Giàn khoan TQ hạ đặt trái phép vùng biển VN “nóng” họp báo LHQ

Google News

(Kiến Thức) - Chủ đề Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã trở thành tâm điểm trong buổi họp báo của Liên Hợp Quốc.

Theo đó, những phóng viên quốc tế của báo, đài ở các nước đã đặt nhiều câu hỏi cho người phát ngôn Liên Hợp Quốc (LHQ) Farhan Haq về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông tại buổi họp báo ở New York hôm 9/5.
 Giàn khoan HD-981 của TQ hạ đặt trái phép vùng biển VN “nóng” họp báo LHQ
Khi được hỏi liệu về quan điểm của LHQ về việc Việt Nam hay Trung Quốc có chủ quyền thực sự ở khu vực đặt giàn khoan HD-981 và liệu LHQ có động thái nào trong bối cảnh căng thẳng này, nhà phát ngôn Haq chưa đưa ra bất cứ bình luận cụ thể nào về các câu hỏi trên. Ông cho biết thêm rằng, những điều gì có thể trả lời, ông đều đã phát biểu.
Ông Farhan Haq cũng cho hay: “Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ sự quan ngại đối với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đồng thời, ông Ban cũng hối thúc các bên kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp này một cách hoà bình thông qua con đường đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ”.
Theo kế hoạch, cuối tháng này, Tổng Thư ký Ban dự kiến có chuyến công du tới Trung Quốc để thảo luận với các lãnh đạo nước này về các biện pháp để đối phó với sự nóng lên toàn cầu và các vấn đề khác. Phát ngôn viên Haq, trong buổi họp báo, đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu chủ đề Biển Đông sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến thăm này hay không.
Sau khi nhận thông tin về việc Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu ở thềm lục địa Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã lên án "cách hành xử khiêu khích và mang tính chất hăm dọa" của phía Trung Quốc.
Ngày 7/5, nữ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu trong cuộc họp báo ngắn thường kì rằng: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại trước các hành vi đe doạ và gây nguy hiểm của các tàu. Do vậy, Mỹ kêu gọi tất cả các bên hành xử an toàn, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp về chủ quyền một cách hoà bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cùng đó, bà Jen Psaki lần nữa nhắc lại quan điểm của nước này rằng, việc triển khai giàn khoan dầu của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp là hành động “khiêu khích và vô ích” đối với an ninh trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông có thể gây ra những căng thẳng mới trong thời hậu chiến tranh lạnh. “Chúng tôi không chấp nhận việc dùng vũ lực và áp bức nhằm làm thay đổi hiện trạng của khu vực”, ông Abe nói.
 Tàu hải cảnh Trung Quôc 31101 phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Chiều 7/5, trong cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết hiện có 80 tàu Trung Quốc đang có mặt tại khu vực giàn khoan trái phép HD-981, gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu 733 cùng các tàu hải giảm, tàu ngư chính...
Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhận định: Việc giàn khoan HD-981 và cá tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam là hành động hung hăng, ngang ngược; là việc làm vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.
Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cao cấp giữa Việt Nam – Trung Quốc gây mất lòng tin của hai nước và quốc tế.
Thanh Nga (theo AFP)

Bình luận(0)