|
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. |
Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực nổi giận với thông báo về việc nước này đưa bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân. Động thái đưa “đường lưỡi bò” phi pháp vào hộ chiếu của Trung Quốc đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ không chỉ của các nước trong khu vực mà cả nhiều nước bên ngoài.
Vào thời điểm các nước rầm rộ lên tiếng phản ứng với hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc, Indonesia không công khai đưa ra tuyên bố gì bất chấp việc “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cắt qua Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna giàu tài nguyên. Vùng biển này là nơi đang hoạt động của các công ty năng lượng quốc tế như ExxonMobil và Total.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính (Finacial Times) mới đây, Ngoại trưởng Indonesia – ông Marty Natalegawa đã lần đầu tiên tiết lộ rằng vài tuần sau khi hộ chiếu mới của Trung Quốc được công bố, Indonesia đã gửi công hàm phản đối chính thức đến Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Jakarta.
“Chúng tôi đã nói rằng, việc sử dụng hộ chiếu đó sẽ không được hiểu là sự công nhận đường 9 đoạn. Chúng tôi thực thi nền ngoại giao nhẹ nhàng nhưng vẫn làm rõ quan điểm của mình”, ông Natalegawa nói.
Indonesia từ lâu vẫn luôn cố gắng gạt bỏ qua một bên những tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh vì lo ngại sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của nước này với một Trung Quốc ngày càng hung hăng nhưng lại là một đối tác thương mại, một nhà đầu tư lớn của Indonesia.
“Chúng tôi tin rằng, bằng cách thực thi nền ngoại giao lặng lẽ, chúng tôi sẽ có kết quả tốt hơn. Vì vậy, tôi hoàn toàn bất ngờ khi Ngoại trưởng của chúng tôi thừa nhận đã từng lên tiếng phản đối Trung Quốc”, ông Evi Fitriani, người đứng đầu Ban Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Indonesia, cho biết.
Liệu Indonesia đối đầu trực diện với Trung Quốc?
Theo ông Ristian Atriandi Supriyanto – một nhà phân tích về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, Indonesia vẫn chần chừ không muốn làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc vì lo ngại sẽ thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc trong nước và gây ra nguy cơ về những đòn trả đũa kinh tế từ phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Supriyanto lập luận, khi Hải quân Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với lực lượng hải quân yếu hơn của Indonesia thì “ngày càng có nguy cơ Indonesia bị lôi vào cuộc tranh chấp căng thẳng hiện nay” ở Biển Đông.
Với tư cách là thành viên của nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20), Indonesia mong muốn đóng một vài trò tích cực hơn trên chính trường ngoại giao toàn cầu và khu vực.
Tuy nhiên, sự nổi lên củaTrung Quốc và sau đó là việc Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương khiến cho Indonsia khó duy trì lập trường truyền thống là không đứng về bất kỳ cường quốc nào trong khi vẫn làm bạn với tất cả các bên.
Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây ở thủ đô Jakarta nhận định: “Indonesia lo lắng về Trung Quốc nhưng họ còn lo lắng nhiều hơn về việc bị coi là đang đứng về một phe cụ thể nào đó”.
Ông Natalegawa đang tích cực thúc đẩy vai trò của Indonesia trên sân khấu chính trị thế giới kể từ sau khi ông này được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng năm 2009.
“Chúng tôi đang nỗ lực trở thành một đất nước có thể kết nối các điểm và đem các nhân tố khác biệt kết hợp với nhau theo một cách thức thích hợp và có tính toán”, Ngoại trưởng Indonesia cho biết. Ông đưa ra nhiều dẫn chứng về nỗ lực của Jakarta trong việc thuyết phục các nước Đông Nam Á tìm kiếm một lập trường thống nhất trong việc giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia cũng phải thừa nhận, hòa bình và sự ổn định (hai nhân tố giúp châu Á trở thành động lực chính của nền kinh tế toàn cầu) có thể đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là cường quốc lớn.
“Sự nổi lên của Trung Quốc, cách nước này hành động và ứng xử sẽ thực sự quyết định tình trạng của khu vực dù họ là một phần của giải pháp hay một phần của vấn đề”, ông Natalegawa phát biểu.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: