|
Eo biển chiến lược Malacca nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, qua Biển Đông.
|
Tầm quan trọng của eo biển chiến lược Malacca
Mỗi năm, có tới 50.000 tàu buôn mang theo 40% khối lượng thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca dài 900 km. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ (EIA), trong năm 1993, mỗi ngày có khoảng 7 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ (chiếm 20% khối lượng dầu mỏ được vận chuyển trên thế giới) đi qua eo biển Malacca. Đến năm 2011, con số này đã tăng lên 15 triệu thùng/ngày (chiếm 33 %).
Sự phụ thuộc của Đông Bắc Á vào khối lượng dầu mỏ đi qua eo biển Malacca là rất lớn. Khoảng 90% lượng dầu tiêu thụ của Nhật Bản đi qua eo biển Malacca, trong khi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển chiến lược này.
Ba nước Singapore, Malaysia và Indonesia tiếp giáp với eo biển chiến lược Malacca, với chiều ngang chỉ có 2,7km ở đoạn hẹp nhất. Trong khi lực lượng hải quân nước ngoài như Mỹ vốn có truyền thống hoạt động trong khu vực, Hải quân Trung Quốc ngày càng quan tâm đến eo biển Malacca. Đó là chưa kể hải quân của 3 nước “chủ nhà” ven eo biển.
Tham vọng tàu ngầm của ba nước ven eo biển
Nhận thức được vị trí chiến lược eo biển Malacca, cả 3 nước Singapore, Malaysia và Indonesia đều có trong tay tàu ngầm. Trong đó, Indonesia có tham vọng lớn nhất.
Hải quân Singapore (RSN) hiện có trong tay lực lượng tàu ngầm ghê gớm nhất khu vực, với 6 tàu ngầm lớp Challenger mua của Thụy Điển trong những năm 1995-1997. Năm 2005, Singapore đặt mua thêm 2 tàu ngầm nữa của Thụy Điển. Đó là 2 tàu ngầm diesel-điện lớp Archer hiện đại hơn và có thể lặn sâu dưới nước nhiều tuần lễ liên tục.
|
Tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Malaysia.
|
Malaysia có đường bờ biển rất dài và cũng nằm dọc theo eo biển chiến lược Malacca. Trong năm 2002, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) quyết định cần có một lực lượng tàu ngầm nhỏ để tuần tra vùng biển.
Nhằm mục đích đó, Malaysia đã đặt mua của Pháp 2 tàu ngầm lớp Scorpene và một tàu ngầm tân trang để phục vụ cho mục đích đào tạo. Cả 2 tàu lớp Scorpene đã được chuyển giao cho Malaysia trong năm 2009.
Quyết định mua tàu ngầm Scorpene-class của Malaysia đã khiến cho Indonesia phải xem xét lại hạm đội tàu ngầm của nước này.
Là một quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, Indonesia có đường bờ biển dài tới 108.000 km và một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng tới 5,8 triệu km2. Indonesia cũng nằm dọc theo ít nhất ba tuyến hàng hải chính: Malacca, Sunda và Lombok.
Kể từ đầu những năm 1980, Hải quân Indonesia đã đưa vào hoạt động 2 tàu ngầm KRI Cakra và KRI Nenggala. Đó là loại tàu ngầm U-209/1300 của Đức.
Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm đầy tham vọng, với lực lượng tàu ngầm lên tới 18 chiếc.
Trong" thời vàng son " hồi những năm 1960, Hải quân Indonesia đã từng có trong tay 12 tàu ngầm lớp Whiskey do Liên Xô chế tạo.
Tháng 12/2011 Indonesia đã quyết định mua 3 tàu ngầm mới của Daewoo Shipbuilding (Hàn Quốc). Các tàu ngầm Type-209/1400 có sức mạnh tương với tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia. Hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD này dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2018.
Theo các điều khoản của hợp đồng, chiếc tàu ngầm thứ ba sẽ được chế tạo tại Indonesia. Điều này cho thấy tham vọng tự chế tạo tàu ngầm hiện đại của đảo quốc lớn nhất thế giới này.
Indonesia cũng vừa xây dựng xong một căn cứ quân sự mới trên Vịnh Palu và đó sẽ là một căn cứ tàu ngầm. Vịnh Palu rộng 10 km, có đường bờ biển trải dài 68 km và có độ sâu tới 400m”.
Theo giới chuyên gia quân sự, đây là căn cứ tàu ngầm quan trọng có tầm bao quát toàn bộ khu vực Đông Nam Á.