Việc phạt tù chung thân Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng, quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc cho đến nay bị bỏ tù vì tội tham nhũng, có thể đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng bỏ tù Quách Bá Hùng và kỷ luật một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Từ Tài Hậu - người đã qua đời vì bệnh ung thư năm 2015 trước khi bị truy tố - đã bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong quân đội Trung Quốc.
|
Hai viên tướng chóp bu Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh NTD TV |
Trước đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được biết đến với lòng yêu nước và kỷ luật quân đội. Công tác tuyên truyền có hệ thống đã chuẩn bị cho binh sĩ chịu đựng gian khổ và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa và theo đuổi nền kinh tế thị trường, vấn nạn tham nhũng đã tràn lan trong quân đội và xảy ra ở tất cả các cấp, các quân chủng.
Phạt tù chung thân Quách Bá Hùng chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ truy tố các tướng lĩnh quân đội cấp cao và là một phần của chiến dịch nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong PLA của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cho đến nay, đã có 60 viên tướng lĩnh, tại chức hoặc đã nghỉ hưu, bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng.
Hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị cáo buộc là đã nhận “những khoản hối lộ đặc biệt lớn”, phần lớn dính líu đến tệ “mua quan, bán chức” trong quân đội. Có tin nói, hàng trăm cán bộ cấp cao của PLA có dính líu đến tệ nạn này.
Từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo rằng tham nhũng trong hàng ngũ đảng và quân đội Trung Quốc đã trở nên quá phổ biến và vấn nạn này có thể làm suy yếu chế độ cũng như khả năng tác chiến của PLA. Chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội diễn ra vào thời điểm Trung Quốc phô trương sức mạnh trong tranh chấp Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu vốn là hai viên tướng cao cấp nhất trong PLA, chỉ đứng sau Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) kiêm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc. Sự sụp đổ của hai viên tướng chóp bu này được xem là dấu hiệu thành công của chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc.
Chỉ có điều, tiến bộ thực sự của chiến dịch này không nên được đo bằng bao nhiêu "con hổ" đã bị đánh gục, mà bằng việc chiến dịch có thể dẫn đến một cuộc đại tu một hệ thống vốn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng sinh sôi nảy nở.
Trong khi làm rùm beng thành tích “đả hổ”, bộ máy tuyên truyền ở Trung Quốc lại không đặt ra những câu hỏi sau đây. Tai sao hai viên tướng hư hỏng này lại được thăng quan tiến chức? Ai chịu trách nhiệm về việc đề bạt họ? Đâu là những nhược điểm của thể chế hiện hành vốn cho phép đại dịch tham nhũng lây lan rất dữ dội và rất nhanh ở Trung Quốc?
Không nên đánh giá thấp những tổn thất mà hai viên tướng chóp bu Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã gây ra. Vấn đề đầu tiên liên quan đến năng lực thực sự của nhiều sĩ quan chỉ huy hiện tại, khi một số người đã được “thăng quan, tiến chức” thông qua hối lộ, chứ không phải nhờ thực tài và thành tích cống hiến. Qua nhược điểm lớn trong khâu nhân sự này, người ta không khỏi lo lắng cho độ tin cậy của các khâu huấn luyện, hậu cần và thiết bị quân sự.
Thách thức nghiêm trọng nhất là vấn nạn tham nhũng đã làm xói mòn lòng tin vào chế độ và chủ nghĩa yêu nước của đội ngũ đông đảo sĩ quan và binh lính.
Quá trình hiện đại hóa nhanh chóng không phải là yếu tố cốt lõi giúp quân đội Trung Quốc thắng trận, mà chính là đạo đức và chất lượng của 2,3 quân nhân trong PLA. Nếu các quân nhân, từ cấp thấp đến cấp cao, chỉ quan tâm đến sự giàu có của bản thân việc phục vụ đất nước, làm thế nào mà họ có thể hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đất nước?
Vì vậy, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có đủ dũng khí tiến hành cải cách cơ bản trong việc đại tu hệ thống chính trị và cơ cấu lại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hay không?