Trung Quốc bắt đầu đánh “nhóm lợi ích”?

Google News

(Kiến Thức) - Với việc chính thức điều tra cựu Tổng giám đốc CNPC Tưởng Khiết Mẫn, Trung Quốc bắt đầu đánh các “nhóm lợi ích” và tập trung vào lĩnh vực dầu khí.

Cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn trả lời phỏng vấn của báo giới.
Trung Quốc hôm 1/9 loan báo chính thức điều tra Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (cơ quan ngang bộ) Tưởng Khiết Mẫn vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Theo BBC News, ông Tưởng Khiết Mẫn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCS TQ khóa 18 đầu tiên bị điều tra, kể từ khi Trung Quốc chuyển giao quyền lực tháng 11 năm ngoái. Có hai Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương cũng đang bị điều tra.
Ông Tưởng Khiết Mẫn mới được thăng chức Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước hồi tháng Ba. Trước đó, ông Tưởng là Tổng giám đốc CNPC từ 2006 và giữ chức chủ tịch tập đoàn này trong năm 2011. Ông leo cao nhờ sự bảo trợ của Chu Vĩnh Khang, trùm an ninh vừa về hưu đầu năm nay.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cho biết 4 lãnh đạo khác của CNPC đang bị điều tra.
Ngoài ra, còn có đồn đoán rằng Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới về hưu hồi tháng 3/2013, đang trong tầm ngắm. Ông Chu Vĩnh Khang đã có thời làm Tổng giám đốc CNPC.
Ông Tưởng Khiết Mẫn leo cao nhờ sự bảo trợ của Chu Vĩnh Khang (thứ 2 bên trái), ông trùm an ninh vừa về hưu đầu năm nay. 
Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hong Kong nói ban lãnh đạo Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho việc điều tra tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang. Nếu điều này xảy ra, thì đó sẽ là điều chưa từng có vì các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị thường được miễn xá khi đã về hưu.
Nhắm vào tập đoàn dầu khí CNPC
Nhà phân tích Chen Weidong cho rằng sở dĩ CNPC bị “sờ gáy” đầu tiên vì đây là một trong những tập đoàn độc quyền lớn nhất Trung Quốc.
“CNPC tăng trưởng quá nhanh những năm qua nhờ mở rộng ra nước ngoài. Những hoạt động này nhân danh ‘nhà nước’ nhưng lại không xem lợi nhuận kinh tế là ưu tiên,” ông Chen nói. Theo ông Chen Weidong, “các vấn đề của CNPC đã âm ỉ quá lâu và trở nên quá nghiêm trọng” và vụ CNPC cũng có thể là lời cảnh cáo trước Hội nghị trung ương tổ chức vào tháng 11 tới.
CNPC là công ty mẹ của PetroChina, tập đoàn năng lượng có giá trị vốn hóa lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Exxon Mobil.
Hai phó chủ tịch, một phó tổng giám đốc và một nhà địa chất của CNPC đã mất chức và bị chính phủ điều tra.
“Sờ gáy” nhóm lợi ích?
Trong tháng 11 tới, ĐCS Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị trung ương, được trông đợi sẽ là bàn đạp cải tổ cho ban lãnh đạo mới.
Nhiều chuyên gia dự đoán có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang tấn công các nhóm lợi ích, thể hiện qua vụ điều tra CNPC.
Các nhóm lợi ích thường có liên hệ với các ngành công nghiệp nhà nước, hưởng lợi nhờ độc quyền, ưu đãi khi vay vốn ngân hàng, chính sách đất đai.
Các chuyên gia nói Trung Quốc đang bị trì trệ một phần vì các nhóm này. Cheng Li, học giả về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings, nói điều tra CNPC chứng tỏ quyết tâm kiểm soát khu vực năng lượng đầy quyền lực.
Học giả Cheng Li nói: “Có thông điệp rõ là (Chủ tịch) Tập Cận Bình và (Thủ tướng) Lý Khắc Cường muốn triệt hạ các nhóm lợi ích bảo thủ, để mở đường cho cải tổ mang tính thị trường”.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở chiến dịch chống tham nhũng, điển hình là cuộc điều tra cáo buộc khống chế giá trong ngành dược. Tập đoàn dược GlaxoSmithKline của Anh đã bị công an Trung Quốc cáo buộc tội hối lộ.
Một cựu giám đốc của tập đoàn viễn thông China Mobile cũng đang bị điều tra.
Văn Bình

Bình luận(0)