Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu năng lượng sang Triều Tiên vì lo ngại sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.
Nhận định trên được giới phân tích đưa ra sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 và tuyên bố đã phát nổ một quả bom H vào ngày 3/9, làm lu mờ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức ở Trung Quốc.
|
Vụ thử bom H gần đây khiến Trung Quốc tức giận vì Triều Tiên đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Bắc Kinh ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh ghép: Daily Star |
Vụ thử bom H này khiến Trung Quốc tức giận vì Triều Tiên đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Bắc Kinh ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. Nó cũng phản ánh sự liên lạc Trung-Triều đã bị gián đoạn trên thực tế.
Triều Tiên từng thông báo cho Trung Quốc ít nhất vài giờ đồng hồ trước khi thử hạt nhân, nhưng một nhà ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh cho biết thông lệ này đã chấm dứt kể từ vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm 2016.
Trung Quốc không được thông báo về vụ thử hạt nhân thứ 5 vào tháng 9 năm ngoái, mặc dù một quan chức Triều Tiên cao cấp đã đến thăm Bắc Kinh cách đó không lâu.
Các nhà quan sát nói rằng sự liên lạc giữa hai bên ngày càng trục trặc, khi Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức Bắc Kinh với chương trình tên lửa-hạt nhân.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế Zhang Liangui, tại Trường đảng Trung ương (Trung Quốc) nói: "Triều Tiên đã bác bỏ tất cả các sáng kiến của Trung Quốc và không muốn nghe lời Bắc Kinh”.
Học giả Shi Yuanhua, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán, cho biết do bất đồng trong quan hệ Trung-Triều ngày càng gia tăng, Bình Nhưỡng không muốn thông báo cho Bắc Kinh trước khi tiến hành thử hạt nhân.
Cả hai học giả Trung Quốc nói trên và nhà ngoại giao châu Á đều cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ cắt giảm nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên…để trừng phạt. Trung Quốc đã cắt nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên trong ba ngày vào năm 2003 và buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn thương lượng.
Nhật báo The New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng Washington đã yêu cầu Trung Quốc và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ cắt giảm nguồn cung dầu thô và các nguồn cung cấp nhiên liệu khác cho Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố rằng đã đến lúc thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên, hãng tin Yonhap cho hay.
Jia Qingguo, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng Bắc Kinh nên xem xét các biện pháp chế tài dầu mỏ, sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. Ông Jia nói
"Hành động này đã làm tổn thương lợi ích quốc gia của Trung Quốc và ổn định khu vực”.
Wang Sheng, một giáo sư nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, cho biết Trung Quốc sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn của LHQ, bao gồm cả dầu mỏ "bởi vì đây dường như là cách duy nhất để gây áp lực tại thời điểm này".
Trung Quốc chiếm khoảng 90% kim ngạch ngoại thương của CHDCND Triều Tiên. Tuy chưa có thông tin cụ thể về xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc sang Triều Tiên, nhưng có tin nói Triều Tiên đã nhập khẩu 520.000 tấn dầu thô từ Trung Quốc trong năm 2015. Số liệu của LHQ cho thấy Bắc Kinh đã cung cấp cho bình Nhưỡng 218.087 tấn nhiên liệu tinh chế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước ông, chỉ cung cấp 40.000 tấn dầu và các sản phẩm dầu cho Triều Tiên mỗi quý.
Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than, thủy sản, sắt và quặng sắt từ Triều Tiên theo các biện pháp trừng phạt của LHQ trước đó, dự kiến sẽ gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD cho chế độ ở Bình Nhưỡng.
Nhưng các chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn không muốn cắt đứt nguồn cung dầu mỏ cho Triều Tiên vì không muốn sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.
Học giả Jia Qingguo nói: "Chính phủ Trung Quốc nên cẩn thận xem xét trừng phạt dầu mỏ có chừng mực đối với Triều Tiên”.
Tuy nhiên, học giả Zhang Liangui lại tỏ ra nghi ngờ tính hữu hiệu của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, khi vụ thử hạt nhân mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng hoàn toàn coi thường cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Zhang Liangui nhận định: "Bình Nhưỡng hoàn toàn không quan tâm đến việc Trung Quốc nói sẽ làm gì với Triều Tiên vì biết rõ lập trường của Bắc Kinh. Triển vọng giải quyết vấn đề (tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên) là khá mờ mịt. Nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc Mỹ có quyết định hành động quân sự hay không?”