Vai trò của những "kỳ thủ" chủ chốt trong “ván cờ Syria“?

Google News

(Kiến Thức) - Syria, Nga, Mỹ,... được xem là những "kỳ thủ"  chủ chốt trong "ván cờ Syria".

Ngày 30/9, Nga bắt đầu chiến dịch không kích phiến quân IS tại Syria. Đây là hành động can thiệp lớn nhất của Moscow tại Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Sự tham gia của Nga khiến cuộc nội chiến Syria kéo dài suốt 4 năm đã bước sang một giai đoạn mới đầy biến động, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hành động một cách mạnh mẽ để khẳng định ảnh hưởng của Moscow trong khu vực bất ổn này.
Các cuộc không kích của Nga cũng khiến Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “lo ngại” sau khi các chiến đấu cơ của Nga đã hai lần vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua. Sự việc này khiến Ankara phải triệu tập Đại sứ Nga để phản đối "hành vi vi phạm" trên.
Ngoài Nga, Mỹ, Iran hay Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ đều là những nhân vật chủ chốt trong “bàn cờ Syria”.
Syria
Xung đột tại Syria bắt đầu với những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad vào đầu năm 2011. Những cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo lực và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Vai tro cua nhung
Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hồi tháng 9/2014, Mỹ dẫn đầu một liên minh quốc tế bắt đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS tại Iraq và Syria cũng như các tổ chức cực đoan khác.
Từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, khoảng 250 nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người dân phải rời bỏ đất nước.
Nga
Moscow cho biết, họ tham gia chiến tại Syria để hỗ trợ phương Tây đánh IS và các tổ chức khủng bố khác. Kể từ khi bắt đầu tham chiến, Moscow đã thực hiện hàng chục cuộc không kích nhằm vào mục tiêu IS tại Syria mỗi ngày. Nga lo sợ rằng, hàng nghìn công dân Nga gia nhập IS sẽ trở về đất nước và thực hiện các cuộc tấn công.
Moscow cũng muốn bảo vệ Tổng thống al-Assad trước các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn. Được biết, chế độ Assad là đồng minh duy nhất của Nga tại Trung Đông trong nhiều thập kỷ.
Vai tro cua nhung
Chiến đấu cơ Nga ném bom trong một cuộc không kích tại Syria.
Sự ủng hộ của Moscow dành cho chính phủ Damascus bao gồm việc ngăn các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án ông al-Assad tại Hội đồng Bảo an, đồng thời, cung cấp vũ khí cho quân đội Syria bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù Nga khẳng định, sự can thiệp của họ nhắm vào các khủng bố IS – tổ chức hiện kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền đông và miền bắc Syria, nhưng cho đến nay, nhiều cuộc không kích của Moscow cũng nhắm vào lực lượng đối lập ông al-Assad.
Các chuyên gia nhận định, Nga có thể can thiệp sâu hơn vào Syria. Việc Nga xây dựng lực lượng quân đội gần đây tại Syria không chỉ nhằm củng cố sức mạnh cho ông al-Assad mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây. Theo chuyên gia phân tích Daragh McDowell, hầu như dư luận không nghi ngờ hành động xây dựng quân đội của Nga tại Syria “nhằm buộc Mỹ và phương Tây hợp tác với Moscow về vấn đề Syria”.
Song các quan chức và nhà ngoại giao cấp cao cho biết trên Reuters, họ tin rằng mục đích của can thiệp của Nga một phần là để gây áp lực lên phương Tây chấp nhận việc Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 và dần dần gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt lên Nga sau sự kiện sáp nhập này.
Mỹ
Mỹ cùng các đồng minh Australia, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út đang thực hiện chiến dịch không kích IS tại Syria. Trong khi cả Moscow và Washington khẳng định mục tiêu của họ là phiến quân IS nhưng Mỹ cho rằng, sự hiện diện của Nga tại quốc gia Trung Đông này sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Washington cáo buộc Tổng thống al-Assad tấn công dân thường và khẳng định ông không có vai trò trong việc ổn định tại Syria thời hậu chiến.
Các cuộc không kích của Mỹ nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy “ôn hòa”, chống lại phiến quân IS và các tổ chức cực đoan khác.
Vai tro cua nhung
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thổ Nhĩ Kỳ
Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bất đồng trong cuộc xung đột Syria bởi Ankara luôn tìm cách lật đổ Tổng thống al-Assad và hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy mạnh vai trò của họ trong liên minh do Mỹ dẫn đầu khi bạo lực tại Syria và Iraq ngày càng lan sang khu vực biên giới nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này đã phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tại Syria khi những người tị nạn tràn sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara thông báo, hiện gần hai triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Những ngày gần đây, Ankara lên tiếng chỉ trích Nga vi phạm không phận nước này.
Iran
Iran – đồng minh của Syria – đang cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Damascus kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu.
Ả-rập Xê-út
Ả-rập Xê-út cùng Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh khác ủng hộ phe nổi dậy chống Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, chính phủ ở Riyadh cũng đang lo ngại về sự lớn mạnh của các tổ chức thánh chiến, chẳng hạn như IS. Do vậy, quốc gia này đã ra sắc lệnh, bất cứ ai ủng hộ IS sẽ phải chịu án tù dài hạn.
Thiên An (Theo ST)

Bình luận(0)