Trung Quốc trả giá đắt nếu leo thang vụ giàn khoan Hải Dương 981

Google News

(Kiến Thức) - "Dù chênh lệch tương quan lực lượng, trong trường hợp xảy ra xung đột, chắc chắn Trung Quốc phải trả giá đắt. Giải pháp cho khủng hoảng Biển Đông nên giải quyết trên bàn đàm phán", ông Minxin Pei nói.

Trung Quốc chuẩn bị gì cho Biển Đông?
Biển Đông giàu tài nguyên có thể sẽ trở thành một điểm nóng ở Đông Á, gây ra xung đột quân sự giữa các nước trong khu vực cũng như lôi kéo sự tham gia của Mỹ. Khu vực Biển Đông với ngư trường phong phú và trữ lượng dầu khí phong phú tự nhiên chưa được khai thác đang trở thành mục tiêu của Trung Quốc.
"Trung Quốc từng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông trong nhiều thập kỷ và quyết tâm thành lập quyền kiểm soát trên vùng biển này của Trung Quốc không thay đổi", các chuyên gia an ninh cho biết. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính quyền Trung Quốc bắt đầu trở nên tích cực hơn chứng minh khả năng của mình bằng việc có những xung đột trực tiếp với các nước láng giềng.
“Xu hướng hiện tại cho thấy phong cách mới của chính phủ Trung Quốc: họ sẵn sàng dùng hành động để đạt được những yêu sách”, Christopher Len – nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng ĐH Quốc gia Singapore nhận xét.
Minh chứng cho điều này là mới đây nhất, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Xung quanh giàn khoan HD981, Trung Quốc cũng triển khai hàng chục tàu các loại bao gồm cả tàu quân sự, tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư Chính và tàu cá đến khu vực xung quanh giàn khoan. Các tàu Trung Quốc chủ động đâm và sử dụng vòi rồng tấn công tàu Cảnh Sát Biển và tàu Kiểm Ngư của Việt Nam khi tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan để thực thi nhiệm vụ.
Mặc dù chưa xảy ra tổn thất nghiêm trọng nhưng hành động ngang ngược của Trung Quốc báo hiệu sự leo thang nguy hiểm trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan HD-981. 
Trung Quốc cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế giữa quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974) và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Trước sự kiện giàn khoan HD981, các cuộc va chạm trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa vẫn chỉ là những vụ quấy rối các tàu thăm dò địa chất Việt Nam của Trung Quốc. Những vụ quấy rối này có thể làm gia tăng căng thẳng nhưng khó có thể dẫn tới xung đột.
Tuy nhiên, trong sự kiện giàn khoan HD981, việc Trung Quốc cử tới hơn 80 tàu với bảo vệ giàn khoan này cho thấy Bắc Kinh dự đoán được phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam. Cũng là rất hợp lý để tin rằng, Bắc Kinh có kế hoạch dự phòng cho những cuộc xung đột tiếp theo.
Trước câu hỏi về việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là hành động đơn lẻ, bộc phát, chỉ đơn thuần mang tính chất kinh tế hay nằm trong chủ trương đã được toan tính từ lâu, thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho biết: "Tổng công ty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc là một đơn vị kinh tế nhà nước, 100% vốn nhà nước nên mọi hành động của đơn vị này đều phải xuất phát từ các cấp lãnh đạo của nhà nước".
Chuyên gia Mỹ: Leo thang quân sự, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt
"Không giống Philippines, chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể cho hải quân và không quân trong những năm gần đây bằng việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga (đã nhận 3 chiếc) và nhiều máy bay chiến đấu Su-30MK chuyên tấn công tàu. Những khoản đầu tư này cho thấy Việt Nam sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền của mình đối với các vùng biển đảo. Mặc dù có sự chênh lệch rõ ràng tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Việt Nam nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt", ông Minxin Pei, giáo sư môn chính phủ học và cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Keck tại ĐH Claremont McKenna khẳng định.
