Vì sao Trung Quốc ngoan cố bác bỏ phán quyết Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Khi nói về phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, điều rất quan trọng là phải xem xét bối cảnh chính trị mà Trung Quốc bác bỏ phán quyết này.

Đó là nhận định của nhà phân tích John Lee, giáo sư thỉnh giảng của Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc, trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 9/8/2016.
Vi sao Trung Quoc ngoan co bac bo phan quyet Bien Dong?
Nhà phân tích John Lee, giáo sư thỉnh giảng của Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc. Ảnh www.merics.org 
Tòa Trọng tài ở La Haye tuyên bố rằng mục đích của phán quyết về Biển Đông là tạo điều kiện đàm phán giữa các bên tranh chấp bằng cách làm rõ quyền và nghĩa vụ tương ứng của mỗi bên, trong khi khẳng định rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc bắt nguồn từ một sự hiểu lầm về các quyền của nước này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo nhà phân tích John Lee, thật không may, sự hiểu lầm nói trên lại là tiền đề để ban lãnh đạo Trung Quốc phản ứng lại phán quyết của Tòa Trọng tài. Về cơ bản, Bắc Kinh đã đặt mục đích chính trị lên trên hệ thống pháp luật vốn là khuôn khổ hoạt động của Tòa Trọng tài ở La Haye.
Tòa Trọng tài phán rằng không có bằng chứng lịch sử nào về sự kiểm soát độc quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc lại khẳng định rằng luật pháp quốc tế phải tuân thủ các dàn xếp chính trị ở Châu Á. Đầu tiên, luận điệu này được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về vụ kiện Biển Đông, các giới chức Trung Quốc bám lấy cái mà họ vốn coi là không chính thức này.
Không những thế, trong một bài báo đăng trên tạp chí Qiushi (Cầu Thị) của ĐCS Trung Quốc ngày 3/7, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã chê bai 5 vị thẩm phán của Tòa Trọng tài ở La Haye là “dốt nát” về “trật tự pháp lý quốc tế của Đông Á cổ đại”.
Tòa Trọng tài phán rằng cái gọi là "quyền lịch sử" trái ngược về pháp lý với những qui định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã đặt bút ký, nhưng về mặt chính trị Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc “xuống thang” tuyên bố chủ quyền tham lam phi lý ở Biển Đông mà không bị “mất thể diện”.
Một bài viết đăng trên tờ PLA Daily ngày 18/7 ( mà tác giả được cho là làm việc tại Trường Đảng Trung ương) đã viện dẫn "quyền lịch sử" làm cơ sở cho tuyên bố vùng biển giữa quần đảo ở Biển Đông là “vùng biển nội thủy” và khẳng định quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc ở các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài La Haye.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn không coi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là xuất phát điểm. Họ coi phán quyết của Tòa Trọng tài phục vụ cho lợi ích của Mỹ và các đồng minh vốn đang cố gắng làm xói mòn sự toàn vẹn về tư tưởng và lãnh thổ của Trung Quốc.
Xuất phát từ quan điểm này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã gán cho Tòa Trọng tài La Haye là một thứ “vũ khí chính trị” của Mỹ và Nhật Bản. Ban lãnh đạo ở Bắc Kinh khẳng định rằng việc Trung Quốc thách thức và bác bỏ phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye là một phần của cuộc đấu tranh chống "bá quyền” của phương Tây và các “đảo nhân tạo” mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông là cần thiết để vô hiệu hóa sự phong tỏa của Mỹ dọc theo biên giới biển của Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye cần được xem trong bối cảnh ĐCS Trung Quốc đang bài trừ tư tưởng ngoại lai ở trong nước và đấu tranh tư tưởng trên phạm vi toàn cầu.
Các thức giải thích luật pháp quốc tế chỉ là một phương tiện để Bắc Kinh định hình quy chuẩn quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Cái gọi là pháp luật ở Biển Đông mà Trung Quốc đang áp dụng chỉ nhằm bẻ cong luật biển quốc tế theo hướng phù hợp với thế lực đang lên của Trung Quốc.
Xem ra, phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye khó có thể thay đổi hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Các cường quốc trên thế giới thường không tuân thủ phán quyết trọng tài trái với lợi ích của họ, nếu những lợi ích đó đủ quan trọng để biện minh cho những thiệt hại về uy tín. Một ví dụ thường được trích dẫn là phán quyết của Tòa Hình sự Quốc tế về Nicaragua có thể có một số tác dụng tích cực, nhưng nó đã không ngăn chặn được các cường quốc đe dọa vũ lực hoặc sử dụng chiến tranh ủy thác, khi tuyên bố chủ quyền của họ bị đe dọa.
Xem xét kỹ phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye, người ta thấy rằng năm vị thẩm phán – những người vốn đã dành cả sự nghiệp của họ để nghiên cứu luật biển - quyết tâm khẳng định rằng luật pháp quốc tế có hiệu lực độc lập. Thế nhưng, theo nhà phân tích John Lee, phản ứng ngang ngược của Trung Quốc trong hai tuần sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye cho thấy phán quyết này chỉ có thể mang lại kết quả, nếu cộng đồng quốc tế sẵn sàng áp đặt những tổn thất hữu hình nếu Bắc Kinh không chịu tuân thủ.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)