời trên 7 năm, các chủ xe cần đặc biệt lưu ý đến các bộ phận này để xe luôn vận hành tốt và đảm bảo an toàn.

  
Để chiếc xe "khỏe mạnh" và yên tâm chạy đường xa thì việc bảo dưỡng rất quan trọng, đặc biệt là những mẫu xe ôtô đời cũ trên 7 năm hoặc 80.000 km. Với những chiếc xe này, nhiều bộ phận đã bị xuống cấp và cần được chăm sóc, nếu không bảo dưỡng tốt thì xe dễ bị chết máy, "ăn vạ" giữa đường. Dưới đây là những bộ phận xe ôtô chưa hỏng cũng cần bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên.
Quạt làm mát động cơ
Trong quá trình động cơ làm việc, quạt làm mát cũng hoạt động liên tục. Nếu quạt làm mát hỏng, động cơ sẽ bị quá nhiệt, dẫn đến "chết máy" và chủ xe không còn cách nào khác là gọi xe cứu hộ.
Dấu hiệu nhận biết khi quạt làm mát động cơ bị hỏng đó là lúc đang di chuyển, hệ thống điều hòa hoạt động kém hoặc máy ì, lái xe có cảm giác không ổn như ngày thường. Khi quạt làm mát không làm việc, đồng hồ trên bảng táp-lô sẽ báo về cột nước, nhiệt độ cao hoặc kim đồng hồ sẽ hiện lên chữ "HOT".
Nhung bo phan oto doi cu chua hong can chu y, de xe khong “an va”
Quạt làm mát động cơ hỏng mà không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề.
Nếu phát hiện kịp thời thì thay quạt làm mát xong, động cơ sẽ hoạt động như ban đầu. Còn nếu để xe chạy tốc độ cao, chết máy mới phát hiện ra quạt làm mát bị hỏng thì sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường như động cơ, pít-tông bị bó, phớt chai cứng, chi tiết cao su bị hỏng,... chi phí sửa chữa sẽ rất lớn.
Bộ đề của xe ôtô
Nếu xe chạy lâu rồi mà chưa được thay thế củ đề hoặc không kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thì bộ phận này cũng rất dễ gặp trục trặc. Trong củ đề, chổi than là chi tiết cần chú ý hơn cả vì chúng có thể bị mòn sau nhiều năm sử dụng, lớp mạt bám trên cổ góp sẽ gây ra tình trạng chập chờn khi xe vận hành. Khi hết than, máy đề sẽ không hoạt động được, dẫn đến xe không thể di chuyển. Do đó, người lái cần bôi trơn, bảo dưỡng các vòng bi bên trong, kiểm tra chổi than,... xem chúng có vấn đề gì không.
Nếu chổi than của củ đề mòn, hỏng thì xe có dấu hiệu ì, lúc đề máy không mượt như mọi ngày. Khi phát hiện chổi than mòn thì nên thay thế ngay.
Hệ thống phanh
Phanh là bộ phận rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người ngồi trên xe. Phanh sẽ bị mòn và chai cứng theo thời gian, đĩa phanh có thể bị vênh cong, giảm hiệu suất. Do đó, bộ phận này cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo chúng luôn hoạt động tốt.
Các chủ xe cần chú ý bảo dưỡng, kiểm tra phanh trước khi khởi hành những chuyến đi xa. Đừng để phanh mòn và có vấn đề rồi mới sửa, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Nhung bo phan oto doi cu chua hong can chu y, de xe khong “an va”-Hinh-2
Phanh xe ô tô là một bộ phận rất quan trọng, cần được kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên.
Nước làm mát
Nước làm mát đóng vai trò quan trọng với động cơ ô tô, giúp động cơ không bị quá nóng hay đóng băng khi xe vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, nước làm mát còn có tác dụng chống mài mòn cho động cơ và hệ thống làm mát.
Nước làm mát mà hết sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm giảm tuổi thọ của động cơ và nhiều bộ phận khác. Vì vậy, chủ xe cần kiểm tra liên tục nước làm mát, bổ sung kịp thời nếu hết. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên kiểm tra xem két nước có bị thủng, rò rỉ gì không để có biện pháp khắc phục sớm.
Kim phun, họng hút, bugi
Những bộ phận này thường bị bám bẩn nên dễ bị kẹt sau một thời gian sử dụng, đặc biệt là các loại xe cũ trên 7 năm. Kim phun, họng hút, bugi bị tắc sẽ làm giảm hiệu suất sử dụng nhiên liệu, khiến xe bị rung giật, chạy yếu, động cơ có thể không khởi động được. Vì thế, chủ xe cũng cần bảo dưỡng những chi tiết này.
Thông thường, sau khi xe chạy 15.000 - 20.000 km, các bộ phận này được vệ sinh một lần. Với xe cũ thì sẽ phải vệ sinh thường xuyên hơn, từ 7.000 - 10.000 km/lần.
Thảo Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)