Tổng thống Putin: Chiến lược gia kỳ tài ở Trung Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Quyết định can thiệp quân sự ở Syria cho thấy Tổng thống Putin là một chiến lược gia kỳ tài, chứ không chỉ ở tầm chiến thuật như Washington vẫn chê bai.

Đó là nhận định của nhà phân tích Dov S. Zakheim, người  từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách về tài chính từ năm 2001 đến năm 2004. Ông Zakheim hiện là phó chủ tịch Center for the National Interest và có chân trong Hội đồng tư vấn của tạp chí The National Interest.
Tong thong Putin: Chien luoc gia ky tai o Trung Dong?
Tổng thống Nga Vladimir Putin dồn các nhà lãnh đạo phương Tây vào thế bí trong "ván cờ Syria".
Theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov S. Zakheim, cộng đồng hoạch định chính sách ở Washington đã đánh giá thấp Tổng thống Putin khi nói rằng ông chỉ là một chiến thuật gia thiển cận, chứ không phải là một chiến lược gia nhìn xa trong rộng. Thậm chí,  Tổng thống Obama còn nói ông Putin đang đẩy quân đội Nga vào vũng bùn Syria. Không một nhận định nào của các nhà hoạch định chính sách Mỹ phản ánh đúng vị thế của Nga ở Trung Đông hiện nay.
Vị thế của Nga ở Trung Đông cao gấp bội Liên Xô cũ
Washington đã sai lầm khi so sánh vai trò và vị thế hiện nay của Nga ở Trung Đông với Liên Xô cũ.
Trong suốt cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Liên Xô đã công khai ủng hộ Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1989. Quan hệ Liên Xô-Ai Cập thậm chí còn tồi tệ hơn. Tổng thống Anwar Sadat đã trục xuất 20.000 cố vấn quân sự Liên Xô trong năm 1972 và sau đó trở thành đồng minh tin cậy của phương Tây. Cuối cùng, mặc dù công nhận Israel ngay sau khi nước này tuyên bố độc lập, nhưng Moscow đã cắt đứt quan hệ với Nhà nước Do Thái sau cuộc chiến tranh 1967 và không hề tái lập quan hệ cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
Quan hệ của Liên bang Nga với Trung Đông hiện khác xa các mối quan hệ của Liên Xô trước đây. Iran và Nga hiện là tấm khiên bảo vệ chế độ Assad, bảo vệ chế độ của người Alawite nói chung chứ không riêng gì Tổng thống Bashar al-Assad. Nga hiện duy trì mối quan hệ tốt với Iraq và mối quan hệ này ngày càng trở nên mật thiết khi Baghdad tiếp tục ngả về phía Tehran. Nga cũng đã tăng cường quan hệ với Ai Cập, cả về kinh tế lẫn trong  "cuộc chiến chống khủng bố”. Trong hai năm qua, hai vị tổng thống Nga-Ai Cập đã thăm viếng lẫn nhau nhiều lần.
Cuối cùng, Nga có quan hệ tốt với các quốc gia mạnh nhất ở Trung Đông, cụ thể là Israel. Quan hệ Nga-Israel đã trở nên ngày càng gần gũi, khi Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman "thường xuyên" bay sang Moscow và tiếp tục duy trì một đường dây trực tiếp với Tổng thống Putin. Qun hệ  thương mại giữa hai nước tiếp tục gia tăng, bao gồm cả việc buôn bán vũ khí. Israel đã đình chỉ việc bán vũ khí cho Gruzia trong cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008 và không nối lại việc cung câp vũ khí kể từ thời điểm đó. Israel cũng đã do dự trong việc bán máy bay do thám hoặc các loại vũ khí khác cho Ukraine, theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Putin.
Tất cả những diễn biến nói trên giải thích vì sao Tổng thống Putin ở một vị thế mạnh mẽ hơn trong việc quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Iran và Hezbollah đang hỗ trợ quân đội Syria bằng lực lượng mặt đất, trong khi Nga hỗ trợ bằng chiến dịch không kích các nhóm phiến quân thành chiến. Iraq đã cùng với Nga và Iran thiết lập một Trung tâm điều phối ở Baghdad. Về phần mình, Ai Cập đã công khai ủng hộ sự can thiệp của Nga tại Syria. Hai ngày sau khi Moscow tiến hành đợt không kích đầu tiên ở Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố chiến dịch không kích của Nga nhằm “hạn chế dẫn đến tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Syria”.
Cuối cùng, trong chuyến thăm Moscow của Thủ tướng  Netanyahu trước khi xảy ra chiến dịch không kích của Nga, hai nhà lãnh đạo đã thỏa thuận những gì mà Thủ tướng Israel gọi là một "cơ chế chung" để bảo đảm xóa bỏ mâu thuẫn giữa các hoạt động của lực lượng Israel và Nga. Trên thực tế, thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho Nga tự do hành động ở Syria, trong khi Israel sẽ không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào của Nga trong các hành động trả đũa Hezbollah và các lực lượng chống Assad pháo kích từ  lãnh thổ Syria.
Trong khi vẫn cung cấp tài chính cho phe đối lập Syria, các quốc gia Vùng Vịnh đang bị cuốn hút vào cuộc  xung đột Yemen. Đặc biệt, Ả-rập Xê-út,  quốc gia vùng Vịnh hùng mạnh nhất,  đang ở vào vị thế không làm được gì nhiều để chống lại sự can thiệp của Nga ở Syria. Ả-rập Xê-út đang bị sa lầy ở Yemen và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng nghiêm trọng cũng như tình trạng chia rẽ trong hoàng tộc.
Syria không phải là “vũng lầy” đối với Nga
Có thể nói rằng Syria không phải là “vũng lầy" đối với Nga mà Tổng thống Obama hằng hy vọng.  Không giống như Afghanistan, nơi Liên Xô phải đối mặt với sự chống đối của dân chúng  Afghanistan bất kể nguồn gốc dân tộc, Tổng thống Putin biết rõ rằng cộng đồng Alawite chiếm 10% dân số Syria sẽ ủng hộ chiến dịch không kích của Nga vì tồn tại của cộng đồng có thể bị đa số người Hồi giáo Sunni đe dọa. Tương tự, những người  Kitô giáo và Druze thiểu số của Syria, vốn được chế độ Assad bảo vệ , có nhiều điều phải lo sợ trước các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận al-Nusra liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong khi đó, người Kurd ở Syria - những người đã gây ra những tổn thất nhiều nhất cho phiến quân IS - cũng không muốn nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS đánh bại quân đội của Tổng thống  Assad và trở nên mạnh hơn.
Tổng thống Putin có lý do chính đáng để tiêu diệt phiến quân IS, vì mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo đối với Nga trực tiếp hơn so với Mỹ. Những người Hồi giáo Nga đang tham gia lực lượng IS có số lượng lớn gấp bội so với những người Hồi giáo ở Mỹ. Các nước cộng hòa Hồi giáo bất ổn ở bên trong Liên bang Nga là những mảnh đất màu mỡ cho việc bành trướng của Nhà nước Hồi giáo.
Tóm lại, nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Putin đã xử lý tình hình Trung Đông tốt hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama. Vị thế của ông ở khu vực Trung Đông cao hơn, mạnh hơn bao giờ hết. Việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria cũng  không hề làm giảm sút ảnh hưởng của Moscow trong khu vực.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)