|
Kênh Suez là tuyến đường hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương.
|
Chính quyền quân sự Ai Cập có thể đóng cửa Kênh đào Suez - hoặc đe dọa làm như vậy - trong một nỗ lực thúc ép để có thêm viện trợ từ các nước phương Tây. Hoặc những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Mursi có thể phát động các cuộc tấn công làm gián đoạn việc tàu bè qua lại Kênh Suez. Các cuộc biểu tình của tổ chức “Anh em Hồi giáo” đang biến thành một cuộc nổi dậy và tấn công vào cơ sở hạ tầng có thể trở thành một phần trong kế hoạch lật đổ chính phủ quân sự của tổ chức này.
Vậy thế giới sẽ ra sao, nếu chẳng may Kênh đào Suez bị đóng cửa hoặc bị vô hiệu hóa một thời gian khá dài?
Một kịch bản khiến cho thế giới run sợ
Có một điều chắc chắn là việc đóng cửa Kênh đào Suez sẽ gây chấn động khắp Châu Á và Đại Tây Dương. Một tình huống như vậy sẽ khiến cho cả thế giới hoảng loạn.
Đóng cửa Kênh đào Suez đồng nghĩa với việc cắt đứt tuyến hàng hải ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Vịnh Persian giàu dầu lửa với Châu Âu và bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ. Khi đó, các tàu thuyền lại phải đi vòng qua Mũi Hảo vọng (Nam Phi), với lộ trình dài thêm hàng nghìn hải lý. Các công ty vận tải biển và hải quân sẽ phải cắn răng gồng mình gánh thêm nhiều chi phí phát sinh, giữa lúc kinh tế thế giới vẫn còn trì trệ và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm đáng kể. Chỉ nghĩ đến cái cảnh Kênh đào Suez bị đóng cửa là người ta đã cảm thấy ớn lạnh xương sống.
Đã có tiền lệ
Trong lịch sử thế giới, đã xảy ra một tiền lệ. Đó là việc Vương quốc Anh “cấm cửa” tàu chiến của Hạm đội Baltic của Sa hoàng đi qua, giữa lúc xảy ra chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905. Khi đó, Hạm đội Baltic của Nga buộc phải quay lại và đi vòng quanh Châu Phi, xuyên qua Ấn Độ Dương và vào vùng biển gần Trung Quốc để chiến đấu với Đế chế Nhật Bản…với thảm bại đã được báo trước ở eo biển Tsushima.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, trục phát xít Đức-Italy-Nhật Bản cũng đã đóng cửa eo biển Suez, khiến cho quân đồng minh ở Nam Á lâm vào cảnh khốn cùng.
Và trong năm 1956, liên quân Anh- Pháp-Israel đã tấn công Ai Cập để giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Suez, sau khi chính quyền của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào huyết mạch cực kỳ quan trọng này. Khi đó, Mỹ, Liên Xô, và Liên Hợp Quốc phải tích cực can thiệp ngoại giao để đẩy lùi các lực lượng xâm lược.
Đảo lộn mọi kế hoạch của Hải quân Mỹ
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Kênh đào Suez vẫn vô cùng quan trọng đối với thế giới đang ở trong cơn khủng hoảng. Việc đóng cửa Kênh đào Suez trong một thời gian dài sẽ làm đảo lộn kế hoạch tác chiến của Hải quân Mỹ.
|
Tàu sân bay USS Eisenhower đi qua Kênh đào Suez.
|
Đối mặt với tuyến hải hành quá dài đi qua Mũi Hảo vọng, các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ sẽ càng có động cơ tăng cường lực lượng cho Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương vì lực lượng này có thể tiếp cận gần hơn, dễ dàng hơn phía Tây Ấn Độ Dương và Vịnh Persian so với Hạm đội Mỹ ở Đại Tây Dương. Khi đó, Biển Đông sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hải quân Mỹ vì đó là tuyến đường ngắn nhất nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi đó, Mỹ sẽ phải tìm kiếm các căn cứ trung chuyển mới và mở rộng các căn cứ hiện có ở khu vực Biển Đông đang bất ổn vì tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Có lẽ vì thế mà chính quyền Obama đã không dám mạnh tay “cắt đứt quan hệ” với chính quyền quân sự Ai Cập, khi chính quyền này thẳng tay trấn áp những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Mursi. Dù sao đi chăng nữa, giới tướng lĩnh Ai Cập vẫn có đôi chút thiện cảm với Mỹ, chứ không phải là kẻ thù “một mất, một còn” như các lực lượng Hồi giáo thánh chiến cực đoan.