|
Các chiến binh có liên hệ với Al-Qaeda ở Syria.
|
Thông tin trên do người phát ngôn của FSA cung cấp trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Al-Sharq Al-Awsat. Tuy không muốn lùi bước trước các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng liệu FSA có đủ sức giữ hai trận tuyến cùng một lúc.
Các chiến binh FSA không thể không lo lắng cho số phận của họ. Theo nhà Đông phương học Sergey Seryogichev, vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như doanh thu các hoạt động buôn lậu dầu thô và hàng hoá đang có nguy cơ lọt vào tay các thế lực Hồi giáo cực đoan. Ông Seryogichev nhận định: “Nói chung, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không che đậy việc tiếp tế vũ khí. Họ gọi đó là ‘hỗ trợ nhân dân Syria tự do chống chế độ Assad khát máu’, nhưng đối với thế giới văn minh đây chẳng qua là hoạt động buôn lậu. Ngoài vũ khí có cả vật dụng y tế, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu các khu vực đang bị chiến tranh tàn phá. Dòng hàng được vận chuyển qua những tụ điểm nhất định nằm trên biên giới mà thế lực Hồi giáo cực đoan tìm cách thâu tóm”.
FSA không chấp nhận sự lép vế. Để mất dòng vũ khí-tài chính đồng nghĩa với đánh mất khả năng đối đầu lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Không những thế, mà cả sự tồn tại của FSA cũng sẽ bị đe dọa.
Chuyên gia Boris Dolgov tại Trung tâm nghiên cứu Arập thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông nhấn mạnh: “Trong đội ngũ các chiến binh chống chính phủ, có nhiều phe phái khác nhau. Cái gọi là Quân đội Syria Tự do được phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Họ tuyên bố mục tiêu là lật đổ chế độ Bashar al-Assad, nhưng không nhằm tạo lập một nhà nước Hồi giáo. Có những nhóm liên quan đến Al-Qaeda như Dzhebhat en-Nusra. Lại có nhóm đại diện cho lực lượng Hồi giáo cấp tiến ‘Anh em Hồi giáo’. Những nhóm khác liên kết với thế lực Hồi giáo cực đoan của Lebanon. Các băng nhóm này hi vọng dựng lên một nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Syria”.
Gần đây, mâu thuẫn nội bộ trong phe đối lập càng nổi lên rõ ràng. Một chỉ huy cấp cao của FSA là Kamal Hamami có mặt tại trụ sở lực lượng Hồi giáo cực đoan để thảo luận hành động chung đã bị giết chết tại chỗ. Đại diện FSA tuyên bố họ sẽ không để cho các thế lực Hồi giáo cực đoan lấn át. Nhưng rõ ràng FSA không đủ sức cầm cự trên hai mặt trận. Theo nhà Đông Phương học Boris Dolgov, FSA đang tìm cách đẩy đòn giáng chủ lực của lực lượng Bashar Assad về phía các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, giới phân tích không hề coi thường thế lực Al-Qaeda. Các quốc gia như Iraq, Afghanistan, Mali cho thấy, phần tử Hồi giáo cực đoan nhanh chóng hiện diện ở những nơi quyền lực nhà nước suy yếu và Al-Qaeda đang lăm le củng cố vị thế trên toàn lãnh thổ Syria.