Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ôtô, nhiều tính năng công nghệ hiện đại liên tục ra đời nhằm hỗ trợ người lái và đảm bảo an toàn trong suốt quá trình di chuyển. Có thể kể đến công nghệ trên ôtô mới bằng những cái tên như hệ thống cân bằng điện tử, kiểm soát hành trình hay giám sát điểm mù, cảnh báo va chạm - tất cả đều mang đến cho người lái những trải nghiệm sử dụng an toàn và thoải mái nhất.
Thậm chí có những công nghệ ôtô hiện đại đang được coi là trang bị bắt buộc phải có mặt trên xe theo quy định của chính phủ các nước, chứng minh tầm quan trọng của chúng trong việc đảm bảo tính an toàn tối thiểu khi sử dụng.
|
Có đến hơn 33% công nghệ không hề được động đến trong trung bình 90 ngày sử dụng đầu tiên |
Bên cạnh những công nghệ ôtô vốn đã trở nên rất “quen mặt” với tài xế bởi tính thực dụng, độ tin cậy cao thì có đến hơn 33% công nghệ không hề được động đến trong trung bình 90 ngày sử dụng đầu tiên, theo thống kê của J.D. Power. Vậy lý do chính dẫn đến tình trạng này là gì?
Qua cuộc khảo sát hơn 100.000 chủ sở hữu xe, J.D. Power đi đến kết luận rằng họ chỉ đơn giản không thực sự cần đến những công nghệ ôtô hoành tráng này. Có thể “điểm mặt chỉ tên” một số công nghệ được nhiều chủ sở hữu đánh giá là “thừa thãi” như hệ thống thông tin giải trí có thể trả tiền cà phê, thiết bị giao tiếp giữa người lái và hành khách, điều khiển bằng cử chỉ,...
|
J.D. Power kết luận rằng, nhiều người dùng không thực sự cần đến những công nghệ ôtô hoành tráng. |
Quay trở lại hồi năm 2017, General Motors (GM) lần đầu giới thiệu một ứng dụng tích hợp trên các dòng xe của mình có tên gọi là Marketplace. Tính năng này có thể được truy cập thông qua hệ thống thông tin giải trí, cho phép người lái thanh toán tiền xăng, đồ ăn hay phí dịch vụ một cách dễ dàng. Liên kết với cơ sở dữ liệu của Marketplace là nhiều đối tác lớn như McDonalds, KFC, Starbucks,...
Mặc dù công nghệ này mang đến sự thuận tiện cho khách hàng nhưng theo nhiều chủ sở hữu, họ hoàn toàn có thể thanh toán trực tuyến ngay trên smartphone của mình. Và tất nhiên, Marketplace trở thành một tính năng dư thừa trên xe khi có đến 61% chủ sở hữu chưa từng sử dụng đến dù chỉ một lần.
|
Có đến 52% chủ sở hữu xe chưa từng phải sử dụng tính năng Driver Easy Speak, thậm chí có đến 40% chia sẻ rằng họ không cần đến chúng. |
Tiếp đến là các thiết bị liên lạc giữa người lái và hành khách như Driver Easy Speak trên Toyota Sienna, CabinTalk trên Honda Odyssey hay Conversation Enhancement trên Cadillac Escalade. Về cơ bản, tính năng hoạt động thông qua hệ thống loa âm thanh và thường được trang bị trên các mẫu xe cỡ lớn, giúp cuộc trò chuyện giữa người lái và hành khách diễn ra hiệu quả hơn mà không cần phải lớn tiếng. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát của J.D. Power, có đến 52% chủ sở hữu xe chưa từng phải sử dụng tính năng này, thậm chí có đến 40% chia sẻ rằng họ không cần đến chúng.
Tính năng điều khiển cử chỉ có mặt trên một số mẫu xe của BMW, “vinh dự” đứng vị trí áp chót bảng xếp hạng mức độ hài lòng của khách hàng dành cho các công nghệ ôtô trong hai năm liền. Với tính năng này, người lái không còn phải thao tác trực tiếp trên màn hình thông tin giải trí hoặc các nút bấm vật lý nữa mà có thể thực hiện một số cử chỉ để điều hướng menu, chỉnh âm lượng,... Nghe thì có vẻ tiện lợi nhưng theo báo cáo, có đến 41/100 chủ xe từng gặp sự cố với công nghệ rắc rối này. Tất nhiên nhiều chủ xe cũng lựa chọn việc điều khiển trực tiếp trên màn hình trung tâm thay vì những cử chỉ phức tạp, đôi lúc không hoạt động theo ý muốn.