Cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép trong hải phận Indonesia không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp hải sản Trung Quốc mà còn phủ bóng đen lên những kỳ vọng về tương lai của sáng kiến "Con đường Tơ lụa trên biển" của Bắc Kinh.
|
Indonessia cho nổ tung tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.
|
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Indonesia hồi tháng 10 năm ngoái, ông Joko Widodo đã đề ra chiến lược đưa quốc đảo này trở thành “Trục biển toàn cầu”. Một trong những mục tiêu của chiến lược này là khôi phục ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản, mở đầu với chiến dịch ngăn chặn các tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải của Indonesia. Theo số liệu thống kê mà Jakarta đưa ra, mỗi năm Indonesia thiệt hại khoảng 20 tỷ USD do hoạt động đánh bắt cá trái phép của tàu nước ngoài.
Việc Indonesia tăng cường chiến dịch ngăn chặn các tàu đánh cá trái phép của nước ngoài đã tác động đến Trung Quốc, không chỉ đối với ngành công nghiệp hải sản mà còn liên quan đến sáng kiến "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" (MSR) của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, chiến dịch này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng trở thành cường quốc biển của Indonesia.
Kể từ tháng 10/2014, Indonesia đã đánh đắm 84 tàu đánh cá nước ngoài. Mặc dù phần lớn các tàu đánh cá đó là của các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á nhưng Indonesia lại thường sử dụng "biện pháp mạnh" đối với các tàu đánh cá Trung Quốc. Trong tháng 1/2015, Jakarta đã bắt giữ khoảng 9 tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong hải phận Indonesia, đồng thời cho đánh chìm một chiếc hồi tháng Năm vừa qua.
Jakarta đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hợp tác đánh bắt cá song phương với Bắc Kinh được ký hồi tháng 10/2013 với lý do thỏa thuận này vi phạm luật pháp của Indonesia và tạo điều kiện cho ngư dân Trung Quốc quá tự do hành nghề trong hải phận của Indonesia. Theo thỏa thuận này, ngư dân Trung Quốc được phép vào đánh bắt cá trong hải phận của Indonesia với điều kiện là thuộc khu vực khai thác chung với một doanh nghiệp sở tại và phía Trung Quốc sở hữu không quá 49% cổ phần. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các tàu đánh cá của Trung Quốc phải được đăng ký với phía Indonesia và phải cắm quốc kỳ Indonesia.
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, nước này có 17 doanh nghiệp đầu tư vào Indonesia và khoảng 400 tàu đánh cá đang hoạt động trong vùng hải phận Indonesia, chủ yếu ở vùng biển Arafura từ tháng 10/2014. Hơn nữa, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đánh bắt thủy hải sản của Trung Quốc đã xây dựng 11 cơ sở đánh bắt và nhiều tàu cá để phù hợp với các điều kiện đánh bắt và quy định của chính quyền Indonesia. Tổng đầu tư cho hoạt động này ước tính vào khoảng 620 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Luật đánh bắt thủy hải sản mới mà Indonesia vừa công bố, hầu hết các tàu cá này không được phép hoạt động trong vùng biển của Indonesia và các cơ sở hạ tầng ven biển phục vụ hoạt động đánh bắt cá sẽ trở nên vô dụng. Điều này sẽ gây ra không ít thiệt hại về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp thủy hải sản Trung Quốc. Hiệp hội Nghề cá Ngoài khơi Trung Quốc ước tính trong giai đoạn từ tháng 11/2014 đến tháng 3/2015, các doanh nghiệp thủy hải sản Trung Quốc đã thiệt hại khoảng 130 triệu USD, chưa kể 24.000 tấn cá trị giá 50 triệu USD không được chuyển về để bán tại Trung Quốc.
Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, chính sách đánh bắt thủy hải sản của Indonesia còn cản trở kế hoạch phát triển ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ của Trung Quốc. Nguồn thủy hải sản trong nước sụt giảm nhanh chóng do ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức đã khiến Trung Quốc tìm cách mở rộng hoạt động đánh bắt xa bờ để tái cấu trúc ngành công nghiệp này. Năm 2014, ước tính Trung Quốc đã thu về 330.000 tấn cá, trị giá 500 triệu USD từ hoạt động đánh bắt tại các vùng nước của Indonesia, tương đương 24% tổng sản lượng và 34% giá trị ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ trong năm 2014.
Trong bối cảnh Trung Quốc dốc sức cho "Con đường tơ lụa trên biển", Indonesia đóng vai trò then chốt trong thành công của sáng kiến này. Nguyên nhân không chỉ bởi Indonesia là quốc gia lớn và đông dân nhất Đông Nam Á mà còn bởi "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc và chiến lược "Trục biển toàn cầu" của Indonesia có sự tương hỗ nhất định, mở ra không ít cơ hội cho hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác về hàng hải.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Jokowi vào tháng 3/2015, hai nước đã nhất trí đẩy mạnh trao đổi chiến lược và chính sách, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng hàng hải, siết chặt hợp tác trong đầu tư công nghiệp và nhiều dự án xây dựng trọng yếu, cũng như thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển một mối "quan hệ đối tác hàng hải". Tuy nhiên, hiện tại đầu tư từ Trung Quốc vào Indonesia vẫn ở mức thấp.
Mặc dù những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã quan tâm hơn tới đầu tư vào Indonesia, song Trung Quốc hiện mới chỉ xếp thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào quốc gia Đông Nam Á này. Khối lượng đầu tư thấp phần nhiều là do trở ngại của hệ thống quan liêu, luật lệ lỏng lẻo và thiếu các hỗ trợ cũng như đảm bảo từ phía chính quyền đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, những chính sách và cách hành xử cứng rắn của Indonesia trong thời gian gần đây đối với ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt thủy hải sản Trung Quốc cũng đang hủy hoại phần nào lòng tin của giới đầu tư khi có ý định tham gia thị trường Indonesia.