|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Nga không đánh nhau vì Syria.
|
Nga kiên quyết phản đối mọi hình thức gây áp lực của phương Tây đối với chế độ Assad và tuyên bố rằng chính phiến quân, chứ không phải quân chính phủ Syria, đã tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Thế nhưng, phương Tây lại không hề để ý đến lập trường của Nga. Một cuộc tấn công quân sự của phương Tây chắc chắn sẽ mang lại nhiều hậu quả cho Nga và khiến Điện Kremlin phải phản ứng.
Những hậu quả đối với Nga
1. Đối với hình ảnh toàn cầu của Nga
Vladimir Akhmedov, một chuyên gia hàng đầu về Syria tại Viện Nghiên cứu phương Đông trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, việc không ngăn chặn được cuộc tấn công quân sự của phương Tây chống lại lực lượng Assad có thể được xem là một thất bại của Nga.
Nhưng theo lập luận của Vladimir Bartenev, giảng viên của chính trị thế giới tại ĐHTH Moscow, việc Nga đã trì hoãn hành động quân sự chống Syria hơn 2 năm qua được cho là một thành tựu ngoại giao khiêm tốn.
Cả hai học giả nói trên đều cho rằng tình hình Syria tương tự với tình hình Iraq trước cuộc xâm lược năm 2003 do Mỹ cầm đầu, một cuộc xâm lược mà Nga phản đối kịch liệt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moscow thất bại trong việc ngăn chặn liên quân Mỹ-Anh xâm lược Iraq, nhưng đã khẳng định vai trò độc lập tự chủ trên thế giới. Với việc Mỹ rốt cuộc cũng phải rút quân khỏi Iraq, Nga tỏ ra có lý khi cáo buộc cuộc xâm lược này chỉ mang lại bất ổn, đau thương tang tóc ở Iraq.
2. Đối với vị thế của Nga trong thế giới Arập
Các chuyên gia cho rằng Liên bang Nga không có gì nhiều để mất ở Trung Đông vì đa số các nước Arập không chấp nhận lập trường của Nga về vấn đề Syria.
Đa số các nước có người Hồi giáo Sunni nắm quyền đã trở thành đối thủ tự nhiên của Nga. Có tin nói, đầu tháng 8/2013, Saudi Arabia đã tìm cách “mua” việc Nga rút lại sự hậu thuẫn cho chế độ Assad bằng một hợp đồng vũ khí trị giá 15 tỷ USD.
Chuyên gia Akhmedov nói ngay cả khi ve vãn Nga với đề nghị như trên, lập trường tương lai của thế giới Hồi giáo (dòng Sunni) sẽ phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của các cuộc tấn công quân sự nhằm lật đổ chế độ Assad “dị giáo”.
3. Đối với nền kinh tế của Nga
Trong nhiều thập kỷ , Syria đã mua hầu hết các thiết bị quân sự của Nga:, từ máy bay phản lực chiến đấu MiG đến hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion. Đó là chưa kể đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Moscow đã đồng ý bán Damascus trước khi nội chiến xảy ra.
Theo chuyên gia Akhmedov, việc chế độ Assad bị lật đổ có thể sẽ gây tổn hại cho hợp tác quân sự Nga-Syria , nhưng không nhất thiết chấm dứt các “hợp đồng” vũ khi bởi vì các bên tham chiến vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí Nga. Đó là chưa kể việc Iraq và Afghanistan (hai nước có chế độ bị Mỹ lật đổ trong vòng 15 năm qua) hiện đang tiếp tục mua thiết bị quân sự của Nga mà hai nước này đã “quen sử dụng” trong nhiều thập kỷ.
Ruslan Pukhov - giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ , một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận tại Moscow – nhận định ngay cả trong trường hợp xấu nhất, thị trường vũ khí Syria chỉ chiếm có 5% tổng số kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, thấp hơn nhiều so với các thị trường Ấn Độ , Indonesia hay Malaysia.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Societe Generale, giá dầu dự kiến sẽ tăng từ mức 115 lên 125-150 USD/thùng do lo ngại phương Tây tấn công Syria. Giá dầu tăng vọt có thể trở thành một động lực thúc đẩy nền kinh tế Nga, vốn đang trì trệ và phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu khí.
4. Đối với cơ sở bảo dưỡng Hải quân Nga ở Syria
Từ năm 1971, Nga đã có một cơ sở nhỏ để sửa chữa và tiếp liệu cho tàu chiến tại cảng Tartus của Syria. Đó là căn cứ hải quân cuối cùng của Liên bang Nga bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ.
Nhưng theo chuyên gia Puskov, mất căn cứ hải quân Tartus xem ra cũng không mấy quan trọng vì căn cứ nhỏ bé này chỉ có một vài doanh trại và chỉ có khả năng chứa không quá 2 tàu chiến cỡ trung bình.
Những phản ứng của Nga
1. Sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc
Moscow muốn mọi hành động quân sự chống Syria đều phải thông qua Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Nga có khả năng chặn các nghị quyết cho phép can thiệp quân sự, thông qua việc sử dụng quyền phủ quyết.
Cho đến nay, Nga vẫn nói hiện thiếu bằng chứng để kết luận rằng chế độ Assad đứng đằng sau vụ tấn công hóa học gần thủ đô Damascus.
Roy Allison, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường Cao đẳng St Antony thuộc Đại học Oxford, nói: “Nga sẽ tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ rằng bất kỳ cuộc tấn công trừng phạt hoặc trả đũa chế độ Syria đều là bất hợp pháp vì đây là lập trường của Nga đối với tất cả các cuộc tấn công trừng phạt tương tự của Mỹ kể từ đầu những năm 1990".
Chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ là việc Nga đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya vào năm 2011, mở đường cho NATO can thiệp quân sự và không phản đối liên quân do Mỹ cầm đầu vào Afghanistan trong năm 2001.
2. Thúc đẩy Hội nghị Geneva 2
Nga cũng có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria - có thể thông qua cái gọi là Hội nghị Geneva 2, đưa đại diện của Assad và quân nổi dậy vào bàn đàm phán. Mặc dù các cuộc không kích của phương Tây có thể khiến cho hai bên không còn muốn đàm phán với nhau, nhưng phía Nga vẫn kiên trì thúc đẩy Hội nghị Geneva 2.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ủng hộ ý tưởng Geneva 2 .
3. Hỗ trợ chế độ Assad
Moscow sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ nhân đạo cho chính phủ Assad như trong quá khứ.
Các nhà phân tích Nga nói rằng Moscow dường như đã đầu tư một số tiền đáng kể vào chế độ Assad, thông qua các khoản cho vay và hỗ trợ tài chính cũng như cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bartenev của Đại học quốc gia Moscow, sẽ không có chuyện Nga tăng cường hợp tác quân sự với chế độ Assad.
4. Cải thiện quan hệ với với Iran
Đồng minh khu vực số 1 của Syria là Iran, thành trì chính của thế giới Hồi giáo Shiite. Nga đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Bushehr và đồng ý bán một số hệ thống phòng không S-300 cho Iran, mặc dù đã rút khỏi thỏa thuận này trong năm 2010 - chủ yếu là do áp lực của phương Tây và Israel.
Theo chuyên gia Allison, rất có thể, Nga sẽ tăng cường quan hệ với Iran, nhưng điện Kremlin không muốn bị lôi kéo vào bất kỳ sự leo thang của Iran liên quan đến cuộc xung đột Syria. Ông Allison nói thêm rằng trong khi cố gắng duy trì quan hệ với Tehran, Moscow cũng sẽ cố hạn chế thiệt hại đến các mối quan hệ chung thân mật với Israel.
5. Hạ cấp quan hệ với Mỹ
Mối quan hệ của Nga-Mỹ vốn rất phức tạp, nhưng Syria là chỉ có một vấn đề trong chương trình nghị sự song phương. Nga có thể tiến hành một số động thái mang tính biểu tượng như đình chỉ hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây, rút lại sự hợp tác trong các vấn đề Iran và Afghanistan.
6. Chiến tranh
Một điều Nga sẽ không làm là đánh nhau với phương Tây vì Syria . Giống như nhiều hoạt động quân sự do Mỹ cầm đầu gần đây, một cuộc tấn công quân sự chống Syria chỉ đơn giản là sẽ không đụng chạm nghiêm trọng đến lợi ích địa chính trị cốt lõi của Nga.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định Nga sẽ không đánh nhau vì Syria.