Nhiều doanh nhân, nhà nghiên cứu và một số quan chức Trung Quốc đã thẳng thắn cho biết rằng họ cũng không rõ Trung Quốc đang về đâu?
|
Giáo sư Minxin Pei: Một số diễn biến gần đây đang gây ra cảm giác hoang mang về hướng đi tổng thể của Trung Quốc. Ảnh carnegieendowment.org |
Đối với các doanh nhân, sự sụp đổ của đầu tư tư nhân ở Trung Quốc có thể là dấu hiệu đáng chú nhất. Trong nửa đầu năm nay, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử đương đại.
Đối với các nhà quan sát Trung Quốc, một dấu hiệu về tình trạng bất ổn trong ban lãnh đạo ở Bắc Kinh là tranh cãi công khai trong tháng 5 về chính sách kinh tế giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Thất hứa về “không quân sự hóa” Biển Đông
Một vấn đề gây nhiều tranh cãi là hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau khi bị Mỹ chất vấn về các dự án đắp đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp, Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị cấp cao Mỹ-Trung Quốc hồi tháng 9/2015 rằng Trung Quốc sẽ không "quân sự hóa" các tiền đồn của nước này ở Biển Đông.
Đáng tiếc là kể từ đó, Trung Quốc không hề thể hiện một chút kiềm chế nào, trong lời nói cũng như trong việc làm. Sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã tố cáo Tòa Trọng tài là thiên vị và cho rằng tòa án này không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Thậm chí, các sĩ quan cao cấp của quân đội Trung Quốc bắt đầu nói về khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trong khu vực, có lẽ với Mỹ.
Đáng lo ngại hơn các lời lẽ hiếu chiến nói trên, Trung Quốc đã có nhiều hành động trái với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc "không quân sự hóa" các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các nhà chứa chiến đấu cơ phản lực và máy bay ném bom trên các đảo nhân tạo có đường băng sân bay. Ngoài ra, Không quân Trung Quốc đã đem máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tuần tra vùng trời tại các khu vực tranh chấp. Hồi cuối tháng 7/2016, Bắc Kinh đã thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở Biển Đông.
Những diễn biến nói trên đặt ra câu hỏi: Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức đầy đủ rằng hành động của họ ở Biển Đông đang dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự Trung-Mỹ?
Chính sách đầy mâu thuẫn của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh
Có hai nguyên nhân sâu xa khiến cho giới doanh nhân, trí thức và một số quan chức Trung Quốc cảm thấy rằng nước này rõ ràng đang mất phương hướng.
Nguyên nhân đầu tiên - và có lẽ là quan trọng nhất - là một loạt các chính sách mà chính phủ Trung Quốc thông qua trong ba năm qua đã hoàn toàn trái ngược với đường lối thực dụng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong thời kỳ “hậu Mao Trạch Đông”.
Về cơ bản, có bốn trụ cột chiến lược thực dụng của Đặng Tiểu Bình trong việc duy trì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản và làm cho Trung Quốc giàu mạnh hơn. Về kinh tế, Đặng Tiểu Bình dựa vào chính sách phi tập trung hóa và hội nhập với hệ thống thương mại toàn cầu, coi đó là động lực thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa. Về chính sách đối ngoại, Đặng Tiểu Bình coi quan hệ tốt với Mỹ là một yêu cầu cơ bản cho sự phát triển của Trung Quốc. Về mặt chính trị, Đặng Tiểu Bình đã tế nhị giảm thiểu tư tưởng Mao Trạch Đông vốn được coi là điều kiện hòa bình trong nước. Để tránh những cuộc thanh trừng đẫm máu như dưới thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã thiết lập một hệ thống chia sẻ quyền lực ở cấp chóp bu và thiết lập quy tắc bảo đảm an ninh cá nhân cho các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng, kể cả các đối thủ của ông. Không ai trong số các đối thủ bại trận trước Đặng Tiểu Bình bị bắt giam.
Xem xét xu hướng của Trung Quốc trong ba năm gần đây, người ta có thể kết luận rằng chiến lược thực dụng của Đặng Tiểu Bình hiện chẳng còn được bao nhiêu. Kinh tế Trung Quốc đang đi theo xu hướng tập trung hóa nhiều hơn ở trong nước và hội nhập toàn cầu ít hơn. Về đối ngoại, Trung Quốc tỏ ra đối kháng hơn với Mỹ. Xu thế chính trị mới của xã hội Trung Quốc đã bắt đầu với sự sống lại của tư tưởng Mao Trạch Đông và những khẩu hiệu thời Cách mạng Văn hóa. Gieo rắc sợ hãi một lần nữa lại trở thành một công cụ kiểm soát chính trị-xã hội. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo của đảng đang bị thay thế bằng tệ sùng bái cá nhân.
Lý do thứ hai khiến cho giới tinh hoa Trung Quốc lo ngại cho tương lai đất nước là chính sách đầy mâu thuẫn của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Khi nói đến nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố để cho các lực lượng thị trường đóng một vai trò quyết định. Tuy nhiên, hành động của chính quyền lại nhằm bảo vệ và củng cố các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ cũng như tập trung quyền lực vào tay chính phủ trung ương. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ trong năm ngoái, Bắc Kinh đổ hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào một nỗ lực vô ích để tránh các loại bong bóng bị nổ tung.
Về chính trị trong nước, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh đã cam kết sẽ cải thiện hệ thống pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền. Trên thực tế, các cơ quan tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc lại không ngừng tấn công các ý tưởng lập hiến - trái tim và linh hồn của nhà nước pháp quyền.
Việc thanh trừng và xét xử hàng ngàn quan chức tham nhũng ở Trung Quốc quả là đáng khích lệ. Nhưng để nhổ tận gốc vấn nạn tham nhũng đòi hỏi tự do ngôn luận và sự tham gia của xã hội dân sự. Thật không may, Bắc Kinh lại tăng cường kiểm duyệt công luận và hạn chế tự do báo chí, với mức độ chưa từng có.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra một tầm nhìn hướng tới tương lai mang tên “Giấc mơ Trung Hoa”. Nhưng người ta lại không biết nhiều về “Giấc mơ Trung Hoa”, khi đọc báo chí chính thức vốn được lấp đầy với những nỗi hoài vọng cái thời Mao Trạch Đông.
Giáo sư Minxin Pei kết luận: Với những gì đã xảy ra trong ba năm qua, tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc không khỏi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo hiện nay ở Bắc Kinh dường như không biết rõ họ đang làm cái gì.