Trung Quốc "nắn gân" Mỹ bằng cách lập ADIZ

Google News

(Kiến Thức) - Lập Khu Nhận dạng Phòng không (ADIZ), Trung Quốc dồn Mỹ vào thế bí; thử thách xem Washington dám bảo vệ Tokyo tới đâu.

Tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) đã làm leo thang những tranh chấp về lãnh thổ vốn đã rất nóng với Nhật Bản. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc gần đây cũng có nhiều sóng gió do những tuyên bố của Nhật về việc bắt phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Những căng thẳng ở khu vực này đang đẩy Mỹ vào một vị trí vô cùng phức tạp.
Mỹ đang bí thế ở Đông Á
Bất chấp những nỗ lực nhún nhường của Washington hòng tìm kiếm một sự ổn định ở Đông Á, những gì mà Mỹ thu được chỉ là những chiêu trò "gây hấn" của Bắc Kinh. Kể từ khi quan hệ hai nước Nhật – Trung căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Mỹ luôn bày tỏ thái độ “không nghiêng về bên nào” trong vấn đề này. Tuy nhiên, có một sự thật là Mỹ vẫn ngầm ủng hộ đồng minh Nhật Bản, đặc biệt trong lần này, khi Trung Quốc thiết lập ADIZ, Mỹ công khai “ra mặt” phản đối.
Mỹ ủng hộ Nhật trong tranh chấp với Trung Quốc.
Ngay trong ngày 23/11/2013, liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry đều phê phán Trung Quốc đã “đơn phương làm thay đổi hiện trạng khu vực và châm ngòi nổ cho xung đột”. Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh vùng đảo Senkaku của Nhật Bản cũng nằm trong “Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”. Điều này có nghĩa là nếu Nhật Bản bị công kích trong khu vực này thì Mỹ sẵn sàng bảo vệ.
Tiếp đó ngày 25/11/2013, Mỹ đưa hai máy bay ném bom B-52 từ căn cứ Guam bay qua “Vùng nhận dạng” mà không hề thông báo trước cho Trung Quốc. Dư luận cho rằng đây là lần đầu tiên Mỹ công khai khiêu khích và thách thức Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đưa ra giả thiết rằng, Trung Quốc đang cố tình đẩy Mỹ vào “một phép thử”. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay được xem là quan hệ đặc biệt quan trọng với cả hai quốc gia. Vòng đàm phán hạt nhân mới đây đạt được với Iran đã cho thấy, Obama dám hy sinh lợi ích của đồng minh Israel ở Trung Đông thì liệu tại Đông Á, Mỹ có hy sinh lợi ích của đồng minh Nhật Bản để xây dưng mối quan hệ tốt đẹp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới? Rõ ràng, hành động tuyên bố lập ADIZ tại biển Hoa Đông của Bắc Kinh là một mũi tên thách thức, nhằm dồn Mỹ vào thế bí.
 Quân đội Mỹ đóng quân tại Nhật
Trong khi đó, mối quan hệ giữa các đồng minh cốt lõi của Washington ở khu vực này lại rạn nứt nghiêm trọng. Hàn Quốc “bực dọc” với những thái độ mới đây của Nhât Bản về những vấn đề trong chiến tranh thế giới lần thứ II như phát xít Nhật sử dụng phụ nữ như nô lệ tình dục và các quan chức Nhật ngày nay lại xem đó là một chuyện “hiển nhiên”.
Evans Reverse, một chuyên gia ngoại giao cao cấp đã về hưu của Mỹ về Đông Á nhận định: “Tình hình của khu vực Đông Á đang chuyển biến rất khó lường. Đó là hệ quả của quá trình tranh chấp lãnh thổ, mâu thuẫn của các vấn đề lịch sử, sự cạnh tranh lâu dài và sự bất lực của các nước trong việc bỏ lại lịch sử và tiến đến tương lai nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao”.
Chính tình hình này đang làm bức tranh xoay trục của chính quyền Obama ít nhiều u tối và khó hoàn thiện nếu thiếu đi sự giúp sức của các đồng minh chiến lược.