Nếu một trận không - hải chiến xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam gần Hoàng Sa, Mỹ sẽ phải đối mặt với một tình thế khó khăn. Về mặt chính thức, Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ sẽ dễ dàng đồng cảm với những nước chống lại Trung Quốc. Việc cung cấp viện trợ quân sự cho Việt Nam nhưng không can thiệp trực tiếp sẽ không có nhiều giá trị do khoảng cách lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc quá lớn. Cho phép Trung Quốc bắt nạt Việt Nam sẽ vi phạm vào nguyên tắc của Mỹ cũng như tạo ra các tiền lệ không đáng có.
Tìm giải pháp trên bàn ngoại giao
"Do những cái giá phải trả nếu leo thang quân sự giữa 2 bên, rất có thể giải pháp ngăn chặn khủng hoảng ở Biển Đông sẽ bắt nguồn từ ngoại giao", ông Minxin Pei nhận định. 
Theo ông Pei, Trung Quốc sẽ phải tìm cách đàm phán để rút lui trong danh dự, trong khi Việt Nam sẽ tìm cách giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mình. Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ bằng con đường ngoại giao từ phía Mỹ, đồng minh của Mỹ và các nước ASEAN.
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tìm kiếm giải pháp cho vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên bàn đàm phán ngoại giao. 
Quan điểm của ông Minxin Pei cũng phần nào tương đồng với quan điểm của thiếu tướng Lê Văn Cương.
Trong bài phân tích tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng 10/5 của VTV về hành động ngang ngược của Trung Quốc, thiếu tướng Lê Văn Cương cũng nhận định Việt Nam và Trung Quốc sẽ tránh giải pháp sử dụng quân sự.
Nói về những phương thức nhằm buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ), Thiếu Tướng Lê Văn Cương cho biết: “Về mặt tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong phạm vi quốc tế, thông thường có 4 phương thức gồm: trao đổi song phương, đàm phán với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế; dùng nước thứ 3 làm trung gian hòa giải; đưa ra tòa án quốc tế phân xử và cuối cùng là giải pháp quân sự. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia nào, không chỉ là nước nhỏ mà cả nước lớn đều luôn cố gắng tránh giải pháp cuối cùng, vì điều này luôn là hạ sách.
“Về vấn đề Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, trong nhiều năm, Việt Nam luôn kiên trì con đường đàm phán song phương với Trung Quốc, từng bước một giải quyết bất đồng và tranh chấp trên biển, đảm bảo lợi ích của 2 dân tộc, 2 quốc gia và 2 nước. Vì thế, hiện Việt Nam đã và đang thực hiện phương thức giải quyết số 1 và điều này không phải là không có hiệu quả. Ta có thể thấy rằng, mỗi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay Hoa Đông sau khi hành xử xong đều phải lắng nghe phản ứng của cộng đồng quốc tế thế nào, rồi sau đó mới có hành động tiếp theo. Do vậy, phản ứng Việt Nam và thế giới sau sự kiện này, tôi tin rằng muốn hay không muốn lãnh đạo Trung Quốc phải suy xét hành động tiếp theo của họ”, ông Lê Văn Cương phân tích.
“Giữa Việt Nam – Trung Quốc, tôi cho rằng, Trung Quốc có thể có nhiều vũ khí, lắm tiền của hơn Việt Nam, nhưng chúng ta có 2 sức mạnh mà Trung Quốc không bao giờ có cả. Đó là là đạo lý, pháp lý xung quanh các vấn đề tranh chấp. Theo tôi, cộng đồng quốc tế bao giờ cũng đứng về Việt Nam, do những hạn chế, nguyên nhân khách – chủ quan mà họ không lên tiếng hoặc lên tiếng mức độ, nhưng tôi tin cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ chúng ta”, ông Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương kết luận, “vì vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu – buộc Trung Quốc rút giàn khoan HD981, rút tất cả các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam”.
Lê Trang

Bình luận(0)