Báo Hurriyet đưa tin, Tổng thống Erdogan không cho rằng cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 là hành động cuối cùng trong mưu toan lật đổ chính phủ của ông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết thực hiện các bước tiếp theo nhằm vào Phong trào Fetullah Gulen (FETO), đối tượng đầu tiên bị cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính hồi tháng trước. Trong khi đó, chính phủ Ankara cho rằng, quân đội Mỹ và tình báo Mỹ “dính líu” trực tiếp đến cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua.
“Tôi không nghĩ rằng cuộc đảo chính này đã kết thúc”, Tổng thống Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố Istanbul.
|
Người dân tiến gần một xe tăng trong vụ đảo chính ở Ankara hôm 15/7. Ảnh Reuters. |
Ông Erdogan cũng bác bỏ việc ông gặp nguy hiểm vào hôm xảy ra vụ đảo chính khi một chiếc chiến đấu cơ của phe đảo chính theo sát chuyên cơ của ông trước khi nó hạ cánh để tiếp nhiên liệu. Thay vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hai tiêm kích F-16 này không hề có vũ khí để tấn công chuyên cơ của ông.
Sau cuộc binh biến ngày 15/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 15.000 người và sa thải gần 100 nghìn nhân viên làm việc trong các cơ quan chính phủ, trong đó có cả thẩm phán, giáo viên, những công chức bị cáo buộc dính líu đến tổ chức FETO.
Tổng thống Erdogan từng ngụ ý rằng ông có thể sẽ ban hành lại án tử hình và đưa ra hình phạt cao nhất đối với những người đang bị bắt giữ sau cuộc đảo chính.
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn đến sự rạn nứt lớn giữa Ankara và phương Tây. Các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần các buộc tướng quân đội Mỹ dính líu đến âm mưu đảo chính nhưng tướng Mỹ hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này.
Dù Brussels không bằng lòng trước đề nghị của Ankara về việc miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) nhưng cũng không thể phớt lờ chính quyền Erdogan bởi họ cần Ankara giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng ở Châu Âu.