Thêm vào đó, không chỉ là tấm khiên được mang ra “dọa nhau” mỗi khi có tranh cãi ở Đông Á, Washington còn phải chật vật với một bài toán đau đầu khác ở khu vực này, đó là Triều Tiên. Các thỏa thuận mà Mỹ sắp đạt được với Iran về vấn đề hạt nhân cũng là hồi chuông nhắc nhở về một chương trình nghị sự khác về hạt nhân đã bế tắc gần 3 thập kỷ qua với Bình Nhưỡng.
Vẫn sẽ xoay trục?
Nhà Trắng mới đây cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sang tuần sẽ có chuyến thăm tới Nhật Bản- Hàn Quốc – Trung Quốc vào tuần tới với hy vọng sẽ hạ nhiệt cho khu vực nóng bỏng này. Tại Bắc Kinh, ông Binden sẽ có có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của Mỹ về những hành vi đáng lo ngại của Trung Quốc đối với các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng thời gian gần đây. Ông Joe cũng sẽ làm rõ các cam kết giữa Mỹ và các đồng minh hòng làm giảm bớt căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Mặc dù đang bận rộn giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, vì những mục tiêu xa hơn như kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Israel Palestine, ký hiệp định toàn diện về vấn đề hạt nhân với Iran sau 6 tháng tới, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đánh tiếng là sẽ “không bỏ rơi” khu vực châu Á.
Không chỉ vì sự phức tạp của các vấn đề đối ngoại, các vấn đề đối nội của nước Mỹ cũng góp phần làm cho chính sách xoay trục sang châu Á của Washington thêm phầm chậm chạp. Nhà Trắng đã phải hủy chuyến thăm của Tổng thống Obama tới 4 nước Đông Nam Á hồi tháng 10 mới đây vì chính phủ đóng cửa. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Obama hủy các chuyến thăm tới khu vực quan trọng này. Tháng 3/2010, Obama đã hủy chuyến thăm tới Indonesia và Australia để tập trung vận động thông qua Luật Y tế tại Quốc hội. Trong tháng 6/2010, ông lại hủy tiếp các chuyến thăm đến hai nước này do sự kiện tràn dầu ở vịnh Mexico. Về cơ bản, các chuyến thăm của Tổng thống có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược bao quát, trái ngược với các thỏa thuận về mặt kỹ thuật đạt được từ các cấp đàm phán thấp hơn.
Mới đây, Nhà Trắng lại tuyên bố, Tổng thống Obama sẽ quay trở lại vào châu Á vào tháng Tư sang năm như một lời tái khẳng định, chính sách của nước Mỹ với khư vực này là không đổi.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ quay trở lại châu Á vào tháng 4 sang năm
Theo nhiều chuyên gia, chính sách này sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện vì nó được đưa ra xuất phát không chỉ từ lợi ích của người Mỹ mà còn của chính các quốc gia Đông Nam Á, khu vực luôn trông đợi vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ để cân bằng quyền lực ở khu vực. Với sức mạnh quốc gia của mình, Nhật Bản cũng có tiềm năng giúp tăng cường sự can dự Mỹ-ASEAN khi cường quốc này đang tìm cách thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ. Sự trợ giúp của Nhật Bản không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn vì chính nhu cầu về động lực tăng trưởng và an ninh nhằm xây dựng các mối liên kết bền vững với khu vực Đông Nam Á.
June Teufel Dreyer, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami ở Florida cho rằng mức độ phản ứng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ đóng vai trò quyết định, và đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có hỗ trợ Nhật Bản bằng những hành động cụ thể như thế nào. Dreyer nói: “Đã đến lúc Washington có bước tiến tiếp theo. Nhưng sẽ cụ thể ra sao? Nếu không, chính sách xoay trục Châu Á của Mỹ sẽ đúng như suy nghĩ của nhiều người: Đó chỉ là một lời nói đùa!”.
Bình Nguyên

Bình luận(0)