Vì sao phụ nữ Ấn Độ hay bị cưỡng hiếp?

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao phụ nữ Ấn Độ hay bị cưỡng hiếp? Một phần là vì thói “trọng nam, khinh nữ” và luật pháp chưa được nghiêm minh.

Xuống đường biểu tình đòi trừng phạt nghiêm khắc những kẻ cưỡng dâm.
Theo con số của Cơ quan thống kê tội phạm Ấn Độ (NCRB), cứ 20 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp. Và đó chỉ là con số mà chính quyền thừa nhận.
Trả lời phỏng vấn của báo Đức Die Welt (Thế giới), chuyên gia giới tính Ấn Độ Theresa Devasahayam cho rằng hầu như không có nước Châu Á nào mà phụ nữ ít được tôn trọng như Ấn Độ.
Trả lời câu hỏi vì sao cưỡng hiếp đã trở thành một vấn nạn ở Ấn Độ, bà Theresa Devasahayam cho rằng một phần là do thói “trọng nam, khinh nữ” vẫn “sâu rễ, bền gốc” trong xã hội. Vẫn còn xảy ra tình trạng thủ tiêu bé gái sơ sinh, bỏ đói và không chữa bệnh cho con gái. Không ít các bậc cha mẹ ở Ấn Độ nghĩ rằng chả tội gì mà đầu tư cho con gái vì “con gái là con của người ta”. Nếu đẻ con trai, người ta có thêm con dâu và của hồi môn. Trong mọi xã hội, các bậc cha mẹ đều đầu tư vào con cái. Thế nhưng, ở Ấn Độ, một số bậc cha mẹ lại cho rằng đầu tư vào con gái là “ném tiền qua cửa số”.
Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là ở bang Kerala, nơi hầu như không có người mù chữ. Chính quyền do những người cộng sản lãnh đạo ở bang này có luật lệ riêng và phụ nữ ở đây được tôn trọng hơn ở các bang khác.
Trả lời câu hỏi vì sao vấn đề bình đẳng giới lại nổi cộm ở đất nước Nam Á vốn được coi là dân chủ và tiến bộ, bà Theresa Devasahayam nói người ta vẫn gọi Ấn Độ là “nền dân chủ lớn nhất thế giới”, nhưng đất nước này vẫn còn phải chật vật chung sống với truyền thống, phong tục và tư duy thủ cựu. Không ít người con nghĩ rằng mỹ từ “dân chủ” không dành cho phụ nữ. Họ chỉ là một “cỗ máy đẻ” và thỏa mãn ham muốn tình dục của đàn ông. Công bằng mà nói phụ nữ ở Đông Nam Á được tôn trọng hơn nhiều so với phụ nữ Ấn Độ.
Khi được hỏi vì sao vẫn có những người phụ nữ đầy quyền lực như cố Thủ tướng Indira Gandhi hay con dâu của bà là Sonia Gandhi, bà Theresa Devasahayam đó chỉ là những ngoại lệ hiếm hoi vì họ được sinh ra trong dòng họ chính khách “danh gia, vọng tộc” hay kết hôn với thành viên của dòng họ nối tiếng đó.
Về những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn cưỡng hiếp phụ nữ, bà Theresa Devasahayam cho rằng ngoài nguyên nhân truyền thống-văn hóa, còn có những nguyên nhân về cấu trúc. Ấn Độ vẫn chưa có một bộ luật thỏa đáng chống vấn nạn cưỡng hiếp phụ nữ và cũng gặp vô vàn khó khăn trong khâu thực thi luật. Ấn Độ là một đất nước rộng lớn và có tình trạng tham nhũng tràn lan. Không những thế, cảnh sát vẫn còn né tránh truy tố những kẻ cưỡng hiếp phụ nữ, nếu chúng là con cháu của một vị bộ trưởng hay thị trưởng thành phố. Đó là chưa để những đạo luật biến đàn ông thành quỉ dữ, khiến cho cánh đàn ông không từ bất kỳ hành vi đốn mạt nào.
Vậy thì làm thế nào mà phụ nữ Ấn Độ chống lại vấn nạn cưỡng hiếp phụ nữ, tự bảo vệ bản thân?
Bà Theresa Devasahayam cho biết phụ nữ Ấn Độ xuống đường biểu tình và phong trào bảo vệ phụ nữ đang ngày càng mạnh lên. Đồng thời, phụ nữ Ấn Độ cũng cần đến sự thông cảm, trợ giúp và gây áp lực của cộng đồng quốc tế. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức phụ nữ của Liên Hợp Quốc cần lên tiếng và can thiệp vào vấn đề này. Nhưng có lẽ tuyên truyền giáo dục là quan trọng nhất. Phải là cho toàn bộ dân chúng Ấn Độ nhận thức được rằng cưỡng hiếp là tội ác và tội ác phải bị trừng phạt một cách thỏa đáng.
Lê Chân (theo Welt.de)

Bình luận(0)