Trung Quốc đẩy Indonesia vào tranh chấp Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Việc Bắc Kinh phản đối quyết định của Jakarta đổi tên vùng biển Natuna giàu tài nguyên thành "Biển Bắc Natuna" đã đẩy Indonesia vào tranh chấp Biển Đông.

Sáu tuần sau khi Indonesia tuyên bố ý định đổi tên Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) phía bắc quần đảo Natuna thành "Biển Bắc Natuna", Trung Quốc đã yêu cầu Jakarta hủy bỏ ý định này vì nó không có lợi cho quan hệ "tuyệt vời" giữa hai nước.
Trung Quoc day Indonesia vao tranh chap Bien Dong
 Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi tàu chiến thị sát vùng biển Natuna sau sự cố với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: The Japan Times
Trong công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Bắc Kinh vào ngày 25/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Nam Hải (Biển Đông) và việc đổi tên khu vực này sẽ không làm thay đổi thực tế đó.
Trên thực tế, năm 1986, trong một hành động được sự chấp thuận của Tổ chức Thuỷ văn Quốc tế (IHO - một tổ chức liên chính phủ với qui chế quan sát viên của Liên Hợp Quốc), Indonesia đã đổi tên vùng cực nam của Biển Đông thành Biển Natuna mà không vấp phải bất kỳ sự khiếu nại nào.
Bộ Hàng hải Indonesia đã đưa “Biển Bắc Natuna” vào bản đồ quốc gia mới được công bố hồi tháng trước. Trong khi Tổng thống Joko Widodo hài lòng với quyết định này, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi tỏ ra lưỡng lự.
Ông Siswo Purnama, phụ trách bộ phận phân tích chính sách của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng Jakarta chỉ tiến hành bước đầu tiên trong một quá trình đổi tên lâu dài bắt đầu bằng một cuộc thảo luận trong nước và kết thúc bằng sự chứng thực của IHO. Ông cho biết: "Indonesia sẽ không vội vàng” (trong vấn đề này).
Từ lâu, các nhà chức trách ở Jakarta đã tỏ ra lo ngại cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” phi lý do người Trung Quốc tự vẽ mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông và dường như xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của Indonesia.
Ngoài các nghi vấn về tính hợp pháp của cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), trong quá khứ, các nhà ngoại giao Indonesia nhiều lần yêu cầu Trung Quốc làm rõ các giới hạn địa lý của cái “đường lưỡi bò” vừa mơ hồ vừa phi lý này, nhưng không được hồi đáp.
Đặc sứ Hasyim Djalal, phụ trách về Luật hàng hải, nói rằng Indonesia chưa bao giờ nhận được thư trả lời khi gửi một công hàm chính thức cho Bắc Kinh trong năm 1994 để hỏi về tọa độ của cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn”. Hai năm sau, một quan chức cao cấp Trung Quốc nói với ông: "Đừng lo, không liên quan gì đến nước ông cả”.
Indonesia vốn không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông và cũng không có bất kỳ vấn đề ranh giới biển nào với Trung Quốc. Nhưng điều đó đã thay đổi trong năm ngoái, khi Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc giải thoát một tàu đánh cá bị Indonesia bắt giữ trong khu khu vực mà Bắc Kinh gọi là "các khu vực đánh cá truyền thống của Trung Quốc".
Không chỉ các tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, mà hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có vũ trang còn xâm phạm lãnh hải 12 hải lý của Indonesia để giải thoát các tàu cá bị bắt giữ.
Trên thực tế, cái gọi là “các vùng đánh bắt cá truyền thống” không được UNCLOS công nhận.
Trong năm 2014, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo bắt đầu giữ tàu nước ngoài đánh cá bất hợp pháp. Chính sách hàng hải mới của ông cũng nhằm chống lại việc Trung Quốc ráo riết xâm lấn trên Biển Đông.
Năm 1994, và một lần nữa trong năm 2015, Trung Quốc đã thừa nhận rằng nhóm đảo Natuna nằm cách cực tây bắc của đảo Borneo 300 km là thuộc về Indonesia.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)