Đó là tuyên bố ngày 16/8 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, sau các cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.
|
Tổng thống Joko Widodo phát biểu trước Quốc hội Indonesia tại Jakarta ngày 16/8/2016. Ảnh Reuters |
Trong thông điệp đọc trước Quốc hội Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cũng cho biết Indonesia "tích cực tham gia" trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp Biển Đông.
Tháng trước, Tòa Trọng tài ở La Haye đã phán quyết rằng Trung Quốc không có “chủ quyền lịch sử” đối với hầu hết diện tích Biển Đông và đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines ở vùng biển huyết mạch đối với thương mại thế giới này. Quyết định đó chọc giận Bắc Kinh và Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài ở La Haye.
Trong thông điệp kỷ niệm Ngày Độc lập 17/8 , Tổng thống Joko Widodo nói: "Indonesia tiếp tục tham gia tích cực vào việc giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế”.
Tổng thống Joko Widodo khẳng chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna và các vùng biển giàu tài nguyên xung quanh, giữa lúc quan hệ Jakarta-Bắc Kinh trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ lặp đi lặp lại với tàu thuyền Trung Quốc trên vùng biển này.
Tổng thống Joko Widodo tuyên bố: "Chúng ta đang phát triển các khu vực như Entikong, Natuna và Atambua để cho thế giới thấy rằng Indonesia là một nước lớn và thực sự bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của tổ quốc”.
Entikong và Atambua là vùng lãnh thổ của Indonesia tiếp giáp với Malaysia và Đông Timor.
Ông Joko cũng kêu gọi cải cách các ngành cảnh sát và tư pháp để tăng cường công tác thực thi pháp luật trong nền kinh tế Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo được đưa ra khi Jakarta chuẩn bị kỷ niệm Ngày độc lập 17/8 bằng việc đánh chìm hàng chục tàu thuyền nước ngoài bị bắt giữ vì đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Tổng thống Indonesia hoàn toàn không nhắc tên Trung Quốc nhưng những lời bình luận này được đưa ra nhân dịp lễ Quốc khánh vào ngày mai, ghi dấu 71 năm độc lập, với sự kiện biểu tượng là phá hủy 71 tàu đánh cá, trong đó có nhiều tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận.
Trước đó, chính phủ Indonesia đã thông báo rằng tàu Trung Quốc cũng sẽ nằm trong số những tàu bị đánh chìm đợt này. Việc đánh chìm một tàu cá lớn của Trung Quốc đã bị bắt vì tội đánh cá trái phép ở vùng biển xung quanh quần đảo dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Không giống như một số nước láng giềng Đông Nam Á, Indonesia không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong phạm vi cái gọi là “đường lưỡi bò” lại chồng lấn lên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia - nước có quyền khai thác tài nguyên xung quanh quần đảo Natuna. Các cuộc đụng độ giữa tàu tuần tra/tàu Hải quân Indonesia và tàu đánh cá/tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna đã gia tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Sau một cuộc đụng độ trên biển trong tháng 6/2016, Tổng thống Joko Widodo đã tới thăm quần đảo Natuna trên một tàu chiến. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã vạch ra kế hoạch nâng cấp một đường băng và triển khai các tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và nhiều thiết bị quân sự khác ở các hải đảo xa xôi thuộc quần đảo Natuna.